Nghệ sĩ Nguyễn Trí Dũng: Nhạc Giao hưởng không thể “chành chọe”...

(Dân trí) - “Chúng tôi tự biết phải lo thân phận của mình. Mình theo đuổi làm loại nhạc gọi là kén khán giả thì cũng đừng nghĩ rằng sẽ “chành chọe” với các loại nhạc khác”, nghệ sĩ Nguyễn Trí Dũng, Phó GĐ phụ trách Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chia sẻ.

Trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam mới đây, nghệ sĩ violin Lê Ngọc Anh Kiệt có nói đại ý rằng, anh ấy vô cùng ngạc nhiên vì sự tiến bộ rõ rệt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thời gian qua, minh chứng là khi Dàn nhạc đã trình diễn những tác phẩm đồ sộ của Mahler. Ông nghĩ sao trước nhận xét này?

Vâng, theo tôi, đó là một sự trung thực trong nghề. Nhạc Giao hưởng Việt nhiều năm nay đã tiến một bước dài. 10 năm trở lại đây, Dàn nhạc được nâng cấp chất lượng chuyên môn. Điều đó không chỉ Anh Kiệt mà cả công chúng cũng như những đồng nghiệp quốc tế đều có chung cái nhìn như vậy.

Xin nói thêm về việc trình diễn tác phẩm Mahler được lập kế hoạch từ nhiều năm, theo đó trình diễn 10 giao hưởng. Năm 2012 này trình diễn bản giao hưởng số 7. Trước đó là bản giao hưởng không số Bài ca trái đất. Đặc biệt giao hưởng số 8 viết cho 1000 nghệ sĩ chơi dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội rất thành công. Chuyến lưu diễn tại Mỹ cuối năm 2011 cũng là một dấu mốc.
 
Nghệ sĩ Nguyễn Trí Dũng: Nhạc Giao hưởng không thể “chành chọe”...
Nghệ sĩ Nguyễn Trí Dũng, Phó GĐ phụ trách Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam bày tỏ những khó khăn thách thức mà thể loại nhạc kén người nghe phải đối mặt

Không chỉ chú ý tới các buổi biểu diễn lớn và trình diễn những tác phẩm đồ sộ, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam còn tìm thấy ý nghĩa khi kết hợp với các chương trình phát triển tài năng trẻ?

Chúng tôi rất chú trọng điều đó. Chính vì thế mà Dàn nhạc đã có hơn 10 năm gắn bó với chương trình Hòa nhạc Toyota. Với mục đích hỗ trợ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nâng cao chất lượng và trình độ biểu diễn đạt chuẩn khu vực và quốc tế, kể từ năm 1998, Quỹ học bổng Toyota hỗ trợ Tài năng trẻ âm nhạc Việt Nam đã ủng hộ Dàn nhạc tổ chức chương trình hòa nhạc lớn hàng năm.

Năm 2007, chương trình hòa nhạc này được tổ chức xuyên Việt với các chuyến lưu diễn tại các thành phố lớn trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Tới đây, chương trình còn được tổ chức xuyên Đông Dương với ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Chương trình chính thức diễn ra tại National Cultural Hall – Vientiane, Lào vào ngày 24/7 này.

Đây là chương trình hợp tác chặt chẽ, có mục đích gây quỹ cho tài năng trẻ rất có ý nghĩa cả về mặt nghệ thuật lẫn từ thiện. Điều đáng nói là nó có một quá trình từ 1998 tới nay khi giao hưởng còn chưa được khán giả biết tới.

Với các chương trình biểu diễn ngày càng nhộn nhịp, liệu một mong muốn từ rất lâu của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam là tổ chức các buổi  Hòa nhạc đặt vé trước – “văn hóa xem” được hình thành từ hàng trăm năm trước ở các nền giao hưởng lâu đời – dần  trở thành hiện thực?

Hòa nhạc đặt vé được xây dựng từ 5 năm nay, theo một lộ trình. Khán giả có thể chọn lựa theo sở thích. Hiện nay, mức độ của nó chưa lớn, nhưng hy vọng trong tương lai sẽ chuyên nghiệp, khán giả có thể dễ dàng đặt vé trên mạng.

Trên thực tế, các buổi hòa nhạc tại Việt Nam vẫn phát vé mời?

Vé mời có hai ý nghĩa, là những đối tượng cần chia sẻ, tạo điều kiện để tiếp cận với những loại hình âm nhạc này.
 
Nghệ sĩ Nguyễn Trí Dũng: Nhạc Giao hưởng không thể “chành chọe”...
Sắp tới, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ diễn tại bốn thành phố Viên Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), TP Hồ Chí Minh và Hà Nội (Việt Nam) trong chương trình Hòa nhạc Toyota 2012. Chương trình cũng hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Lào và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia

Ông có kỳ vọng tạo thói quen mua vé xem giao hưởng cho khán giả?

Đó là mục đích quan trọng nhưng khó khăn vì người Việt không có thói quen ấy. Điều đó cần sự chia sẻ không chỉ của một bộ phận mà kể cả truyền thông, báo chí.

Trở lại câu hỏi trên, nếu cứ phát vé mời thì bao giờ có được thói quen mua vé cho khán giả?

Tất nhiên. Vé mời có nhưng hạn chế. Nhưng chúng tôi cũng có ý thức tạo thói quen cho khán giả.

Là một nghệ sĩ, nhà quản lý, ông chạnh lòng không khi có  những chương trình ca nhạc bán vé ở nơi có đến 3000-4000 chỗ với giá hàng triệu đồng?

Tôi hơi buồn. Tình trạng này ở nước ngoài cũng có. Trong đó mọi loại hình nghệ thuật đang phát triển nở rộ và công chúng có quyền lựa chọn từ nhạc nhẹ, nhạc sến, hip – hop…

Chúng tôi tự biết phải lo thân phận của mình. Mình làm loại nhạc gọi là kén khán giả thì cũng đừng nghĩ rằng sẽ “chành chọe” với các loại nhạc khác. Công chúng có thể thích Chế Linh, cũng có thể thích nhạc nhẹ, nghe cải lương hay giao hưởng. Điều đó phản ánh đúng sự phát triển ngày càng đa dạng của văn hóa nghe - nhìn…

Thử hỏi tại sao họ bỏ tiền mua vé đi nghe, tại vì người ta thích thú. Vậy thì thách thức là phải làm cho khán giả thích thú, hấp dẫn người ta nghe. Điều này, cần một lộ trình có giáo dục, chia sẻ.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
 
Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm