Nhạc sĩ Trần Tiến tiết lộ về thời "bốc vác, đánh giày", bị ca sĩ quát mắng

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Lúc đó, tôi chưa biết nốt nhạc nào, toàn đi bốc vác, đánh giày cho ca sĩ, bị các ca sĩ quát mắng. Là đứa bé nhất đoàn, tôi bị họ coi thường…", nhạc sĩ Trần Tiến trải lòng.

Trần Tiến: "Tôi bị coi thường, bị gọi là Tiến Gàn…"

Nhạc sĩ Trần Tiến đã có những trải lòng tại cuộc gặp gỡ truyền thông ngày 22/1 tại Hà Nội sau khi bị đồn qua đời vì bệnh ung thư vòm họng. Ông nói, người nhạc sĩ sáng tác hay nhất là khi chưa biết gì về cuộc đời, chưa biết gì về nốt nhạc. Và, để có những sáng tác được khán giả yêu thích ngày nay ông đã trải qua những năm tháng lao động vất vả, cực nhọc.

Nhạc sĩ Trần Tiến tiết lộ về thời bốc vác, đánh giày, bị ca sĩ quát mắng - 1

Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ về quãng thời gian bị coi thường, làm "cửu vạn" cho các nghệ sĩ ở đoàn. (Ảnh: Hòa Nguyễn)

"Có người nói bài "Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp" là ca khúc hay nhất của tôi. Tôi sáng tác ca khúc đó năm 16-17 tuổi, khi chưa biết nốt nhạc nào, toàn đi bốc vác đánh giày cho các nghệ sĩ, bị người ta quát mắng. Tôi là áo, vác đàn, làm đủ thứ nghề cửu vạn cho các nghệ sĩ phía sau sân khấu. Là đứa bé trẻ nhất đoàn, tôi bị họ coi thường.

Tôi vốn học giỏi Toán, tốt nghiệp lớp 10 xong tôi được vào thẳng đại học chứ không phải thi như người ta. Nhưng học được một năm thì tôi phải nghỉ. Tôi coi thường nghệ sĩ khi không có học, và họ cũng coi thường tôi. Họ gọi tôi là "gán tiền" tức Tiến Gàn.

Nghệ sĩ trong đoàn hát xong thì ngồi đánh bài, uống rượu, cặp bồ, nhảy đầm… còn tôi thì đọc sách. Tôi đọc triết học, văn học. Họ bảo: "Mày đọc sách làm gì, đọc lắm lại quên đồ của anh em".

Nhưng cuộc đời đã trả lời hết. Tôi không phải kẻ vứt đi, còn một vài trong số họ mới là kẻ vứt đi…

Tôi nghĩ với những gì mình có, bản thân chỉ đóng góp 20% tài năng, còn lại là trời cho tôi. Trời cho tôi hai lần suýt chết để viết hai ca khúc để cho tôi kiên cường, trời cho tôi đi chiến trường, cho tôi những ngày tháng gian khổ, cho tôi những năm tháng tuổi trẻ bị giám đốc đài truyền hình đuổi vì mặc quần loe để râu… Và đúng lúc bơ vơ, đói khát, tôi nhận được lời mời vào Sài Gòn, như một định mệnh và tôi được sáng tác theo cảm xúc của mình".

Nhạc sĩ Trần Tiến tiết lộ về thời bốc vác, đánh giày, bị ca sĩ quát mắng - 2

Nói về ca khúc "Không gục ngã" trong hai đêm nhạc vào tháng 3 tới, Trần Tiến hài hước cho rằng ca khúc sẽ trở thành "bệnh nhân ca". (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Nhạc sĩ Trần Tiến hát ca khúc "Không gục ngã".

Nhạc sĩ Trần Tiến bảo, bây giờ ông vẫn "gàn", nhưng không ai gọi ông là "gàn" nữa vì "gàn" của ông là đáng yêu. "Trong một chương trình, khi được phỏng vấn, Khánh Ly đã nói về tôi rằng, "ông Trần Tiến ngông nghênh lắm nhưng mà ngông nghênh đáng yêu". Tôi không biết mình gàn không, nhưng anh em đặt tên đó cho tôi giờ vẫn yêu quý tôi. Mỗi lần tôi ra Hà Nội lại gặp gỡ, lần này tôi đãi cả đoàn hết gần 20 triệu. Mọi người bảo, nhờ "gán tiền" mới có những ca khúc hay như thế này, ông nói.

Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ thêm về sự "gàn" của mình: "Tôi tốt nghiệp Nhạc viện có số điểm cao về chuyên ngành Giao hưởng, thầy tôi mất công dạy kỹ lưỡng lắm. Nhưng khi thi xong rồi, tôi nói với thầy: "Em không viết giao hưởng đâu, em muốn viết ca khúc". Thầy tỏ vẻ bất ngờ bảo: "Viết ca khúc thì cần gì học thầy?" Tôi nói, tôi sẽ viết ca khúc cho sinh viên hát ngoài đường chứ không viết các ca khúc phát trên Đài phát thanh. Tôi nghĩ thế, ý nghĩ rất "gàn". Nhưng cho tới bây giờ không ai bảo tôi "gàn" nữa".

Trần Thu Hà: "Mỗi lần chú Tiến bệnh, tôi lại được một món hời"

Không chỉ chia sẻ về sự "gàn" của mình, nhạc sĩ Trần Tiến còn tiết lộ về ca khúc "Không gục ngã" được ông sáng tác trong thời gian điều trị bệnh.

Nhạc sĩ Trần Tiến tiết lộ về thời bốc vác, đánh giày, bị ca sĩ quát mắng - 3

Trần Thu Hà và nhạc sĩ Trần Tiến.

Nhạc sĩ Trần Tiến tiết lộ về thời bốc vác, đánh giày, bị ca sĩ quát mắng - 4

Nữ ca sĩ hài hước tiết lộ, nhờ ca khúc "Sắc màu", chị xây được mấy cái nhà. (Ảnh: Hòa Nguyễn)

"Tôi đã viết ca khúc này vào những ngày đang nằm trên giường bệnh, không thể bước xuống đất và cứ nghĩ rằng mình sắp chết. Lúc ấy, tôi viết lên laptop, cứ tự hát và tự phối. Thế nhưng nhờ bài hát mà tôi sống lại cho đến bây giờ. Đó là sự trở lại cực kỳ hùng dũng, như từ cõi chết trở về", nhạc sĩ Trần Tiến nhớ lại.

Khi Trần Tiến khỏi bệnh và khỏe mạnh trở lại, các bác sĩ đã bảo ông rằng, bài hát này cũng như hình ảnh của ông có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người đang nằm trên giường bệnh. Lời ca khúc tràn ngập sự lạc quan, có thể sốc tinh thần không chỉ của ông mà cả loài người thức dậy khỏi những khó khăn, mệt mỏi của cuộc đời, trong đó có cả đại dịch Covid-19. Vị nhạc sĩ tếu táo rằng, "Không gục ngã" chính là "bệnh nhân ca".

Là một trong những ca sĩ hát trong đêm nhạc Thanh Tùng - Trần Tiến vào ngày 7-8/3 tới, Hà Trần nói chị vô cùng bất ngờ trước sáng tác của chú ruột. Chị ngưỡng mộ chú mình, dù trong hoàn cảnh nào vẫn rất nghị lực, sáng tác và chìm đắm trong âm nhạc. Chị cho rằng đó là liệu pháp giúp Trần Tiến vượt qua bạo bệnh. "Bình thường ốm đã rất mệt, đây chú Tiến còn viết bài, phối nhạc nữa", nữ ca sĩ chia sẻ.

Có thể trong hai đêm nhạc tới, Trần Thu Hà sẽ hát cùng Trần Tiến ca khúc "Không gục ngã" trên sân khấu. Nữ ca sĩ cũng hài hước chia sẻ thêm: " Tôi vẫn nói đùa là mỗi khi ông chú của tôi bệnh nặng là tôi lại có bài hit. Trước kia, ông cắt một khúc ruột, gia đình tưởng không qua khỏi thì tôi lại được bài "Sắc màu", xây được mấy cái nhà. Bây giờ đến bài "không gục ngã" này. Cứ mỗi khi ông "mất" cái gì, tôi lại được một món hời". Được biết, ca khúc "Sắc màu" cũng được nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác trên giường bệnh, sau khi mổ ruột thừa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm