Những cách pha chế cà phê độc đáo ở Việt Nam

Hoàng Tiến

(Dân trí) - Cà phê không chỉ có hương vị thơm tuyệt, mà người ta còn tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia khi thưởng thức những tách cà phê. Thế nhưng, điểm thú vị của cà phê còn nằm ở cách pha chế.

Hai thành phần chính để pha chế cà phê là cà phê và nước, tuy nhiên với đặc trưng riêng ở từng vùng miền mà cà phê được pha chế theo nhiều cách khác nhau, cho ra các hương vị độc đáo khác nhau.

Cà phê pha bằng phin

Ở nước ta, cà phê phin là hình thức pha chế phổ biến hơn cả, khi những giọt đắng cuối cùng trên phin ngưng chảy, cũng là lúc chúng ta sắp được thưởng thức ly cà phê tuyệt vời.

Khoảng đầu thế kỷ 20, cà phê theo dấu chân người Pháp du nhập vào Việt Nam và cũng chính họ truyền đạt cho người Việt cách pha chế cà phê bằng phin.

Những cách pha chế cà phê độc đáo ở Việt Nam - 1
Pha cà phê bằng phin tương đối đơn giản và không đòi hỏi thiết bị phức tạp (Ảnh: Minh Tien Coffee).
Những cách pha chế cà phê độc đáo ở Việt Nam - 2
Nguyên tắc chủ yếu là cho nước thẩm thấu qua cà phê. Đặc điểm của cách pha này cho ra một tách cà phê thơm nồng đắng đậm (Ảnh: Minh Tien Coffee).

Cà phê "3 chín" của người Ê-đê

Kể từ khi cây cà phê lần đầu tiên được thử nghiệm rồi tiến hành trồng hàng loạt tại vùng đất Cư M'Gar (Đắk Lắk) (khoảng năm 1912-1914), người dân Ê-đê bản xứ đã lao động trong các đồn điền trồng cà phê do người Pháp lập ra.

Trải qua hơn 100 năm, người dân Ê-đê đã học hỏi và tự sáng tạo ra một phong cách pha chế, cách uống cà phê rất độc đáo theo đặc trưng của dân tộc mình.

Từ những hạt cà phê chín mọng trong vườn, người Ê-đê thu hái về phơi trong nhiều ngày. Qua thời gian phơi, họ bắt đầu xử lý, ủ hạt cà phê và cuối cùng là rang chín.

Những cách pha chế cà phê độc đáo ở Việt Nam - 3
Mọi công đoạn được thực hiện theo công thức "3 chín": Hái chín, rang chín, hãm chín (Ảnh: Báo Đắk Lắk).

Công đoạn đầu tiên của quy trình này là rang chín những trái cà phê đặc biệt đã được phơi trên gác bếp, rang cùng với mỡ gà hoặc có thể thêm một chút muối, rượu trắng.

Tiếp sau đó, cà phê được giã hoặc xay thành bột, bột cà phê sẽ được sàng để lọc bỏ tạp chất trước khi bỏ vào đun cùng nước đang sôi (chín lần thứ ba).

Công đoạn này có sự khác biệt đôi chút trong phong tục của các nhánh người Ê-đê. Người Ê-đê Kpă thường hòa tan trực tiếp bột vào nước đang sôi. Còn người Ê-đê Adham lại múc bột vào túi phễu vải nhỏ và thả vào ấm nước đang đun sôi để tinh chất cà phê thấm dần vào nước.

Công đoạn cuối cùng là rót cà phê vào từng cốc hoặc ly nhỏ và thưởng thức.

Cà phê pha bằng vợt ở Sài Gòn

Quán cà phê Ba Lù vốn nổi tiếng với món cà phê vợt hay còn gọi là "cà phê kho" ở Sài Gòn. Quán cà phê này có tuổi đời gần 70 năm, người chủ đầu tiên của quán là ông Ba Lù hiện đã mất. Ngày nay, quán do ông Cam Trung Nghĩa (con rể ông Ba Lù) và con gái tiếp quản.

Cà phê tại quán này vẫn được duy trì phương pháp rang thủ công truyền thống, có muối, bơ Pháp và rượu. Cà phê sau khi pha được ủ trong siêu (ấm) thuốc thêm 10 phút rồi mới đưa ra cho khách thưởng thức. Phần vừa để cà phê nguội bớt, vừa để bột cà phê sẽ nở đều và đậm hương hơn.

Những cách pha chế cà phê độc đáo ở Việt Nam - 4
Cà phê pha bằng siêu đất và vợt mini (Ảnh: Ba Lu Coffee).

Mới đây, chủ quán cà phê này đã cho ra đời bộ siêu (ấm) đất và vợt pha cà phê tí hon thu hút sự chú ý của mọi người. Ý tưởng này được chị Thu, con gái chủ quán thực hiện từ 10 tháng trước, dựa trên cách pha cà phê vợt bằng siêu thuốc truyền thống của người Hoa.