Nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tại sao hiện nay ít ca khúc cho trẻ con thế?”
(Dân trí) - “Gần đây xuất hiện một số chương trình trên truyền hình bắt trẻ con làm người lớn nhiều quá. Đây không chỉ là sự băn khoăn, lo lắng của tôi mà là sự băn khoăn, lo lắng của rất nhiều nhạc sĩ…”, nhạc sĩ Phạm Tuyên bộc bạch.
Trong tổng số đồ sộ trên 700 tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có hơn 200 tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng. Trong đó có rất nhiều ca khúc nổi tiếng, gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ. Được tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất” , nhạc sĩ có thể chia sẻ về khởi nguồn niềm cảm hứng sáng tác cho thiếu nhi?
Tôi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất” . Nhưng tôi không phải là viết đề tài này từ đầu đâu. Thời kỳ tôi làm cán bộ văn hóa ở trường thiếu sinh quân Việt Nam. Đúng là không có bộ môn nghệ thuật nào đến gần các cháu bằng âm nhạc. Lúc ấy, tôi bắt đầu viết những bài đầu tiên. Sau này, tôi luôn nhận được câu hỏi: “Đối tượng đầu tiên ông viết về ai?” Tôi trả lời: “Tôi viết về anh bộ đội và thiếu sinh quân”.
Sau này, tôi sáng tác cho thiếu nhi là nhờ có nhà tôi đứng đằng sau hỗ trợ, giúp đỡ, cho tôi tìm hiểu về đối tượng này thì chắc tôi không thể có những ca khúc như thế. Nhà tôi là Tiến sỹ Tâm lý học trẻ em, là Chủ nhiệm khoa đầu tiên Khoa Giáo dục Mầm non Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho nên bà phân tích: trẻ em từ mẫu giáo đến tiểu học, đến trung học không thể giống nhau. Các em ở lứa tuổi mầm non thì không thể hát “Tiến lên đoàn viên” được. Các em ở tuổi đang lớn cũng không bao giờ hát “Cô và mẹ” cả. Tại sao? Vì mỗi lứa tuổi có đặc điểm riêng về tâm lý, sinh lý. Nên về âm nhạc phải viết phù hợp.
Ca khúc thiếu nhi đầu tiên, “Trường chúng cháu là trường mầm non” nghe nói là được nhạc sĩ sáng tác trong hoàn cảnh… bị ép buộc?
Bài hát đầu tiên, tôi viết cho cô con gái, lúc ấy đang học trường mẫu giáo Thợ Nhuộm. Cô giáo con tôi biết bố nó là nhạc sĩ nên “xúi” về nói với bố viết cho trường mình một bài. Lúc đầu tôi từ chối vì chưa bao giờ có suy nghĩ sáng tác cho lứa tuổi mẫu giáo.
Tôi mới nói với con gái rằng: “Khó quá, bố không viết được đâu”. Con gái nói nếu tôi không viết, dứt khoát nó sẽ không đi học. Nhà tôi cũng động viên: “Thôi, viết cho con một tý”. Với áp lực từ con gái và vợ, tôi buộc lòng phải viết “Trường cháu là trường mầm non””.
Đến khi dạy cho các cô ở trường hát, các cô thích lắm, nói đúng là rất phù hợp với trẻ con. Người hát đầu tiên ca khúc này chính là con gái tôi, Hồng Tuyến. Sau khi trường mẫu giáo của con gái hát ca khúc này, sau đó ca khúc cũng được thu trên Đài, nhiều trường mẫu giáo khác ở Hà Nội cũng đến gặp tôi xin được hát ca khúc này.
Sau giải phóng, ca khúc mầm non lan rộng cả trong Nam ngoài Bắc và nhiều nơi các em còn đổi tên lại theo ước muốn của mình. Nhiều nơi họ hát thành “Trường của cháu đây là trường Hoa Sen”, hay “Trường của cháu đây là trường Hoa Cúc”… Rõ ràng sức lan tỏa của ca khúc rất lớn.
Là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi được yêu thích, ông có thể chia sẻ điều gì về tình trạng thiếu hụt trầm trọng mảng âm nhạc sáng tác cho đối tượng này?
Năm 2007, thấy cần phổ biến nhiều ca khúc cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng đã xin phép in 100 ca khúc thiếu nhi của tôi. Tôi rất vui. 10 năm sau, NXB bảo vẫn thiếu ca khúc cho thiếu nhi nên hỏi tôi có thêm sáng tác nào mới để cho tái bản tiếp. Tôi lại rất vui vẻ đưa thêm 100 ca khúc mới, NXB in luôn tập 2 gồm 200 ca khúc. Đến lần thứ ba, tôi lại không vui. Các đây không lâu, NXB Kim Đồng lại hỏi có sáng tác nào mới không vì vẫn thiếu ca khúc cho thiếu nhi. Tôi nói, già thế này rồi tôi còn viết gì nữa?
Tôi nói rất thật là, hãy chọn trong hơn 700 ca khúc của tôi, trẻ con thích bài nào nhất thì chọn rồi tái bản. Nhưng lần tái bản thứ 3 này khiến tôi buồn. Tôi từng nói với các bạn nhạc sĩ rằng, tại sao hiện nay ít ca khúc cho trẻ con thế? Vào gặp các bạn nhạc sĩ trẻ ở TPHCM, tôi cũng hỏi sao ít viết cho trẻ con? Các bạn cười nói rằng, viết cho trẻ con khó dàn dựng và thù lao kém lắm.
Tôi gặp một số nhạc sĩ ở Hà Nội từng sáng tác cho trẻ con, các anh cũng buồn vì khi viết ra không biết ai dàn dựng cả, mà dàn dựng phải có tiền chứ.
Hiện nay trên các chương trình giải trí, gameshow, nhiều em bé lựa chọn hát ca khúc của người lớn. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây không chỉ là sự băn khoăn, lo lắng của tôi mà là sự băn khoăn, lo lắng của rất nhiều nhạc sĩ. Nhưng cũng không thể trách các nhạc sĩ, người ta sáng tác cho thiếu nhi nhưng cách phổ biến, dàn dựng như thế nào? Theo tôi quan trọng nhất là vai trò của cơ quan truyền thông.
Gần đây xuất hiện một số chương trình trên truyền hình bắt trẻ con làm người lớn nhiều quá. Không chỉ bắt chước người lớn trong nước, nhiều cháu còn bắt chước hải ngoại, Hàn Quốc… Có lần tôi xem chương trình trên truyền hình, thấy giới thiệu em bé lên hát “Thị Màu lên chùa”. Tôi nghĩ, không biết em bé có hiểu Thị Màu là gì không? Nhưng thấy giám khảo khen hết lời.
Về điều này, tôi đã góp ý cho nhà Đài. Gần đây nhất, tôi cùng một số nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội: nhạc sĩ Lân Cường, trước đây là cố nhạc sĩ An Thuyên… vận động in lại mấy nghìn ca khúc để phổ biến cho các trường. Nhưng quan trọng nhất, phải có sự phối hợp giữa tất cả các đơn vị, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Bộ VH,TT&DL, các cơ quan truyền thông…
Nhà tôi có nói câu như thế này: “Có ba tai họa lớn nhất cho loài người đó là thiên tai, địch họa và trẻ con hư”. Vấn đề giáo dục trẻ con vô cùng quan trọng!
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nguyễn Hằng