Người phụ nữ dành cả thanh xuân để "gói ân tình" vào đặc sản xứ Huế

Hà Hiền

(Dân trí) - Bằng cách đưa những chất liệu mang đậm văn hóa xứ Huế vào mẫu mã bao bì của thức quà đặc sản, chị Huyền muốn giới thiệu đến du khách những câu chuyện, hàm chứa ý nghĩa "gói" cả ân tình xứ Huế.

Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Chị Phạm Thị Diệu Huyền (36 tuổi) quyết định trở về quê hương khởi nghiệp.

Về quê "làm lại từ đầu", cô gái 8X làm nhiều ngành nghề khác nhau, như bán các mặt hàng quà tặng cho khách du lịch, kinh doanh quán cà phê, bán các sản phẩm đặc trưng của xứ Huế... nhưng đều thất bại do không có được sự mới lạ, nổi bật.

Người phụ nữ dành cả thanh xuân để gói ân tình vào đặc sản xứ Huế - 1

Chị Phạm Thị Diệu Huyền sinh ra và lớn lên ở Huế, người phụ nữ nặng lòng với đặc sản của quê hương.

Quyết tâm quay lại với đặc sản Huế một lần nữa với khát vọng mang được những nét văn hóa của Huế vào bao bì, mẫu mã của những món quà để khách du lịch cảm nhận được đất và con người xứ Huế.

Với ý tưởng mới mẻ, sáng tạo đó, năm 2019, chị Huyền vinh dự nhận được giải A trong cuộc thi "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Ở Huế có hàng trăm đặc sản khác nhau, trong một lần tình cờ biết đến bánh màu Pháp Lam từ một người bạn thân. Chị Huyền rất bất ngờ vì đây là một loại bánh cổ truyền độc đáo của Huế nhưng lại rất ít người biết tới và đang bị mai một dần.

Bánh màu Pháp Lam là loại bánh có khuôn được làm bằng giấy ngũ sắc rất kỳ công với bảng màu sắc chính trong nghệ thuật pháp lam Huế. Bánh được làm bằng bột nếp thơm cùng với dưa hấu ngào và nhân hạt dưa. Bánh có vị ngọt thanh, hương thơm mát dịu, dùng tráng miệng với trà thơm.

Ngay sau khi nhận hộp bánh từ người bạn, chị Huyền liền bắt tay vào việc học xếp vỏ khuôn, thế nhưng mọi chuyện không dễ dàng, chị thất bại ngay từ lần đầu tiên.

Người phụ nữ dành cả thanh xuân để gói ân tình vào đặc sản xứ Huế - 2

Vỏ hộp bánh màu Pháp Lam xứ Huế.

"Khoảng thời gian sau đó mình xin những hộp bánh mẫu từ một người quen và tự mày mò trong thời gian dài và dần hiểu được nguyên lý xếp bánh, cấu tạo của vỏ bánh và gấp thành công", cô gái xứ Huế chia sẻ.

Từ đó, chị Huyền nung nấu ý định sẽ đưa ra thị trường sản phẩm bánh màu Pháp Lam Huế, dựa trên những gì mà chị đã và đang cố gắng để truyền tải phong vị Cố đô.

Về vỏ hộp, để tạo ra một hộp bánh màu Pháp Lam đúng chuẩn, từ khâu chọn giấy đến đo, cắt xếp đều phải cẩn thận, tỉ mỉ. Phải dùng giấy của làng Thanh Tiên (Phú Vang, Thừa Thiên Huế), giấy mềm, mỏng nên người thợ phải khéo léo để tránh làm hỏng nếp giấy mà vẫn giữ được độ đứng cho hộp, đồng thời phải nắm được quy luật phối màu và đan giấy, miếng giấy phải được cắt đều tay, vuông vức.

Khi bắt giấy, người nghệ nhân phải hoàn toàn tập trung và khéo léo đan từng mảnh giấy ấy lồng vào nhau, đôi khi chỉ cần sai một chút thôi là phải làm lại từ đầu.

Người phụ nữ dành cả thanh xuân để gói ân tình vào đặc sản xứ Huế - 3

Những nét đặc trưng của Huế được chị Huyền truyền tải lên hộp bánh màu Pháp Lam rất bắt mắt.

Bánh Pháp Lam truyền thống là loại bánh rất ngon, lại công phu khi chế biến, tuy nhiên thời hạn sử dụng và bảo quản lại không cao, nên chị Huyền đã thay thế bằng những món bánh cổ truyền khác của Huế như bánh in, bánh Phục linh, bánh hạt sen, chỉ sử dụng vỏ hộp màu Pháp Lam.

Bánh in được làm đậu xanh và đường cát, còn bánh Phục Linh là loại bánh thường xuyên hiện diện trong những mâm cỗ vàng son chốn Cung đình và các gia đình quý tộc. Bánh Phục Linh được làm bằng bột gạo nếp hay bột năng với nhân đậu xanh, nhân dừa non, đường, lá dứa,…

Người phụ nữ dành cả thanh xuân để gói ân tình vào đặc sản xứ Huế - 4
Sự kết hợp giữa vỏ hộp bánh màu Pháp Lam với bánh in, bánh Phục Linh truyền thống của Cố đô Huế.

Bằng cách này, thêm nhiều khách hàng ở mọi miền có thể biết thêm và được thưởng thức món bánh truyền thống của xứ Huế.

Chị Huyền sinh ra và lớn lên ở Kim Long, ngôi làng được xem là "thủ phủ" của nghề làm mứt gừng nổi tiếng bên bờ sông Hương. Vị cay nồng của mứt gừng làng Kim Long đã nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn.

Tận dụng những lợi thế sẵn có, chị kết nối với các hộ làm mứt gừng truyền thống, lâu đời ở Kim Long để sản xuất các loại mứt từ gừng, nghệ, thanh trà, sen… với những tiêu chí về sả phẩm khăt khe, bao bì, mẫu mã bắt mắt, mang đậm nét văn hóa của xứ Huế.

Người phụ nữ dành cả thanh xuân để gói ân tình vào đặc sản xứ Huế - 5

Thức quà nào cũng được chị Huyền chăm chút tỉ mỉ từ mẫu mã cho đến chất lượng sản phẩm, như chứa đựng cả ân tình của xứ Huế.

Sau 8 năm khởi nghiệp với đặc sản của quê hương, đến nay người phụ nữ 8X đã xây dựng được thương hiệu "Mộc Truly Huế" được mọi người đón nhận: "Mình vui và tự hào vì có thể góp phần nâng tầm đặc sản Huế, tạo ra thêm nhiều giá trị để quảng bá và lưu giữ văn hóa Huế", chị Huyền trải lòng.