Nhiều độc giả chia sẻ ký ức “trùm chăn, đọc lén” truyện chưởng Kim Dung
(Dân trí) - Những tác phẩm của tiểu thuyết gia Kim Dung không chỉ gắn liền với tuổi thơ của một vài người mà là rất nhiều thế hệ. Những trang sách đó đã tạo nên những ký ức đẹp đẽ về một thời không thể quên.
PGS.TS Đào Tuấn Ảnh kể, năm 1999, bà được dịp theo chân dịch giả Tú Châu (người chuyên dịch các tác phẩm của Kim Dung) dự hội thảo quốc tế về Kim Dung tại Đài Loan. Đó là chuyến đi hiếm có vì bà rất say mê truyện chưởng Kim Dung và ao ước được một lần gặp ông.
Bà đã từng cáo ốm vào bệnh viện để được đọc tác phẩm của ông. Sách Kim Dung thời đó được lấy từ kho chưởng cực phong phú của Viện Văn học sau giải phóng.
“Tôi còn nhớ, đây là một cuộc hội thảo lớn có rất nhiều dịch giả, nhà văn, các nhà nghiên cứu từ nhiều nước tới dự. Đến đây mới biết Kim Dung đã trở thành một hiện tượng quốc tế lớn như thế nào.
Lúc đó nhà văn vừa trải qua một cuộc đại phẫu thuật, ông ngồi trên chủ tịch đoàn nhỏ thó, xanh xao và mệt mỏi. Vậy mà ông không bỏ lấy một buổi, kiên trì ngồi nghe. Nhiều báo cáo được trình chiếu rất công phu. Mọi khía cạnh, ngõ ngách của tiểu thuyết Kim Dung được mổ xẻ, khám phá, phân tích kĩ càng và đương nhiên là bằng tiếng Anh và tiếng Trung.
Giờ giải lao tôi mon men tính chuyện làm quen với ông nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên đành chỉ dạo xem triển lãm sách Kim Dung, những xếp đặt hoành tráng, chơi game theo tiểu thuyết của ông. Chiều ngày thứ ba, hội thảo kết thúc, Kim Dung lên phát biểu bế mạc. Sau khi cám ơn mọi người, ông nói đại ý ba ngày vừa rồi các vị đã nói rất nhiều về các tác phẩm của tôi, song thú thật là tôi không hiểu các vị nói gì. Cả hội trường cười ồ.
Trong bữa tiệc chia tay, ba chị em đang loay hoay tìm chỗ thì Kim Dung bước tới chào chị Tú Châu, nói ông rất thích bản tham luận của chị và có nhã ý mời ba chị em ngồi cùng bàn ăn với mình. Tim tôi thắt lại vì xúc động. Cho tới giờ tôi vẫn còn cảm thấy ân hận vì trong bữa ăn đã bắt chị Tú Châu dịch từ đầu đến cuối cuộc đàm đạo với nhà văn vì không còn ai khác.
Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều và Kim Dung tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam có nhiều người thích truyện của ông. Khi tôi hỏi: “Trong truyện ông tỏ ra vô cùng am hiểu nghệ thuật trà, rượu, hẳn ông là “đệ tử” của hai thứ đó?”, ông cười rất hiền, nói cả hai thứ ông đều không nghiện. Những điều ông viết trong chuyện phần do đọc sách, phần bịa ra.
Võ thuật cũng vậy, ngần ấy môn phái, tưởng như ông phải nắm chúng trong lòng bàn tay và ít nhất cũng phải là người của một môn phái nào đó. Hóa ra ông không biết một môn võ nào, không “biên chế” ở môn phái nào, cũng lại chỉ từ sách vở và... bịa.
Bữa ăn kết thúc, các món rất ngon trên bàn hầu như còn nguyên nhưng tất cả chúng tôi đều mãn nguyện.
Sau hội thảo, ba chị em còn ở lại thăm thú Đài Loan thêm mấy ngày. Nhưng ấn tượng lớn lớn nhất vẫn là Kim Dung, một trong những nhà văn lỗi lạc nhất của thế giới thế kỉ XX”.
Nhà thơ Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: “Hồi đó, ở tuổi dậy thì, trai mới lớn nhiều suy nghĩ và mơ mộng, tôi luôn ước ao được đến và sống trong bối cảnh mà Kim Dung dựng lên trong truyện. Những đỉnh núi cao, đáy vực, những lòng hang hun hút khuất sau thác nước, những quán rượu giữa rừng, những hội ngộ chia ly của những con người kỳ thú, khát vọng hoàn hảo, những giấc mơ không thành... Nó hối thúc tôi muốn hoàn thiện và thiện lương hơn dù ngấm sự cô độc của những kẻ anh hùng. Một triết lý sống mơ mộng, cao đẹp và rất đáng để vươn tới.
Tôi đọc nhiều lắm, cả chục bộ của ông. Gần như tất cả các cuốn xuất bản tại Việt Nam. Tôi đọc từ những cuốn xuất bản trước 1975 bố tôi mang từ Sài Gòn ra sau giải phóng. Hồi đó cứ sợ bị bắt, bố khóa trong hòm tôn, khi nào đọc thì khóa trái cửa nhà lại mới dám lấy ra”.
Siêu mẫu Lê Trung Cương cũng kể rằng: “Tôi từng luyện hết bộ “Anh hùng xạ điêu” trong hai ngày, rồi “Thần điêu đại hiệp” trong hai đêm. Trùm chăn và đọc bằng đèn pin vì ngày đó mẹ cấm đọc tiểu thuyết do sắp thi đại học.
Tôi đọc gần hết các tác phẩm cũ của ông, trừ các bộ viết sau này. Tôi thấy cái tình trong tiểu thuyết của ông cực kỳ phóng khoáng, không khuôn mẫu, khác biệt hoàn toàn với hoàn cảnh sống thời trẻ của ông. Tôi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng này của ông khá sâu. Cứ cái gì mình thấy không hổ thẹn với bản thân thì tôi sẽ làm, bất chấp thiên hạ nghĩ gì. Tôi từng muốn để tóc thật dài rồi nhuộm trắng hai bên cho giống Dương Quá nhưng tự thấy “dị” quá nên thôi”.
Nhà báo Kiều Diệp hồi tưởng: “Hồi nhỏ, với thói ham những gì kì thú và gay cấn nên tôi rất mê truyện Kim Dung. Nhưng đọc tác phẩm của ông rồi đi đâu cũng hình dung ra cái kịch bản giống ở hầu hết các truyện chưởng của ông. Lúc là một cặp vợ chồng võ lâm bị kẻ thù tận sát nhưng may mắn đứa bé trai con họ thoát chết rồi được Thiếu Lâm tự hay Cái bang gì đó nhận nuôi và che giấu thân thế.
Lớn hơn một chút, khi đi leo núi cùng bạn, nhìn vào trong hang, tôi cũng liên tưởng đến một bí kíp võ lâm cất giấu trong động sâu và cái cậu bé năm xưa thoát chết khi lớn lên gặp nạn rơi xuống, gặp duyên kỳ ngộ tìm thấy bí kíp rồi ẩn mình luyện tập võ lâm bí truyền, để rồi một ngày kia bật lên khỏi miệng vực, tung hoành giang hồ trả thù cho cha mẹ, diệt xấu diệt ác trở thành minh chủ võ lâm.
Tôi cũng biết chắc kịch bản giống nhau nữa là sẽ xuất hiện một cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành thường có cái tên “Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân” gì đó, sau đó hẳn cũng có một “Thiên hạ đệ nhất xú” cho nó có sự đối lập.
Rồi cũng lại có một nhân vật ngất ngất tây tây kiểu Đông phương bất bại hoặc kì dị kiểu Lý Mạc Sầu “hỏi thế gian tình là chi chi” hoặc giáo phái toàn nữ sống ở nơi toàn băng hoặc toàn rừng với một nỗi hận đàn ông bao trùm trang phục và tính cách... Cái cốt truyện kiểu thế lặp đi lặp lại ở hầu hết các truyện chưởng của Kim Dung nhưng sao mỗi một truyện lại có sự khác biệt và hấp dẫn lạ thường.
Giờ tôi không còn nhớ tường tận chi tiết nữa nhưng dù sao đã có một thời thơ ấu tôi và chị gái của gái đã từng bị cha đốt hết truyện chưởng vì lén lút đi thuê về đọc, vì cái tội mải đọc đến quên cả học hành và làm việc nhà. Cảm ơn những cuốn truyện của ông đã để lại dấu ấn tuổi thơ trong tôi”.
Nhà báo Lê Thu Quỳnh cũng cho biết: “Phải thú thật rằng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong thời thơ ấu và thời niên thiếu không phải là Andersen hay anh em nhà Grim bởi lúc ấy tôi còn chìm ngập trong thế giới đầy rẫy những nhân vật thú vị của Kim Dung.
Tôi hì hục học theo lão ngoan đồng cùng lúc vẽ hình tròn ở tay trái và vẽ hình vuông bằng tay phải; ước mơ có được một con gà để làm món gà ăn mày; mơ màng tưởng tượng về giai điệu của khúc Tiếu ngạo giang hồ làm say đắm lòng người thế nào; trông đợi đến lúc nào đó có thể gặp gỡ Điêu huynh; thắc mắc không biết sau này mình có thể trở thành một người nửa chính nửa tà như Hoàng lão tà; thậm chí mơ ước lớn lên có một tình lang như Dương Tiêu... Có lẽ cũng chính Kim Dung khơi lên trong tôi niềm đam mê phiêu bạt, đi khắp nơi khám phá thế giới.
Tôi còn nhớ một ngày giáp Tết năm học lớp 9, hồi đó bắt đầu có lệnh cấm pháo. Giờ ra chơi, không biết ai đó đã đốt một tràng pháo dài nên nhà trường đi kiểm tra tất cả các lớp xem học sinh nào tàng trữ pháo. Đến lượt lớp tôi, sau khi soát mấy chục cái cặp, pháo chẳng thấy quả nào nhưng lại có đến 14 cuốn truyện kiếm hiệp, tất nhiên đa số là của Kim Dung. Tôi góp 2 cuốn trong đó.
Chủ nhiệm lớp tôi năm đó là một thầy giáo già. Ông không kiềm chế được cơn giận, mái tóc bạc trắng vốn lúc nào cũng dựng đứng càng thêm phờ phạc, mắt trợn tròn, hàm răng chỉ còn vài cái răng cửa cắn chặt môi dưới một lúc rồi mới gầm lên.
Ngay cả lúc này, khi không còn ở tuổi mới lớn mộng mơ, tôi vẫn thích đọc lại Kim Dung để rồi cười ngặt nghẽo hoặc trầm lòng xuống theo tình tiết truyện. Thỉnh thoảng lại kể một đoạn thú vị của một dị nhân nào đó cho con gái nghe. Thật đấy, từ lâu tôi đã không coi Kim Dung là một tiểu thuyết gia giải trí. Trong thế giới của ông, tôi đã học làm người”.
Hà Tùng Long