Nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tôi không phải người chép sử bằng âm nhạc”
(Dân trí) - Là nhạc sĩ có gia tài đồ sộ với trên 700 ca khúc, người được vinh danh với nhiều giải thưởng cao quý, được công chúng yêu mến gọi là “người chép sử bằng âm nhạc”, “nhạc sĩ của thiếu nhi”, “kẻ sĩ của đất Bắc Hà”… nhưng Phạm Tuyên lại có suy nghĩ rất khác về những danh xưng ấy!
>>Đẹp thay sức sống “Như có Bác trong ngày vui Đại thắng”!
Chúng tôi tìm đến nhà nhạc sĩ Phạm Tuyên vào một buổi chiều mưa lạnh nhất trong thời điểm sát Tết Nguyên Đán và cận ngày diễn ra liveshow lớn đầu tiên kỷ niệm sinh nhật lần thứ 88 của ông. Căn nhà nhỏ im ắng gần cuối con ngõ ở phố Vạn Bảo ấm áp với không gian tràn ngập sách và tranh ảnh. Vẫn vầng trán cao, nụ cười hiền hậu, vị nhạc sĩ đáng kính chia sẻ với chúng tôi về tình đời, về những ca khúc được coi là tầm vóc bằng những chuyện “bếp núc” vô cùng giản dị…
“Sức sống của ca khúc vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi”
Sáng tác ca khúc đầu tiên về đời lính và có thể nói là một trong những ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc là “Vào lục quân” khi Phạm Tuyên chưa tròn tuổi 20. Nhưng ca khúc có sức sống và sức lan tỏa vượt ngoài sức tưởng tượng của ông chính là “Như có Bác trong ngày đại thắng” sáng tác cuối tháng 4/1975.
Đã có hàng trăm nghìn bài viết ngợi ca, phân tích về hoàn cảnh ca khúc cho đến thời điểm này nhưng có những xúc cảm, chi tiết khiến nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ mãi: “Đêm ngày 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ tôi đã viết xong bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Nhà tôi rất ngạc nhiên khi thấy tôi ra cầu thang đứng nhìn mọi người, vỗ tay và hát điệp khúc: “Việt Nam Hồ Chí Minh/Việt Nam Hồ Chí Minh…”
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại rằng, chiều ngày 30/4, đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam đã tập luyện ca khúc này dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Cao Việt Bách. “Tôi chưa bao giờ dự cuộc thu thanh âm nhạc nào mà từ người chỉ huy cho đến người hát đều… khóc. Khóc vì vui sướng!”, ông bồi hồi nhớ lại.
Sức lan tỏa của “Như có Bác trong ngày đại thắng” mạnh mẽ tới nỗi không chỉ nhanh chóng được nhân dân cả nước hát mà “bay sang” cả Nhật Bản, Campuchia… Sau này ca khúc nhận được Huân chương Lao động hạng ba, là món quà tinh thần rất lớn đối với Phạm Tuyên. Phu nhân của ông, PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết đã viết trong cuốn hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế”: “Để mừng đón huân chương, tôi đã thịt hai con gà đang nuôi trong chuồng làm một bữa miến mời bạn bè đến chung vui. Trong bữa “đại tiệc” đó, nhiều bạn bè, đồng chí đến dự đều ngồi bệt xuống sàn nhà ăn liên hoan! Bữa liên hoan đó thật đơn sơ nhưng vui vẻ và ấm cúng!..”
Xoay quanh ca khúc này, ông còn kể “giai thoại” vui: “Đầu năm 2000, tôi đi Cao Bằng dự cuộc họp trên đó, ra dự mít tinh, cuối buổi mọi người hát bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” . Tôi hỏi một anh thanh niên đứng cạnh: “Bài này là bài gì?”. Anh thanh niên nói: “Bài này mà bác không biết à? Bài này là bài “Giã bạn”. Cứ kết thúc hội họp, liên hoan vui vẻ là vỗ tay hát”. Tôi hỏi: “ Anh có biết ai sáng tác không?” Anh nói: “ Không biết”. Người đi cùng tôi định giới thiệu nhưng tôi đã ngăn lại. Dù anh thanh niên không nhớ tên bài hát, không nhớ tên tác giả nhưng tôi vẫn rất vui. Đối với tôi, không vì khoe tên tuổi, chức danh mà vui vì tác phẩm vẫn sống trong lòng quần chúng. Ca khúc của tôi vang lên ở mọi lúc mọi nơi, từ bóng đá, hội nghị đến liên hoan, hội hè…”
Theo Phạm Tuyên, sức sống của ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã vượt ngoài sức tưởng tượng của ông. Và đó là phần thưởng vô giá đối với người sáng tác!
“Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng…”
Nguyễn Du có viết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, các nhạc sĩ thường đem số phận, tâm trạng của mình vào các ca khúc. Nhưng riêng Phạm Tuyên, dù cuộc sống trải qua những cung đoạn thăng trầm nhưng âm nhạc của ông luôn lạc quan, tươi vui. Đem thắc mắc này hỏi nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông nói: “Khách quan mà nói, tôi rất cảm động trước câu nói của Trần Đăng Khoa, anh trích hai câu thơ của Phạm Tiến Duật: "Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay..."
Cuộc sống nhiều khi mình phải nén lại những định kiến, biết vượt lên, hướng tình cảm tốt đẹp nhất về quê hương, dân tộc. Khi mình vượt qua được thì mình sẽ chủ động trong các sáng tác. Đầu năm nay, Bằng Việt có viết bài thơ chúc Tết tôi, anh nói làm sao tôi có thể vượt qua những định kiến để có chất nhạc trong sáng như “Đêm Cha Lo”?
“Ơi Cha Lo! Ơi Cha Lo! Nơi rừng núi miên Tây Tổ quốc bừng sáng lung linh một vì sao!/ Vì một tiếng ru hời hay tiếng đánh vần bi bô! Những cánh đồng hợp tác hay những nhà máy khói bay / Có chúng tôi đây vững vàng trên miền Tây!”
Có người đã hỏi, tác giả ca khúc này quá khứ thế nào, gia đình thế nào mà viết được thế? Tôi cho rằng, vượt qua những định kiến, mang lại cho xã hội nét tươi đẹp nhất, đấy là tình cảm của mình”
Cũng có phóng viên hỏi tôi: “ Sáng tác của nhạc sĩ không thấy cái tôi, toàn thấy cái ta thôi?” Tôi trả lời, nếu không có cái tôi thì làm sao có cái ta? Không có cái riêng thì làm sao có cái chung?”
Hơn 20 tuổi viết “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, ca khúc về cách mạng, nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh trong một giai đoạn nhưng vẫn vượt qua được thời gian và có sức sống lâu bền, theo ông đó là nhờ sự chân thành sẽ nhận được cộng hưởng trở lại.
“Tôi sáng tác ca khúc này khi đang học trên Việt Bắc. Khi đó nhà thơ Lê Đạt, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng có mang lên một số tài liệu tiếng Pháp. Tôi đọc, trong đó có câu khiến mình cảm động: “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”. Và tôi đã sáng tác “Đảng đã cho ta một mùa xuân” vào đúng dịp Ngày thành lập Đảng. Sau này, khi tôi vào miền Nam, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu có bảo rằng hát ca khúc này rất vui chứ không phải nghiêm trang, chắp tay gì cả. Đó là vì tôi sáng tác với tinh thần tuổi trẻ và tình cảm tự nhiên”, ông nói.
Từ một thầy giáo dạy văn học, âm nhạc và sau này công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam; nhạc sĩ Phạm Tuyên nói ông phải cảm ơn môi trường tạo điều kiện cho mình tiếp cận hàng ngày biến thiên của lịch sử dân tộc, nhờ đó ông có những tác phẩm ghi dấu bước đi của lịch sử. Tuy nhiên, vị nhạc sĩ không cho rằng mình là “người chép sử bằng âm nhạc”.
“Có một số nhà lý luận nói tôi là “người chép sử bằng âm nhạc”, nhưng tôi không nghĩ như thế. Tôi chỉ nghĩ tình cảm của mình thế nào thì mình viết như thế”, Phạm Tuyên khẳng định.
“Từ khi nhà tôi mất, tôi từ chối rất nhiều…”
Chia sẻ nhiệt thành về những chi tiết xoay quanh các tác phẩm âm nhạc nhưng khi nhắc đến người bạn đời đã mất, nhạc sĩ Phạm Tuyên dường như lặng lẽ hơn.
“Đằng sau những tác phẩm của tôi luôn có người thẩm định đầu tiên, đó chính là nhà tôi. Gần đây, có nhà báo hỏi tôi có viết ca khúc nào tặng bà? Tôi nói, hơn 700 ca khúc, bài nào cũng có bóng dáng của nhà tôi cả”, ông chia sẻ.
Khi nhắc đến chi tiết, PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết viết trong cuốn hồi ký: “Một hôm anh tìm gặp tôi không quên đưa cho tôi bản nhạc “Em bé chăn trâu” của nhạc sĩ Văn Chung kèm theo là một lá thư viết cho tôi và rủ tôi đi chơi. Thật tội nghiệp! Nhạc sĩ chỉ có bảy nốt nhạc nên quà tặng cho người yêu cũng chỉ có vậy. Nhưng đối với tôi thì đây là món quà vô giá”; nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ nói: “Đó là cách viết rất chân thành của bà ấy!”
Nhạc sĩ tâm sự: “Tôi rất ngạc nhiên khi nhà tôi viết hồi ký 2 năm rồi, tôi không để ý tưởng bà chấm luận án của sinh viên. Có một hôm tôi thoáng nhìn thấy tên mình ở đấy, bà cười nói: “Anh đọc tiếp đi”. Tôi đọc và bất ngờ khi những câu chuyện tôi kể cho bà sau những lần đi sáng tác, sau này tôi quên thì bà vẫn nhớ rõ.
Bà cũng là người nhận xét tôi không giống các nhạc sĩ khác, nói tôi toàn sáng tác trong đầu, không bao giờ thấy ngồi đánh đàn sáng tác như các nhạc sĩ khác. Có thể nói, cuốn hồi ký là sự gặp gỡ của người làm khoa học và người làm nghệ thuật. Giữa khoa học và nghệ thuật có điểm tương đồng, hiểu biết lẫn nhau”.
Ngày trước, nhạc sĩ Phạm Tuyên và người bạn đời gắn bó, trao đổi trong tất cả các sinh hoạt xã hội. Nhưng kể từ khi bà mất, ông từ chối rất nhiều các hoạt động, không cảm thấy hào hứng tham gia mà suy nghĩ nhiều hơn về những sự kiện lớn trong gia đình.
Nhắc đến bản tình ca cũng là tên chương trình nghệ thuật “Nhớ và quên” diễn ra cuối tuần này, nhạc sĩ Phạm Tuyên nói: “Đây là bài hát tôi phổ thơ của nhà thơ Hoàng Minh Châu. Đó là tâm trạng của người qua hai cuộc kháng chiến: trong chiến tranh phải biết quên đi cái gì, nhớ đến cái gì và có những việc mình tạm thời quên, để sau này nhớ nhiều hơn nữa!”
Có thể coi bản tình ca đó như tâm sự của vị nhạc sĩ dành cho người bạn đời đầu gối tay ấp, dù bà đã đi xa nhưng những ký ức về bà vẫn nằm trọn vẹn trong tâm trí người ở lại, quên để mà nhớ…
Nguyễn Hằng
Ảnh: Hữu Nghị