Kim Dung đã phát quang một đại lộ đặc biệt cho tiểu thuyết kiếm hiệp Hoa ngữ

(Dân trí) - Ngày 30/10/2018, tác giả Kim Dung, ông vua của dòng tiểu thuyết kiếm hiệp vĩ đại nhất châu Á ra đi ở tuổi 94. Những người yêu mến ông đã không giấu nổi chút ngậm ngùi…

Xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh - ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM viết về tác giả, tác phẩm Kim Dung.

Mối duyên của tôi với Kim Dung bắt đầu từ khi mới sinh ra. Tên tôi “Hoa Tranh” được lấy từ một nhân vật trong bộ “Anh hùng xạ điêu”. Những năm 1970, thị trường sách, báo của Sài Gòn tràn ngập truyện Kim Dung và Quỳnh Dao. Hơn 40 tờ báo ngày và 30 nhà xuất bản thời đó đều in truyện Kim Dung.

Những dịch giả như Hàn Giang Nhạn, Từ Khánh Phụng, Thương Lang, Phan Cảnh Trung… trở nên giàu có nhờ dịch truyện Kim Dung. Vì vậy, đặt tên con, lấy bút danh từ các nhân vật truyện Kim Dung không hề hiếm. Tôi có một người bạn thời đại học tên Triệu Minh hay các bút danh như: Kiều Phong (Lê Tất Điều), Kha Trấn Ác (Chu Văn Bình), Hư Trúc (Nguyên Sa), Mạc Đại Tiên sinh (Vũ Đức Sao Biển)… xuất hiện từ thời đó.

Những tác phẩm của tiểu thuyết gia Kim Dung đã mở ra một con đường mới cho tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa.
Những tác phẩm của tiểu thuyết gia Kim Dung đã mở ra một con đường mới cho tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa.

Mối duyên thứ hai là năm 12 tuổi, tôi bắt đầu đọc Kim Dung. Lúc bấy giờ, truyện Kim Dung bị xếp vào loại văn hóa phẩm đồi trụy, nhà tôi lúc đó không nhớ ai kiếm được mấy bộ truyện Kim Dung rách nát, một tập chia ra làm 3-4 phần, cả nhà đọc ngấu nghiến.

Tôi thấy ba, chú, anh mình đọc thì cũng lân la đọc, như trước đó đã từng đọc “Kim Bình Mai”, “Tam Quốc diễn nghĩa”. Cả nhà thấy tôi đọc truyện sớm quá thì ngăn, không cho đọc nữa, nhưng ba tôi nói: “Cứ cho nó đọc, ai nói truyện Kim Dung “đồi trụy” chứ thật ra rất hay, ý nghĩa, có điều đọc tuổi này không biết có hiểu gì không?”.

Quả thật, lúc đó đọc, cuốn được cuốn mất, tôi chỉ bị cuốn theo cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ, các pha đánh đấm lôi cuốn, các chuyện tình yêu đa dạng, các nhân vật phong phú, nhiều màu nhiều vẻ. Tuyệt nhiên, những vấn đề nhân sinh, triết lý, triết học hoàn toàn không xuất hiện trong đầu tôi.

Năm 2000, tôi có viết một bài nghiên cứu về việc tiếp nhận Kim Dung ở Việt Nam. Bài viết này có thể xem là đánh dấu sự quay lại của Kim Dung một cách chính thức tại Việt Nam, nhất là trong giới nghiên cứu phê bình hàn lâm.

Vì trước đó, sau năm 1975, Kim Dung đã bị hiểu lầm quá nhiều tại Việt Nam, có thể là do hoàn cảnh không thích hợp, có thể là do thiên kiến nhưng từ năm 2000 trở đi, việc nghiên cứu Kim Dung thật sự tự do và đổi mới. GS. Nguyễn Văn Hạnh còn “xui” tôi là làm luận án về Kim Dung đi nhưng tôi “lỡ yêu” Lỗ Tấn rồi nên đành “lỡ hẹn” với Kim Dung.

Cách đây khoảng 10 năm, có một thời gian tôi bị một sang chấn tâm lý nhỏ. Tôi đã đọc lại toàn bộ truyện Kim Dung, kể cả những bộ kiếm hiệp nhỏ, ngắn lúc mới sáng tác của ông. Lúc đó, tôi mới dần dần chiêm nghiệm thêm những giá trị triết lý, văn hóa, triết học mà Kim Dung mang lại.

Tôi nhận thấy rằng, ông thật sự vĩ đại ở chỗ đã khai mở một con đường cho tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa, đã phát quang cho nó một đại lộ mà ở cả hai phía tiếp nhận đại chúng và hàn lâm đều có thể song hành.

Độc giả bình dân đọc Kim Dung kiểu khác, độc giả bác học đọc Kim Dung kiểu khác. Chẳng vô cớ mà Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Đông Thức… đều yêu thích, tôn sùng Kim Dung.

Rất nhiều ý về truyện Kim Dung mà thỉnh thoảng tôi hay viết trên Facebook khi lâu lâu nghiệm tới nghiệm lui. Ví dụ triết lý “vô cầu nhi đắc”, hay kiểu nhân vật lý tưởng, nhân vật anh hùng…Theo chủ quan của tôi, con đường hình thành các nhân vật và thể loại tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung không hề đứng yên mà phát triển, có sự thay đổi.

Nhân vật anh hùng buổi đầu là Trương Vô Kỵ, giai đoạn đỉnh cao là Lệnh Hồ Xung, giai đoạn cuối là Vi Tiểu Bảo.

Trương Vô Kỵ là nhân vật toàn bích: có đạo đức, hiền lương, trung hậu, có thiên tư võ học, trong tình yêu thì chung thủy, không phân biệt sắc tộc, biên giới.

Lệnh Hồ Xung là nhân vật vượt thoát khuôn mẫu: tiêu sái, tự do, phóng khoáng, vượt quy củ, cũng có thiên tư võ học, trong tình yêu cũng chung thủy, không phân biệt chính-tà. Đây là giai đoạn tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung ở đỉnh cao tiểu thuyết lý tưởng.

Vi Tiểu Bảo là nhân vật vượt thoát hơn cả Lệnh Hồ Xung, đây là một nhân vật anh hùng mang tính giễu nhại như kiểu Cervantes tạo ra nhân vật Don Quixote vậy. Nhân vật này đi ngược tất cả những chuẩn mực anh hùng mà trước nay ông xây dựng: không đẹp trai, không giỏi võ, nhát chết, nhiều vợ, ma mãnh, khôn lỏi, xuất thân hèn kém… Đến “Lộc Đỉnh Ký”, nghệ thuật tiểu thuyết của Kim Dung đã có một bước tiến mới, rất gần với tiểu thuyết hoạt kê và châm biếm.

Nụ cười Kim Dung đã tắt ở tuổi 94 nhưng những tác phẩm của ông vẫn còn sống mãi.
Nụ cười Kim Dung đã "tắt" ở tuổi 94 nhưng những tác phẩm của ông vẫn còn sống mãi.

Sau 1975, có một số phê bình cho rằng truyện Kim Dung đề cao tinh thần Đại Hán nhưng nếu khảo sát các nhân vật chính thì tôi thấy hầu như không có. Nhân vật tôi yêu thích nhất là Tiêu Phong thì là loại nhân vật “dual identity” (lưỡng dạng) rồi, Tiêu Phong còn không biết/không muốn mình là người Khiết Đan hay người Hán.

Trương Vô Kỵ thì yêu thích bình an, không thích đánh nhau, yêu cả con gái của quốc gia đối nghịch (Mông Cổ), Lệnh Hồ Xung cũng yêu con gái tà phái (Doanh Doanh), Vi Tiểu Bảo thì kiểu gì cũng được: công chúa đương triều (Kiến Ninh), công chúa cựu triều (A Ó), thậm chí nước ngoài cũng thích luôn (công chúa Nga La Tư)…

Nghĩa là đối với các nhân vật này, hay nói cách khác là với chính Kim Dung, quốc tịch nào không quan trọng, người nước nào cũng không quan trọng, quan trọng là bản chất con người, là hành xử mà họ thể hiện mà thôi.

Càng đọc Kim Dung, càng thấm thía những tư tưởng triết học mà ông gửi gắm. Đó là chưa nói kho tàng văn hóa như võ học, tửu đạo, thi ca, hoa cỏ, trà đạo… mà nhiều nhà nghiên cứu đã bàn đến.

Hôm nay, bài viết nhỏ xin thay nén hương tiễn biệt một trong những nhà văn yêu thích nhất của tôi. Hơn 50 năm qua và còn nhiều năm nữa, tiểu thuyết kiếm hiệp của ông vẫn đã và sẽ được đọc, được chuyển thể, được bàn luận ít nhất là trong toàn cõi châu Á.

PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm