Xem hòa nhạc xuyên Đông Dương với giá “siêu rẻ”

(Dân trí) Chỉ với 100 ngàn đồng, khán giả có thể thưởng thức buổi hòa nhạc xuyên Đông Dương với sự tham gia của nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và ca sĩ opera hát giọng tenor hàng đầu hiện nay là Trịnh Thanh Bình, chỉ huy là nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Sau 14 năm tổ chức tại Việt Nam, năm 2012 là lần đầu tiên chương trình hòa nhạc Toyota vươn tới Lào, Campuchia với sứ mệnh giới thiệu âm nhạc cổ điển và Việt Nam tới bạn bè các nước láng giềng.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ diễn ra tại 4 thành phố lớn ở Đông Dương, bao gồm Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ ngày 24/7 – 6/8.
 
Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy tham gia chương trình
Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy tham gia chương trình

Ngoài sự góp mặt của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với sự chỉ huy của nhạc trưởng tài ba người Nhật Bản, Honna Tetsuji, chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và ca sĩ opera hát giọng tenor hàng đầu hiện nay là Trịnh Thanh Bình.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó GĐ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho biết, chương trình có những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như hành khúc hân hoan, tưng bừng của Johhan Strauss II và những khúc nhạc tươi vui của Leroy Anderson. Bùi Công Duy sẽ chơi bản concerto cho Violon giọng Rê trưởng nổi tiếng của nhà soạn nhạc Beethoven. Trịnh Thanh Bình mang đến vẻ đẹp của âm nhạc Việt trong Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Tình ca. Ngoài ra, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng sẽ chơi các nhạc phẩm của các nước bạn Lào và Campuchia cùng các nghệ sĩ bản xứ.

Điều gây ngạc nhiên nhất chính là giá vé “siêu rẻ” của chương trình hòa nhạc tầm cỡ này. Vé “vip” chỉ 500 ngàn đồng, đối với học sinh, sinh viên chỉ cần…100 ngàn đồng là có thể thưởng thức buổi hòa nhạc ý nghĩa này.

Toàn bộ số tiền thu được sẽ đưa vào quỹ khuyến học cho các tài năng nghệ thuật.
 
Khán giả có thể thưởng thức hòa nhạc với giá siêu rẻ
Khán giả có thể thưởng thức hòa nhạc với giá "siêu rẻ"

Trước câu hỏi, mức giá này liệu có tương xứng với chất lượng nghệ thuật của chương trình như đã quảng cáo? Ông Trí Dũng buồn rầu nói: “Nhiều người ở Việt Nam đi nghe giao hưởng có thói quen là coi vé tặng “oai” hơn vé mua, dù có người sẵn sàng bỏ ra vài triệu để nghe Chế Linh hát. Khi chúng tôi đề ra giá vé này, nhiều ý kiến khác nhau, người thì nói thấp, người lại bảo là cao. Trên thực tế, chưa bao giờ chúng tôi có thể dùng tiền bán vé để nuôi Dàn nhạc Giao hưởng”.

Theo ông Dũng, những đêm diễn ở hai nước bạn hoàn toàn miễn phí, chỉ hai đêm diễn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mới bán vé. BTC kỳ vọng thu được khoảng 150 triệu để đưa vào quỹ khuyến học, nếu thiếu, doanh nghiệp sẽ bù thêm.

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm, hiện nay số người yêu giao hưởng đã tăng dần lên, ngày càng nhiều người chia sẻ cảm xúc, sự say đắm trong âm nhạc với nghệ sĩ, nhưng bỏ tiền túi ra mua vé lại là chuyện khác. Bởi vậy, giá rẻ mới hy vọng có nhiều người tiếp cận với nghệ thuật âm nhạc cổ điển này.

N.Hằng