Cánh Diều Vàng 2014:

Những bộ phim Việt “tra tấn” khán giả

(Dân trí)- Kịch bản “nghèo” ý tưởng, phi logic. Tình tiết dàn dựng ngô nghê, sơ sài. Diễn viên đi lại như con rối thoại những lời vô nghĩa… Đó là “chân dung” của hàng loạt những phim Việt “thảm họa” được sản xuất năm 2013.

Nhan nhản những bộ phim “thảm họa” đã đăng ký tham dự giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh năm nay. Như thường lệ, vào những ngày này, nếu đọc báo- người ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt những bài viết giật tít (title) quen thuộc kiểu “Phim “thảm họa” tràn lan Cánh Diều Vàng”, hay, “La liệt phim “thảm họa” tham dự Cánh Diều Vàng”… Hàng chục năm trở lại đây, trước thềm bất kỳ giải thưởng điện ảnh nào, từ liên hoan phim đến Cánh Diều Vàng, những bài viết điểm tên các “thảm họa” phim Việt đều được đăng tải rộng rãi.

Lý do đơn giản, phim “thảm họa” quá nhiều, và ngày càng “thảm họa” hơn.
 
Ban giám khảo thể loại phim truyện điện ảnh đã trải qua 4 ngày xem phim căng thẳng
Ban giám khảo thể loại phim truyện điện ảnh đã trải qua 4 ngày xem phim "căng thẳng"

Ban giám khảo thể loại phim truyện điện ảnh của giải thưởng Cánh Diều Vàng 2014 vừa có những ngày chấm “kinh hoàng” tại Hội Điện ảnh. Bốn ngày chấm giải, mỗi ngày xem 3- 4 bộ phim, ban giám khảo phải “khóc dở- mếu dở”. Có những phim “dán mác” phim hành động, nhưng thay vì những phút gay cấn, hồi hộp cần có, phim lại… gây cười từ đầu đến cuối bởi sự ngô nghê, phi lý. Có phim tâm lý lấy đề tài là cuộc sống chông gai của người nghệ sỹ, lẽ ra phải gây xúc động, day dứt cho người xem, nhưng từ đầu đến cuối, phim gây ức chế đến mức… đau đầu vì những tình tiết ngây thơ đến mức không tưởng của một kịch bản yếu kém, sơ sài.

Kịch bản yếu kém. Đạo diễn bế tắc. Diễn viên “ngây thơ”… Là những “phác thảo” chung cho bức “chân dung” của các phim “thảm họa”.

NSƯT Nguyễn Chánh Tín đến tham dự Cánh Diều Vàng lần này với tư cách đạo diễn. Anh mang theo bộ phim Hiệp sĩ guốc vông để dự tranh Diều Vàng. Chỉ tiếc, đó lại là một phim “thảm họa”.

Phim xoay quanh một hiệp sĩ guốc vông bí ẩn, luôn ra tay hiệp nghĩa với người gặp nạn ở bất cứ đâu (từ ông ăn xin vỉa hè đến gái nhảy vũ trường). Có thể nhận thấy sự nỗ lực của đạo diễn khi cố gắng xây dựng hình ảnh một hiệp sĩ thật… “nguy hiểm”, bí ẩn có, đẹp trai có, giản dị có, đời thường có, chỉ tiếc mỗi tình tiết xuất hiện của hiệp sĩ đều được giải quyết quá thô sơ, thậm chí ngô nghê, thừa thãi.

Dàn diễn viên của Hiệp sĩ guốc vông
Dàn diễn viên của "Hiệp sĩ guốc vông"
 
Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim

Hiệp sĩ guốc vông được xây dựng trên một kịch bản quá yếu về tình tiết. Nhân vật hời hợt. Câu chuyện dàn trải, không điểm nhấn. Chưa kể những tình tiết gây cười gượng ép. Sự xuất hiện vô duyên của các diễn viên hài như Hồng Sơn, Chí Tài khiến cho Hiệp sĩ guốc vông giống như một… “phim tạp kỹ”. Phim kết thúc có ý gây bất ngờ cho người xem, nhưng chi tiết một nhà xuất bản đến tận nhà đưa tiền cho tác giả kịch bản chỉ càng cộng thêm cho phim một tình tiết phi lý, và cũng chỉ càng chứng tỏ thêm sự bế tắc của biên kịch, đạo diễn. Họ đã không thể tìm ra được một cái kết đỡ tệ hơn cho phim.

Tác phẩm mới Gác kiếm của đạo diễn Tạ Huy Cường cũng được kể đến như một… “thảm họa”. Đạo diễn Tạ Huy Cường từng được nhắc đến trong dự án phim đã bị cấm phát sóng Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long, năm 2011. Với tác phẩm mới Gác kiếm, đạo diễn muốn kể một câu chuyện “phim lồng trong phim” về chuyện thanh toán ân oán giang hồ của hai băng nhóm. Phim có ý đan xen tình tiết “phim lồng phim” để tạo bất ngờ cho khán giả. Chỉ tiếc, câu chuyện rời rạc, tình tiết sơ sài đã biến bộ phim về chuyện ân oán giang hồ thành… trò cười cho khán giả.
 
Gác kiếm

Gác kiếm là câu chuyện điển hình cho lối xây dựng tâm lý nhân vật mờ nhạt. Dẫu gồng mình khoác cho mình bộ mặt dữ dằn, ghê rợn, nhưng những nhân vật “anh, chị” của Gác kiếm chỉ phô diễn sự nông cạn, đơn giản. Tỏ ra “hiểm ác”, nhưng chỉ là câu chuyện tranh giành chỗ làm ăn ở một chợ quê nghèo khổ, những nhân vật giang hồ xăm trổ đầy mình, mặt mày gai góc của Gác kiếm ngay từ đầu đã chỉ trình diễn những màn… tấu hài về giới giang hồ.

Và cũng giống như Hiệp sĩ guốc vông, kết thúc tưởng như mang lại sự bất ngờ cho Gác kiếm, kỳ thực chỉ thể hiện duy nhất một điều, đó là: sự bế tắc, sự nghèo nàn về ý tưởng của biên kịch cũng như đạo diễn.
 
Cảnh trong phim Gác kiếm
Cảnh trong phim Gác kiếm

So trên “tầm thấp” chung của đa số các phim tham dự Cánh Diều Vàng năm nay, bộ phim được mệnh danh “thảm họa nhất trong các thảm họa” thuộc về Sau ánh hào quang của đạo diễn Lê Hữu Lương. Bộ phim “bứt phá” khỏi tất cả những lý thuyết cơ bản của một tác phẩm điện ảnh. Xem Sau ánh hào quang, đừng bao giờ bàn đến diễn biến tâm lý nhân vật, đừng bàn đến tính logic của tình tiết, đừng xem xét tính đời sống của kịch bản… Sau ánh hào quang là bộ phim không có bất kỳ sự hợp lý nào cả!

Xuyên suốt bộ phim có thể nhận thấy nỗi niềm “làm phim trong sợ hãi” của đạo diễn. Đạo diễn luôn sợ khán giả không hiểu phim của mình nên liên tục để diễn viên độc thoại. Độc thoại, kể lể, dẫn dắt những lời ngô nghê kiểu như, “phòng tranh này có nhiều tác phẩm đẹp quá, mình phải đến xem mới được”- và cảnh kế tiếp sẽ là cảnh nhân vật đến phòng tranh… Dẫu không phải là một phim hài, nhưng Sau ánh hào quang “chiêu đãi” khán giả những tràng cười đầy ức chế từ đầu đến cuối.

Nếu bạn không muốn người yêu cũ nhận ra mình (sau nhiều năm không gặp), hãy dán một nốt ruồi lên khóe môi, anh ấy sẽ không thể nhận ra. Đó là cách xây dựng tình tiết của Sau ánh hào quang. Một anh yêu người yêu cũ hết mực, luôn tìm cách nối lại, nhưng khi hay tin người yêu cũ sắp cưới chính bố vợ của mình, anh quay sang thẳng tay… tát vợ vì cô này có ý phản đối đám cưới. Cô họa sỹ bỗng nhiên được mời đóng phim, lại vào vai nữ chính trong bộ phim có người yêu cũ đóng nam chính, và rồi, khi họ đang diễn xuất, anh nam chính bỗng bắn chết người yêu cũ bằng khẩu súng đạo cụ (mà đạo diễn không hề hay biết)…
 
Dàn diễn viên phim Sau ánh hào quang
Dàn diễn viên phim "Sau ánh hào quang"

Các nhân vật cứ “hồn nhiên” lao vào bối cảnh, lao vào cảnh phim một cách bất ngờ, với tâm lý thay đổi liên tục… Sau ánh hào quang khiến khán giả phải “chóng mặt” khi kiên nhẫn ngồi theo dõi tình tiết phim.

Trả lời phóng viên Dân trí trước chất lượng “thảm họa” của đa số phim tham dự Cánh Diều Vàng năm nay, đạo diễn- NSƯT Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ, “Hiện tại, ban giám khảo chưa họp, chưa công bố kết quả cuối cùng nên tôi chưa thể bày tỏ được gì nhiều. Tôi chỉ có thể nói thế này, do số lượng phim tham gia dự giải quá ít, BTC không có vòng chọn lọc, nên BGK chúng tôi phải ngồi xem cho hết các phim với chất lượng không đồng đều. Với những bộ phim “thảm họa” như bạn nói, chúng tôi cố gắng xem cho hết, để hy vọng, trong một phim tệ như thế, liệu có le lói một nhân vật phụ, hay một phần xử lý âm thanh, ánh sáng nào đó có thể tốt chăng?!”.

Khi được hỏi, “Theo đạo diễn, có nên có giải cho những bộ phim tệ nhất trong năm?”. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn trả lời, “Có, tôi nghĩ là nên có. Nhưng ai, tổ chức nào sẽ đứng ra trao giải? Sẽ khó đấy!”.

H.H