Người phụ nữ săn lùng "kho báu" cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Thái Minh

(Dân trí) - Những tác phẩm hội họa theo trường phái mỹ thuật Đông Dương của các họa sĩ lớn nằm rải rác trong dân như kho báu lớn. Bà Yến được cơ quan giao nhiệm vụ mua những bức đó về trưng bày và nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (SN 1941) là con gái của học giả, nhà báo Nguyễn Tường Phượng - chủ bút tạp chí Tri Tân, xuất bản từ năm 1941 - 1946.

Mặc dù sinh ra trong cái nôi báo chí nhưng người phụ nữ gốc Hà thành lại chọn con đường về mỹ thuật.

Người phụ nữ săn lùng kho báu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 1

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, người chuyên săn lùng "kho báu" trong dân

Bà Yến kể, năm 1962, ông Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, giao cho họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam (tên ban đầu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và mở triển lãm tranh.

Để chuẩn bị thành lập Viện, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung chủ trương tuyển nhân sự từ các khoa sử, khoa văn, đào tạo thành chuyên gia, nhà nghiên cứu mỹ thuật.

Người phụ nữ săn lùng kho báu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 2
Bà Yến học khoa Văn (khóa 2) - trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật và Nguyễn Khoa Điềm.

Năm 1964, bà tốt nghiệp và quyết định về công tác tại Viện Mỹ thuật Việt Nam. Bà Yến được Viện trưởng giao nhiệm vụ đến Thư viện quốc gia ở Tràng Thi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chép tư liệu.

"Thời xưa muốn tìm tư liệu phải vào thư viện chép lại. Khi ghi chép, phải đảm bảo chữ đẹp, thông tin rõ ràng, trình bày khoa học", bà nói.

Hoàn thiện 2 năm làm tư liệu, bà tiếp tục được giao nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử cổ đại, tham gia các buổi khai quật khảo cổ.

Sau đó, bà được phân công đi "săn lùng" các bức tranh Đông Dương (mỹ thuật cận đại), tìm cách mua về trưng bày và nghiên cứu trong bảo tàng.

"Số lượng tranh Đông Dương của Việt Nam như kho báu khổng lồ nằm trong dân nhưng việc mua tranh gặp nhiều khó khăn", nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ.

Bà nghe tin gia đình nào có tranh là lặn lội đạp xe đến. Trong số những chuyến đi lùng mua tranh, bà Yến nhớ như in lần gặp cụ Phùng Thị Yến ở số 17 Cao Bá Quát (Ba Đình, Hà Nội).

Gia đình cụ Phùng Thị Yến thuộc tầng lớp giàu có, sở hữu nhiều bức tranh quý hiếm. Cụ là người gốc Hà Nội nên giữ nếp sống khá chuẩn mực, chú trọng đến cử chỉ và cách nói năng của người đối diện.

Người nào ăn mặc xuề xòa, phong thái bộp chộp, cụ sẵn sàng đuổi về.

Bà Yến lúc này mới ra trường, tuổi đời còn trẻ, chưa va chạm nhiều. Tuy nhiên, vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức, từ bé đã được cha mẹ dạy về lễ nghi nên bà đã ghi điểm với cụ Phùng Thị Yến ngay lần đầu gặp mặt.

Buổi gặp đó, bà Yến ngồi đối diện với người phụ nữ có khuôn mặt nghiêm nghị.

Cụ Phùng Thị Yến gọi người giúp việc bưng ra một chiếc khay, trên khay bạc đựng cốc và 1 ống nhổ, đặt trước mặt khách. Cụ cất lời: "Mời chị xơi".

Nếu người khác không biết, sẽ cầm cốc nước uống luôn nhưng bà Yến điềm tĩnh nhấp một ngụm nhỏ xúc miệng rồi ý tứ nhổ vào ống.

Sau công đoạn này, người giúp việc nhà cụ Phùng Thị Yến mới mang ấm trà ướp hoa sen ra mời.

"Ngày xưa ở nhà, tôi cũng phục vụ mẹ tôi như vậy nên tôi biết. Người Hà Nội xưa không uống trà ngay mà phải xúc miệng cho sạch mới uống. Như vậy mới cảm nhận được hết vị ngon của trà. Cụ Yến là người khó tính, cụ muốn thử thách xem tôi có đủ tiêu chuẩn để tiếp hay không?", bà Yến kể.

Vượt qua màn thử thách "toát mồ hôi", bà Yến nhận được sự cởi mở hơn của gia chủ, được họ mời xem tranh.

Quá trình trao đổi, kiêng nhất là nói đến từ mua bán tranh. Phần lớn các gia đình đều có điều kiện hoặc bức tranh có ý nghĩa nào đó với họ.

Bà Yến đã mở lời khen ngợi: "Bức tranh của bác đẹp quá, giá mà được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật cho người dân chiêm ngưỡng thì hay quá".

Cụ bà Phùng Thị Yến gật gù nhưng không trả lời đồng ý hay từ chối mà nhắc bà Yến để lại địa chỉ liên hệ, sẽ cho người báo tin.

Bà Yến ra về, thấp thỏm chờ đợi. Chiều hôm sau, cụ Phùng Thị Yến sai người giúp việc nhắn cô nhân viên Viện Mỹ thuật Việt Nam đến gặp.

Lần này, cụ Phùng Thị Yến bảo bà chọn tranh mang về. Trong bộ sưu tập của cụ, bà Yến lựa được 3 tấm của bức tranh "Hội đình Chèm" của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.

Bức tranh "Hội đình Chèm" là một tác phẩm sơn mài gồm 5 tấm được họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ sáng tác vào năm 1942.

Ba tấm ở nhà cụ Phùng Thị Yến hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu hội họa, 2 tấm kia bị thất lạc trong chiến tranh.

Ngày 22/9/2020, một phiên bản của tác phẩm "Hội đình Chèm" được đưa ra đấu giá ở Pháp. Tranh đạt mức giá gần 22,6 tỉ đồng.

Người phụ nữ săn lùng kho báu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 3

"Sau khi đưa tranh đi, tôi quay lại thưa chuyện với cụ Phùng Thị Yến, gửi cụ 500 đồng và nói: Cụ cho phép Bảo tàng gửi chút quà cảm ơn cụ đã chăm sóc, lưu giữ bức tranh cẩn thận. Khi đó, 500 đồng là số tiền rất lớn. Bởi lương tôi mỗi tháng được vài chục là đủ sống", bà Yến chia sẻ thêm.

Ngoài gia đình cụ Phùng Thị Yến, bà Yến đã đi khắp nơi quanh Hà Nội, sang cả tỉnh thành khác tìm tranh.

Nhiều bức bà còn vô tình phát hiện nằm vạ vật ở chuồng trâu, chuồng bò hay kê làm bàn ăn…

"Tất cả các bức tranh ở phòng cận đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam" là tôi đi mua", bà Yến nhấn mạnh.

Bí quyết phát hiện tranh giả

Sau năm 1970, Viện Mỹ thuật Việt Nam tách thành 2 cơ quan riêng biệt là Viện nghiên cứu Mỹ Thuật (sát nhập với trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bà Yến thuộc quân số của Bảo tàng. Năm 1997 bà nghỉ hưu. Nay, bà là Phó chủ tịch Hội đồng Phê bình mỹ thuật thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam và giảng dạy tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Nhà nghiên cứu 79 tuổi tâm sự, công việc thẩm định tranh không hề đơn giản, đòi hỏi người thẩm định phải có kinh nghiệm và am hiểu về trường phái, phong cách, nét vẽ và tiểu sử của tác giả bức tranh…

Người phụ nữ săn lùng kho báu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 4
Bà chứng kiến nhiều bức tranh giả được làm tinh vi, hoàn hảo giống như thật khiến người trong nghề, không cẩn thận cũng bị nhầm lẫn.

Một trong các tác phẩm hội họa hay bị làm giả là của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông nổi tiếng với các bức tranh về phố cổ Hà Nội.

Sau năm 1984, các tác phẩm của ông được công chúng biết đến rộng rãi. Chúng vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có giá trị vật chất.

Trên thị trường bắt đầu xuất hiện các tác phẩm giả của ông. Khi các nhà nghiên cứu mỹ thuật tiếp cận, đã bối rối khó phân biệt được giả - thật. Bởi, bức tranh giả cũng sử dụng loại giấy báo như vậy.

Một lần bà Yến phát hiện những tờ báo in thập niên 60, 70 bỗng được thu mua với giá cao.

Mãi sau bà tìm hiểu ra mới biết, cụ Phái, cụ Nguyễn Tư Nghiêm hay vẽ tranh trên giấy báo cũ. Sản xuất vào thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Khi vẽ, làm màu mềm đi, giấy lại hút màu tạo thành một đặc trưng riêng. Các chất liệu giấy sau này sẽ khó tạo được nét vẽ như vậy.

Bà liên tưởng đến các bức tranh của cụ Phái và cho rằng, có thể người ta mua lại các tờ báo đó với mục đích làm giả tranh cụ Phái nên ngoài chất liệu, bà bắt đầu tìm những dấu hiệu đặc trưng khác của họa sĩ này.

Bằng nghiệp vụ đúc kết qua nhiều năm nghiên cứu, bà kiểm tra các bức tranh mặc dù giống từ chất liệu, nét vẽ, nhưng thẩm định chữ ký lại có nhiều khác biệt.

"Mỗi thời kỳ, cụ Phái ký một dạng chữ khác nhau. Ví dụ: Những năm 60 cụ ký một kiểu, đến thập niên 80 cụ ký một kiểu và vị trí chữ ký ở đâu trên bức tranh. Người sao chép thời đó chưa tinh tường đến mức độ làm giả chữ ký", bà Yến nói thêm.

Bà Yến cho hay, hiện nay công nghệ làm tranh giả ngày càng tinh vi hơn. Ngoài chữ ký cũng có một số bí quyết để phát hiện tranh giả, người trong nghề khó tiết lộ.