Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar

(Dân trí) - Để có một bộ phim do Việt Nam sản xuất được xướng tên tại giải Oscar là một giấc mơ vẫn còn khá xa vời. Tuy vậy, trong lịch sử 88 lần trao giải của mình, Oscar đã có những “mối duyên” lớn nhỏ với điện ảnh Việt Nam.

“Chau, beyond the lines” - Phim tài liệu về cậu bé Việt Nam nhiễm chất độc da cam được đề cử Oscar 2016

Nữ đạo diễn Courtney Marsh
Nữ đạo diễn Courtney Marsh

“Chau, beyond the lines” (tạm dịch: Châu, vượt lên những giới hạn) còn có tên ban đầu là “War Within the Walls” (Cuộc chiến bên trong những bức tường).

Đây là một phim tài liệu ngắn của nữ đạo diễn người Mỹ có tên Courtney Marsh làm về một cậu thiếu niên 16 tuổi tật nguyền người Việt bị những ảnh hưởng của chất độc da cam. Cậu có ước mơ trở thành một họa sĩ, một nhà thiết kế thời trang.

Phim đã vừa được đề cử chính thức tại giải Oscar cùng với 4 bộ phim khác. “Chau, beyond the lines” cho thấy những ảnh hưởng dài lâu của chất độc da cam đối với nhiều thế hệ người Việt dù chiến tranh đã lùi xa.

Châu - một cậu thiếu niên sống trong một trung tâm chăm sóc bảo trợ những trẻ khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam - đã phải chịu những khuyết tật ở tứ chi.

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 2

Trước ước mơ của Châu, rất nhiều người đã nói với cậu rằng đó là những điều phi thực tế, bất khả thi… Quá trình thực hiện bộ phim kéo dài trong 8 năm. Trong năm 2014, phim hoàn thành và đã giành được một số giải tại các LHP nhỏ. Được đề cử tại giải Oscar chính là thành công lớn nhất của phim cho tới thời điểm hiện tại.

Đạo diễn Courtney Marsh gặp Châu từ khi cô còn là một sinh viên, quá trình thực hiện bộ phim ròng rã suốt 8 năm và chỉ tới năm 2015 vừa qua, cô mới có thể chính thức cho ra mắt bộ phim tài liệu dài 34 phút chứa đựng biết bao tâm huyết của mình.

Ở “Chau, beyond the lines”, chúng ta có thể bắt gặp những hoài bão, hoài bão của nhân vật, hoài bão của đạo diễn - những người trẻ đang khao khát khẳng định chính mình.

Courtney Marsh đã gặp đúng Lê Minh Châu, để giờ đây sau 8 năm, cô đã trở thành một nhà làm phim có tác phẩm đề cử Oscar còn Châu đã trở thành họa sĩ có triển lãm tranh. Cả hai con người trẻ tuổi đều đã “vượt lên những giới hạn” một cách xuất sắc.

Trailer phim “Chau, beyond the lines” (2015)

Rosa Tran  - Nhà sản xuất của bộ phim hoạt hình đang được đề cử tại Oscar 2016

Nhà sản xuất phim Rosa Tran
Nhà sản xuất phim Rosa Tran

Bộ phim hoạt hình “Anomalisa” hiện là một trong 5 phim được đề cử ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Ba nhà sản xuất của phim - Charlie Kaufman, Duke Johnson, và Rosa Tran - chính là những người sẽ bước lên bục nhận giải nếu bộ phim do họ sản xuất nhận được tượng vàng. Rosa Tran là một nhà sản xuất phim chuyên về thể loại hoạt hình người Mỹ gốc Việt.

“Anomalisa” xoay quanh nhân vật chính là một tác giả có cuộc sống cô độc. Dù là một con người thành công, có gia đình, vợ con, đi nhiều, quen biết rộng, nhưng thực tế trong mắt người đàn ông này, tất cả những người ông gặp đều giống nhau, họ khoác lên những gương mặt y hệt, nói những giọng nói giống hệt…

Thẳm sâu trong tâm hồn mình, tất cả mọi người, thậm chí ngay cả vợ con của mình, đối với ông đều là những người xa lạ giống hệt nhau.

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 4

Ông ẩn chứa những nỗi cô đơn, những sự ám ảnh âm thầm cho tới khi gặp một người phụ nữ đặc biệt khiến ông cảm thấy cô không hòa vào dòng người “y hệt” mà ông vẫn gặp thường ngày, cô rất khác biệt và khiến ông có thể dễ dàng phân biệt với những người khác.

Người đàn ông muốn bắt đầu một cuộc sống mới với cô gái nhưng những nỗi ám ảnh có dễ dàng buông tha ông như vậy?  “Anomalisa” là một phim hoạt hình dành cho người lớn khiến người xem suy nghĩ về cuộc sống, về nội tâm của mình.

“My Home” - Phim hoạt hình của nữ đạo diễn người Pháp gốc Việt lọt vòng tiền đề cử Oscar 2016

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 5

Trong danh sách “tiền đề cử” của giải Oscar 2016 ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn, trong 10 phim được đưa vào danh sách “tiền đề cử” có “My Home” (Nhà của tôi, tên tiếng Pháp: Chez Moi) được thực hiện bởi nữ đạo diễn mang hai quốc tịch Việt - Pháp, cô là Nguyễn Phương Mai.

Dù sau đó, danh sách đề cử chính thức 5 phim không có “My Home” nhưng đây vẫn là một điểm nhấn đáng chú ý bên lề giải Oscar 2016.

Chuyện phim kể về cậu bé Hugo và những đổi thay trong cuộc sống của cậu khi bỗng nhiên trong nhà không chỉ có mẹ và Hugo, mà còn có thêm bóng dáng một người đàn ông đáng sợ với hình dáng hộ pháp, nửa người - nửa chim, ông mang một vẻ gì đó đầy hăm dọa khiến cậu bé vừa tò mò vừa sợ hãi.

Người đàn ông cao lớn mang hình dáng kỳ dị ấy luôn để lại những chiếc lông đen xấu xí rải rác khắp nhà. Mới đêm trước, Hugo còn được mẹ choàng chăn ấm đi ngủ, vậy mà hôm sau, khi em thức dậy, người đàn ông này đã xuất hiện trong nhà, thật là một cú sốc đối với Hugo, mọi điều liền trở nên khác lạ…

Nữ đạo diễn Nguyễn Phương Mai (trái)
Nữ đạo diễn Nguyễn Phương Mai (trái)

Bộ phim dài 12 phút đã tham dự nhiều sự kiện điện ảnh, cũng đã giành được một số giải thưởng, nhưng việc được đề cử (dù không chính thức) tại giải Oscar 2016 là thành công lớn nhất của phim tới lúc này.

Nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Mai sinh năm 1988 ở TPHCM và đã sống ở đây đến năm 15 tuổi. Sau đó, cô sang Paris (Pháp) học tập và bắt đầu theo đuổi nghệ thuật. Cô dần định hướng được đường đi của mình, đó là làm phim hoạt hình.

Hiện giờ, Phương Mai đang sống ở Paris và làm việc với tư cách nhà thiết kế, đạo diễn, nhà làm phim hoạt hình. “My Home” được xem là phim hoạt hình ngắn chuyên nghiệp đầu tiên của cô.

Tom Cross - Người Mỹ gốc Việt đoạt giải Oscar cho Biên tập phim xuất sắc

Biên tập phim Tom Cross Minh Tâm
Biên tập phim Tom Cross Minh Tâm

Năm 2015, Tom Cross Minh Tâm - biên tập phim người Mỹ mang trong mình một nửa dòng máu Việt - đã đoạt giải Oscar ở hạng mục Biên tập phim xuất sắc với tác phẩm điện ảnh “Whiplash” (Khát vọng nhịp điệu). Tom Cross đã có gần 20 năm làm nghề với các vai trò như trợ lý đạo diễn, biên tập phim.

“Whiplash” được biên kịch và đạo diễn bởi Damien Chazelle dựa trên những trải nghiệm của chính anh khi từng có thời theo đuổi việc học nhạc. Bộ phim xoay quanh mối quan hệ căng thẳng đến mức trở thành cơn ác mộng kỳ quái giữa chàng sinh viên đầy hoài bão - Andrew Neiman và ông thầy dạy nhạc khắc nghiệt - Terence Fletcher.

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 8

Tại giải Oscar 2015, “Whiplash” đã khá thành công khi nhận được 5 đề cử, trong đó có đề cử quan trọng cho Phim hay nhất. “Whiplash” đã giành về 3 tượng vàng ở các hạng mục Biên tập phim xuất sắc nhất, Hoà âm hay nhất và Nam phụ xuất sắc nhất.

Kim Nguyễn - Đạo diễn gốc Việt có phim được đề cử chính thức tại giải Oscar

Đạo diễn Kim Nguyễn
Đạo diễn Kim Nguyễn

Tại giải Oscar năm 2013, bộ phim “War Witch” (Phù thủy chiến tranh) của đạo diễn người Canada gốc Việt - Kim Nguyễn đã được đề cử tại giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Kim Nguyễn là người viết kịch bản và đạo diễn “War Witch”. Bộ phim được quay tại Congo và từng tranh giải Gấu Vàng tại LHP Quốc tế Berlin (Đức). Tại đây, nữ chính Rachel Mwanza đã giành được giải Gấu Bạc cho Nữ chính xuất sắc nhất.

Sau đó, phim đã được Canada gửi đi tranh giải ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar 2013. “War Witch” là một trong 5 phim được đề cử chính thức.

Lấy bối cảnh một cuộc nội chiến ở Châu Phi hạ Sahara, “War Witch” xoay quanh nữ chiến binh 12 tuổi có tên Komona. Em đã bị phiến quân nổi dậy bắt cóc và buộc phải trở thành một nữ chiến binh. Khi bị bắt cóc, Komona đã buộc phải lựa chọn giữa việc tự mình bắn chết cha mẹ để họ nhanh chóng ra đi hoặc phải chứng kiến cảnh họ chết trong đau đớn. Cuối cùng, Komona đã lựa chọn cách thứ nhất.

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 10

Sau đó, Komona buộc phải trải qua một khóa huấn luyện kinh hoàng để trở thành nữ chiến binh. Cô gái thường xuyên bị đánh đập và bỏ đói cùng với những thanh thiếu niên khác cũng bị bắt cóc như mình. Để quên đi thực tế cuộc sống hiện tại, Komona thường lấy nhựa cây có chứa chất gây ảo giác để tạm thời có những lúc chìm vào một thế giới khác.

Sau những lần thoát hiểm trong gang tấc trước những cuộc phục kích, Komona được mệnh danh là “phù thủy chiến tranh” và nhận được nhiều lòng tin hơn. Cô đã tận dụng điều này để trốn thoát nhưng rồi lại bị bắt trở lại và buộc phải chứng kiến người bạn duy nhất của mình cũng là người đem lòng yêu mình bị sát hại đau đớn.

Komona phải trở lại cuộc sống khắc nghiệt kinh hoàng của một nữ chiến binh. Bị tên chỉ huy cưỡng bức và mang thai đứa con của hắn. Cô đã trả thù cho tất cả những đau đớn mà mình đã phải gánh chịu, dù vậy điểm sáng trong phim chính là tình mẫu tử mà Komona - một nữ chiến binh - dành cho đứa con trong bụng.

“Mùi đu đủ xanh” - Phim nói tiếng Việt được đề cử chính thức tại giải Oscar

Đạo diễn Trần Anh Hùng
Đạo diễn Trần Anh Hùng

Nhắc đến đạo diễn Trần Anh Hùng là người ta nhắc ngay tới “Mùi đu đủ xanh” - tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của vị đạo diễn người Pháp gốc Việt.

“Mùi đu đủ xanh” từng được chiếu tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) hồi tháng 5/1993 và giành giải Camera vàng cho phim đầu tay, sau đó là giải César của điện ảnh Pháp (vốn được so sánh với giải Oscar của Mỹ) cho Phim đầu tay xuất sắc.

Năm 1994, phim được đề cử tại giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. “Mùi đu đủ xanh” mang đậm chất Á và đã có những thành công nhất định trên quy mô thế giới.

Phim kể về một cô bé đi ở từ lúc còn nhỏ cho tới khi trở thành một cô thiếu nữ và tìm được tình yêu đẹp của cuộc đời mình. Bối cảnh phim là Sài Gòn thập niên 1950, tuy vậy, phim trường hoàn toàn được dựng lên ở Paris, Pháp.

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 12

Nhân vật nữ chính của phim tên là Mùi. Hai nữ diễn viên vào vai này đều là những người Pháp gốc Á. Trong đó, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê, vào vai Mùi lúc lớn, là một phụ nữ Pháp gốc Việt. Cô cũng chính là vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Trong “Mùi đu đủ xanh”, những nét đặc trưng trong tính cách con người Việt Nam được khắc hoạ rõ nét. Đó là sự nhẫn nại và đức hy sinh của người phụ nữ. Họ là những con người thầm lặng, sống đầy nhẫn nhịn như Mùi.

Bên cạnh cảm nhận về thân phận và tính cách con người, đạo diễn còn dẫn dắt người xem đến với những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên Việt Nam dù trường quay được đặt ở Pháp.

Qua những khuôn hình cận cảnh, vẻ đẹp của những cuộc sống đời thường ở một nước Á Đông được đặc tả sinh động, lãng mạn, nên thơ. Qua đó, người xem hình dung ra vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết của tâm hồn con người Việt Nam.

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 13

Khán giả xem phim sẽ yêu mến cô bé Mùi luôn ngạc nhiên trước những hiện tượng dù nhỏ bé của thiên nhiên diễn ra quanh mình. Hình ảnh Mùi mắt tròn xoe nhìn những giọt nhựa đu đủ trắng nhỏ xuống tán lá xanh, hay thích thú ngắm những hạt nhỏ màu trắng trong trái đu đủ xanh là những cảnh phim giàu sức biểu cảm.

“Mùi đu đủ xanh” đã trở thành cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Trần Anh Hùng với nhiều giải thưởng danh giá và sự ghi nhận của giới điện ảnh phương Tây.

Trailer phim “Mùi đu đủ xanh”

“Đông Dương” - Phim quay tại Việt Nam đoạt giải Oscar

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 14

Bộ phim Pháp “Indochine” (Đông Dương - 1992) của đạo diễn Régis Wargnier lấy bối cảnh khu vực Đông Dương ở thập niên 1930-1950. Phim được quay tại Việt Nam và từng giành giải Oscar ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất. Nữ chính Catherine Deneuve cũng nhận được đề cử ở hạng mục Nữ chính xuất sắc nhất.

Ngoài ra, phim còn giành được giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục dành cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Năm 1989, đạo diễn Régis Wargnier sang Việt Nam tìm bối cảnh cho phim. “Đông Dương” được quay tại nhiều nơi ở Việt Nam như Ninh Bình, vịnh Hạ Long, các khu vực lân cận Hà Nội…

Trong phim, nữ chính người Pháp - Catherine Deneuve và nữ phụ gốc Việt - Phạm Linh Đan vào vai mẹ và con gái nuôi. Họ đã cùng nhau sống bình lặng tại Việt Nam trong những năm tháng thực dân Pháp đô hộ cho tới khi gặp viên sĩ quan hải quân trẻ tuổi Jean-Baptiste Le Guen.

Những “mối duyên” giữa điện ảnh Việt và giải Oscar - 15

Cuộc tình tay ba của hai mẹ con với viên sĩ quan khiến cuộc sống của cả ba người bị xáo trộn, kèm theo đó là những diễn biến bất ngờ của thời cuộc khiến mỗi người phải đi theo những ngã rẽ cuộc đời khác nhau.

Bộ phim từng lập tức gây tiếng vang ngay sau khi công chiếu. Phim khiến cả thế giới có một cái nhìn khác về Việt Nam và cuộc chiến đã đi qua. Đó cũng chính là mong muốn lớn nhất của đạo diễn Régis Wargnier khi thực hiện bộ phim này bởi tại thời điểm đó, Việt Nam luôn gắn liền với hình ảnh về chiến tranh. Régis Wargnier muốn thay đổi cách nhìn nhận ấy về Việt Nam.

Bích Ngọc
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm