Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam

Ngô Linh

(Dân trí) - Nhà lưu niệm chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng nằm bên đường quốc lộ 40B ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Nơi đây lưu giữ nhiều đồ vật của cụ lúc sinh thời.

Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng cổ kính, tọa lạc trong khu vườn rộng 4.000m2 do thân sinh cụ Huỳnh là Huỳnh Văn Phương xây dựng năm 1869, theo lối kiến trúc thời Nguyễn.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam - 1

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Ngôi nhà rộng khoảng 90m2, gồm ba gian, hai chái, khung sườn gỗ được chạm trổ tinh xảo. Nơi đây đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng giữ nguyên kiến trúc xưa. 

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam - 2

Ngôi nhà rộng 90m2, ba gian, hai chái.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, sinh ngày 1/10/1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam - 3

Gian thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm 1900, cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương (đứng đầu kỳ thi Hương) và đến năm 1904 đỗ Tiến sĩ, nhưng không ra làm quan.

Năm 1906, ông trở về Quảng Nam khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy tân. Năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt, đày đi tù Côn Đảo suốt 13 năm mới trả tự do.

Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille, ông từ chức.

Năm 1927, ông sáng lập ra nhà in và báo Tiếng Dân, suốt thời gian này, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo tại Huế cho đến khi tờ báo Tiếng Dân bị đình bản (1943).

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam - 4

Một tờ báo Tiếng Dân được lưu giữ.

Tháng 5/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, ông được giao chức vụ Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ 31/5/1946 đến  20/10/1946.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam - 5

Bên trong nhà có nhiều hiện vật lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Năm 1947, ông mất tại Quảng Ngãi khi đi kinh lý miền Trung. Theo tâm nguyện của ông, nhân dân đã an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn ở Quảng Ngãi.

Ngày 29/4/1947, Chính phủ tổ chức Lễ truy điệu cụ Huỳnh Thúc Kháng theo nghi thức Quốc tang.

Trong lễ Quốc tang cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Ban tổ chức đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan".

Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh.   

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở miền trung du Quảng Nam - 6

Hàng năm, rất đông người dân và du khách tham quan ngôi nhà, tưởng niệm chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng.