Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói với báo chí khác cam kết với Bộ Văn hoá?

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VHTT&DL thì nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chưa có thông báo chính thức nào với Bộ VHTT&DL về việc tái thu phí tác quyền âm nhạc trong khách sạn.

“Nóng” chuyện thu phí tác quyền âm nhạc tivi ở khách sạn

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III/2017 tại Bộ VHTT&DL chiều ngày 10/10, vấn đề về việc VCPMC thông báo sẽ tiếp tục triển khai thu phí tác quyền âm nhạc tại các đầu tivi trong khách sạn tiếp tục làm “nóng” cuộc họp.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Kim Oanh- Cục phó Cục Bản quyền - Bộ VHTT&DL chia sẻ rằng, VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên VCPMC khi được khai thác, sử dụng tại khách sạn.

Cục Bản quyền yêu cầu không thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn cho đến khi trung tâm VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của VCPMC và xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng. Sau đó các bên phải tiến hành đàm phán, để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ VHTT&DL.

Ông Nguyễn Thái Bình chủ trì họp báo thường kỳ Quý III/2017 chiều qua. Ảnh: Toquoc.
Ông Nguyễn Thái Bình chủ trì họp báo thường kỳ Quý III/2017 chiều qua. Ảnh: Toquoc.

Thực tế, trước đó, Cục Bản quyền đã đề nghị VCPMC tạm dừng thu tiền quyền tác giả âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn có tivi cho đến khi đảm bảo được 3 điều kiện: VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên; VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc nào được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của VCPMC; VCPMC phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ VHTT&DL.

Tuy nhiên, đầu tháng 10 vừa qua, VCPMC thông báo thu phí bản quyền tại khách sạn có tivi, rất nhiều cơ sở lưu trú đã lên tiếng phản đối vì cho rằng thu như vậy chưa thỏa đáng. Trong đó, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng có văn bản khẳng định sẽ không nộp phí tác quyền đối với tivi cho đến khi VCPMC làm rõ cơ sở pháp lý thu tiền.

Theo Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, việc thu như vậy là “phí chồng phí” bởi các khách sạn đã chi trọn gói cho các đơn vị truyền hình cáp. Hơn nữa, tivi ở khách sạn là một tập hợp hàng trăm chương trình trong nước, quốc tế chứ không riêng về âm nhạc...

Trước câu hỏi “Mặc dù đã có những cam kết và vẫn chưa đáp ứng đủ các yêu cầu nhưng mới đây VCPMC đã có thông báo sẽ bắt đầu thu phí tác quyền âm nhạc trong khách sạn từ tháng 10/2017?”.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Thái Bình cho biết: “Giám đốc VCPMC là nhạc sĩ Phó Đức Phương nói với báo chí khác với cam kết với Bộ VHTT&DL. Cụ thể ở đây là phải đáp ứng đủ các điều kiện thì VCPMC sẽ được quyền thu. Bản thân ông Phương cũng chưa chính thức thông báo với Bộ VHTT&DL sẽ tái thu trong thời gian cụ thể nào. Sau ngày hôm nay (tức 10/10) Bộ VHTT&DL sẽ có trao đổi cụ thể với Cục Bản quyền để có buổi làm việc với VCPMC”.

Với câu hỏi có hay không việc VCPMC đang lợi dụng để ép các khách sạn, cơ sở lưu trú và đây có phải là một trong những tiêu chí để sếp hạng khách sạn?, ông Vũ Quốc Trí - Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết, quan điểm của Tổng cục Du lịch là tất cả mọi việc cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nếu VCPMC chứng minh được việc mình làm hợp pháp thì ngành du lịch sẽ đồng thuận. Còn việc trả bản quyền chưa có trong quy định xếp hạng sao với khách sạn. Về vấn đề này Tổng cục Du lịch sẽ thảo luận để đưa vào văn bản để tránh gây hiểu lầm.

Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm việc với VCPMC ngày 18/8, trước đó là một cuộc làm việc vào tháng 5/2017. Chúng tôi cũng đã có các văn bản tiếp tục nhắc nhở VCPMC phải làm việc theo quy định của pháp luật. Sau cuộc họp báo hôm nay, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với Hội nhạc sĩ Việt Nam cơ quan quản lý của VCPMC. Khi có kết quả chúng tôi sẽ cung cấp tới cơ quan báo chí”.

Tranh cãi về việc “loạn phong danh hiệu”

Liên quan đến việc “loạn” phong danh hiệu, ông Phạm Xuân Phúc - Phó chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết ngày 29/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ về quản lý việc chứng nhận, tôn vinh của các hội.

Trong đó văn bản nêu rõ, xét báo cáo của Bộ VHTT&DL tại Công văn số 3754 (ngày 6/9) về việc quản lý việc chứng nhận, tôn vinh của các tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Bộ VHTT&DL trong phạm vi thẩm quyền xử lý dứt điểm và có văn bản trả lời kiến nghị của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam. Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về hội và việc thực hiện Điều lệ của Hội, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước về Hội, trong đó lưu ý quản lý chặt chẽ việc công nhận, tôn vinh, phong tặng các danh hiệu theo quy định của pháp luật và điều lệ của Hội xử lý theo thẩm quyền đề nghị, phản ảnh của các Hội không chuyển công việc thuộc thẩm quyền xử lý lên cấp trên.

Bên cạnh đó, trước những tranh cãi về việc “loạn phong danh hiệu” giữa Bộ VHTT&DL và Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Phó Chánh Thanh tra Bộ cũng cho biết thêm: “Trong các quy định của pháp luật hoàn toàn không có văn bản cấm Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tiến hành việc phong tặng các danh hiệu. Tuy nhiên, về vấn đề này cũng phải hết sức cân nhắc”.

Ông Phúc cũng ví dụ như việc cấp giấy phép lái xe tại các tỉnh, thành sẽ do Sở Giao thông tiến hành. Nhưng không có một văn bản nào quy định các Sở, ban, ngành khác không được thực hiện việc này.

Hà Tùng Long