Những bí mật mà chỉ người "nghiện" cà phê mới biết
(Dân trí) - Cà phê có thể là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của bạn, nhưng bạn có chắc rằng bạn đã biết hết mọi bí mật đằng sau món đồ uống yêu thích của mình?
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những sự thật về cà phê mà ngay cả những người sành cà phê nhất cũng có thể chưa biết.
Nguồn gốc tên gọi của cà phê cappuccino bắt nguồn từ sự tương đồng giữa màu của đồ uống với trang phục của các tu sĩ dòng Capuchin (Ý). Những chiếc áo màu nâu của họ có màu sắc tương tự như màu của một tách cappuccino.
Trong tiếng Ý, "espresso" có nghĩa là đen là "ép", nhằm nói đến cách thức pha chế món đồ uống này. Cà phê Espresso được pha bằng máy, sử dụng nước nóng nén áp suất cao qua lớp bột cà phê xay mịn.
Cà phê là thực phẩm đầu tiên được làm đông khô. Để pha chế tách cà phê yêu thích của mình, bạn chỉ cần sử dụng cà phê hòa tan, cho một chút nước nóng vào bột cà phê và khuấy đều lên, có thể thêm sữa hay đường tùy ý.
Quốc gia sản xuất nhiều cà phê số 1 thế giới trong hơn 150 năm qua là Brazil. Quốc gia này gia cung cấp khoảng 40% lượng cà phê cho toàn thế giới.
Kopi Luwak, loại cà phê được mệnh danh là đắt hàng đầu trên thế giới được làm từ những hạt cà phê do cầy hương trên đảo Sumatra, Indonesia, ăn và đào thải ra ngoài. Cà phê này còn có tên gọi khác là "cà phê phân mèo". Các hạt cà phê chỉ được tiêu hóa một phần trong ruột cầy hương, sau đó được tước bỏ lớp vỏ ngoài và làm sạch kỹ lưỡng trước khi đem ủ. Những người đã thử loại cà phê này cho biết hương vị của nó rất dễ chịu, ngọt ngào.
Phải mất khoảng ba đến bốn năm để cây cà phê bắt đầu cho trái. Quả cà phê khi chín sẽ chuyển sang màu đỏ tươi và sẵn sàng để được thu hoạch.
Hầu hết các loại cà phê hiện nay là hỗn hợp của các hạt cà phê arabica và robusta. Có rất nhiều loại hạt cà phê, nhưng chỉ có hai loại phổ biến được chế biến thành đồ uống là arabica và robusta. Hạt cà phê arabica ngọt hơn và mềm hơn với mức độ axit cao hơn, trong khi đó, hạt cà phê robusta chắc hơn, đắng hơn và chứa gấp đôi lượng caffein so với arabica.
Ibrik là tên gọi của một chiếc nồi đồng có tay cầm dài để pha cà phê truyền thống kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Nồi nhỏ nhắn, vừa dùng để ủ cà phê vừa để pha ra cốc. Điểm đặc biệt ở cà phê pha kiểu truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ là các hạt cà phê được xay rất mịn. Đường cũng được thêm vào trong quá trình ủ chứ không phải sau đó.
Các loại cà phê Arabica như Java và Mocha được đặt tên theo các cảng mà từ đó các hạt cà phê này được xuất đi. Java thực sự là tên của một hòn đảo và Mocha bắt nguồn từ Mocha, Yemen.
Cà phê hòa tan được ra đời cách đây gần 250 năm. Những người yêu thích cà phê và hay phải di chuyển luôn có nhu cầu cho một loại cà phê tiện lợi để pha chế. Do đó, cà phê hòa tan lần đầu được ra mắt vào năm 1771 để đáp ứng nhu cầu của họ, nhưng mãi đến năm 1910 loại cà phê này mới được cấp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ.
Quốc gia tiêu thụ nhiều cà phê nhất là Phần Lan. Người dân Phần Lan tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới với khối lượng khoảng 12,5kg/người. Sau Phần Lan là các quốc gia Bắc Âu khác như Thụy Điển, Iceland, Na Uy và Đan Mạch.
Các nghiên cứu cho thấy cà phê làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, ung thư và bệnh Alzheimer, tuy nhiên caffeine có thể làm gia tăng cảm giác lo lắng. Những người đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu có nguy cơ rối loạn cao hơn khi sử dụng cà phê.