Người đàn ông gần 40 năm giữ hồn tiếng khèn Mông ở xứ Thanh

Thanh Tùng

(Dân trí) - Với đồng bào dân tộc Mông, tiếng khèn và điệu múa có ý nghĩa trong đời sống văn hóa. Mỗi dịp lễ Tết, cây khèn như "bảo vật" mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần.

Chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình ông Hơ Pó Ma (48 tuổi), ở bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Căn nhà gỗ của gia đình ông nằm nép mình bên ngọn đồi, bốn bề là núi rừng. Ông Ma là một trong số ít những người còn lưu giữ điệu khèn Mông ở nơi này.

Người đàn ông gần 40 năm giữ hồn tiếng khèn Mông ở xứ Thanh - 1

Gần 40 năm qua, ông Hơ Pó Ma ở bản Cơm, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát vẫn lưu giữ văn hóa khèn Mông.

Theo ông Ma, từ năm 12 tuổi, ông đã biết thổi khèn Mông. Ông không nhớ khèn Mông có từ bao giờ, khi lớn lên đã được nghe điệu khèn từ cha và ông nội thổi cho nghe. "Trước kia, khèn Mông chủ yếu dùng trong đám tang, ngày nay khèn Mông được sử dụng nhiều trong đám cưới, lễ hội và mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tôi biết thổi khèn Mông cũng nhờ cha, ông truyền lại", ông Ma chia sẻ.

Người đàn ông gần 40 năm giữ hồn tiếng khèn Mông ở xứ Thanh - 2

Ông Ma biết đến khèn Mông nhờ bố và ông nội dạy thổi từ khi còn là cậu bé 12 tuổi.

Trong dịp lễ hội, Tết, tiếng khèn có giai điệu vui tươi. Thông thường, vào ngày lễ hội, những cô gái đồng bào Mông sẽ diện váy đẹp đi cùng các chàng trai để tham gia ngày hội. Dưới ngọn lửa bập bùng, những chàng trai tay cầm khèn thổi các bản nhạc vui nhộn và khum người múa điệu nhảy đưa chân… để biểu diễn cùng các cô gái. Mỗi lần nhảy như vậy, chiếc khèn Mông giống như đạo cụ múa đối với các chàng trai.

Cũng theo ông Ma, để chế tác ra một cây khèn chuẩn âm thanh đòi hỏi người thợ phải am hiểu, có kinh nghiệm và khả năng thẩm âm tốt. Khèn Mông được làm từ gỗ pơmu cùng 6 ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Để tạo ra âm thanh đặc trưng, các ống trúc này được sắp xếp khéo léo, song song trên thân khèn (Pố khèn).

Người đàn ông gần 40 năm giữ hồn tiếng khèn Mông ở xứ Thanh - 3

Chiếc khèn Mông được làm hoàn toàn từ nguyên liệu trúc và chiếc Pố khèn làm bằng gỗ Pơmu.

"Những thân trúc được lấy từ rừng, chúng tôi lựa những ống trúc thẳng, không non, không già. Ống trúc lấy về được phơi khô rồi khoét lỗ. Quan trọng nhất vẫn là cái Pố khèn được lắp lưỡi đồng, độ cao thấp của âm thanh phụ thuộc vào độ dày hoặc mỏng của lưỡi đồng. Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít người biết làm khèn Mông", ông Ma cho biết.

Mặc dù đã gần 40 năm thổi khèn Mông nhưng hiện ông Ma vẫn cần mẫn tập luyện và lưu giữ nét đẹp truyền thống này. Ông cho biết, cây khèn Mông xưa nay được truyền từ đời này sang đời khác và đi theo họ đến khắp núi rừng. Bất cứ ở đâu có người đàn ông Mông là ở đó vang lên tiếng khèn.

Người đàn ông gần 40 năm giữ hồn tiếng khèn Mông ở xứ Thanh (Video: Thanh Tùng).

"Tiếng khèn để gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình với bạn bè, cộng đồng và giao hòa với thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ. Tuy nhiên, hiện nay thế hệ trẻ rất ít người yêu và say tiếng khèn Mông. Hiện cả bản Cơm chỉ còn có 8 người biết thổi, chúng tôi muốn con cháu sau này phải lưu giữ được truyền thống thổi khèn này", ông Ma nói và cho hay.

Người đàn ông gần 40 năm giữ hồn tiếng khèn Mông ở xứ Thanh - 4

Để tạo ra chiếc khèn Mông đòi hỏi người thợ phải biết thẩm âm và có kinh nghiệm.

Theo ông Lâu Văn Kỷ - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pù Nhi, người làm khèn Mông hiện nay ở xã còn rất ít. Không chỉ vậy, người biết và lưu giữ được điệu khèn Mông cũng không còn nhiều. Ông Hơ Pó Ma là một trong số ít những người biết thổi khèn Mông ở địa phương.

"Thời gian qua, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền đến các thế hệ trẻ ở bản, ở xã cần lưu giữ nét đẹp văn hóa này. Đồng thời, tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ ở bản làng để đông đảo bà con, người dân thấy được giá trị quan trọng của tiếng khèn Mông, từ đó tạo niềm đam mê đến các bạn trẻ về khèn Mông".