Nghệ sĩ bàng hoàng khi hay tin NSƯT Phạm Bằng qua đời
(Dân trí) - Rất nhiều nghệ sĩ quá bàng hoàng khi nghe tin NSƯT Phạm Bằng qua đời. Trong mắt nhiều người, nam nghệ sĩ là tấm gương lớn về nghề nghiệp, về nhân cách và tấm lòng với khán giả mà thế hệ sau phải học tập.
NSƯT Minh Hằng: “Nghe tin bác Bằng mất mà bàng hoàng không tin nổi”
Lúc 9h tối qua tôi được một người đồng nghiệp báo tin bác Bằng mất mà bàng hoàng không tin nổi. Sao bác lại có thể ra đi nhanh như thế cơ chứ.
Trong sự nghiệp diễn viên của tôi, tôi may mắn được làm việc với bác Bằng từ thời bác Trịnh Mai còn sống cơ. Thời đó, tôi tham gia chung với bác Bằng phim “Chát xình, chát chát, bùm”… rồi gần đây là serie hài Tết “Chôn nhời” mà bác đóng qua Tri phủ còn tôi đóng vợ quan Tri phủ.
Ngày mồng 10/11 tới đây chúng tôi quay “Chôn nhời” phần 4 cho Tết 2017. Đạo diễn Đông Hồng bảo năm nay bác Bằng không thể tham gia được nên tôi bảo với đạo diễn là vậy bỏ luôn vai của tôi đi. Nhưng đạo diễn Đông Hồng bảo không thể bỏ được mà biên kịch sẽ soạn thêm để tôi diễn đỡ phần vai bị khuyết của bác Bằng. Vậy mà chưa kịp nói gì với bác thì bác đã ra đi (nghẹn ngào).
Trong quá trình làm việc với bác Bằng, tôi thấy bác là một người rất nghiêm túc. Đã ngoài 80 nhưng lúc nào bác cũng chỉn chu, nhiệt tình và chuẩn bị chu đáo cho vai diễn. Đặc biệt, lớn tuổi rồi nhưng bác học thoại không thua gì bọn trẻ đâu. Bác học nhanh và nhớ thoại lâu lắm.
Bác cũng sống bình dân và chan hoà lắm. Đến giờ đi ăn, thấy bọn trẻ đi ăn cơm bình dân bác cũng đi cùng, rồi trò chuyện gần gũi lắm! Cụ sống, làm mọi việc như thanh niên. Chúng tôi thấy vậy còn đùa: “Cụ ơi, cụ mà thế này có khi còn lấy được vợ nữa”.
Mới năm ngoái, khi quay “Chôn nhời” phần 3, dù đã có phần chậm hơn do tuổi tác đã cao nhưng bác Bằng vẫn nỗ lực lắm. Biết bác diễn không thể nhanh như trước nên mỗi khi diễn với bác tôi phải giảm tốc độ lại. Có cái hay đó là lúc nào bác cũng nghiêm túc với vai diễn và biết tạo cảm hứng cho bạn diễn. Nói thật là khi diễn vai vợ quan Tri phủ với bác tôi có được rất nhiều cảm xúc.
Ngoài đời, tôi cũng chơi với cái Hiền, con gái của Bác. Ngày xưa Hiền cũng công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng sau này chuyển vào Nam thì Hiền không tham gia nghệ thuật nữa. Đợt rồi nghe tin bác vào Nam, cứ nghĩ bác vào đó chơi với con gái nào ngờ bác đi chữa bệnh ở bên Singapore về.
Danh hài Công Vượng: “Anh chị em nghệ sĩ chúng tôi sẽ nhớ bố lắm!”
Tôi không thể tin được là bố Bằng đã đi, tôi không thể tin. Tôi không biết diễn tả nỗi buồn lúc này như thế nào nhưng khi nghe tin bố Bằng qua đời tôi có cảm giác như có một làn điện chạy qua cơ thể. Tôi thực sự rất sốc.
Từ đầu năm nay, tôi đã đã có ý định mời bố Bằng một vai diễn trong phim hài Tết. Tôi không hiểu sao năm nay tôi lại tha thiết muốn mời bố đóng với tôi đến thế. Khi gọi cho bố, bố hào hứng nhận lời rồi. Đến ngày quay bố vẫn nghe điện thoại và bảo với rôi rằng: “Mình bận quá, đang quay quảng cáo ở trong miền Nam”, tôi bảo: “Vâng, thế được rồi, con chiều bố, khi nào bố ra Hà Nội thì bố bảo con”. Thế rồi đùng một phát, cách đây mấy hôm tôi đọc bài viết trên báo nói rằng bố Bằng bị bệnh nặng, chưa kịp sắp xếp thời gian đến thăm bố thì bố đã ra đi.
Mười mấy năm trời bố con biết nhau, có biết bao kỷ niệm. Tôi với bố Bằng đóng với nhau tiểu phẩm từ đầu năm 2000, thời đó bố Bằng đã đóng rất nhiều tiểu phẩm cho “Gặp nhau cuối tuần” rồi. Có thể nói, tôi là người đầu tiên mời bố Bằng ra đóng hài Tết. Ngày xưa bố rất bận nên bố không nhận lời đóng hài Tết của ai bao giờ.
Tôi rất quý bố Bằng vì bố là người “cây cao bóng cả”. Bố cũng là người đạo đức, có nghề và quan tâm lớp trẻ. Ngoài những lúc đóng phim, thỉnh thoảng hai bố con còn đi xe máy lên chỗ Đàm Trị, gần Phủ Tây Hồ để ngồi uống rượu. Khoảng 3 - 4 năm gần vì bận nên bố con không gặp được nhau nhiều nhưng thỉnh thoảng bố con vẫn gọi điện thăm hỏi nhau.
Trong mắt tôi, bố Phạm Bằng là một người Hà Nội gốc lại ở phố cổ nên rất lịch lãm. Nói về nghề, bố Bằng cùng thế hệ với bố Văn Hiệp, bố Văn Toàn, bố Hồng Hồng Chương, bố Mai Ngọc Căn… tất cả những nghệ sĩ này đều làm việc rất nghiêm túc, chỉn chu và cẩn thận. Anh em trong nghề chúng tôi còn bảo với nhau rằng không biết khi chúng tôi bằng tuổi các bố có được một phần như của các bố không.
Mới tối hôm kia, tôi và mấy anh em trong chương trình “Tết vạn lộc” còn đang ngồi bàn với nhau, mời bố tham gia và sau khi kết thúc chương trình sẽ trao tặng bố một khoản nào đấy để bố chữa bệnh. Mọi chuyện đã bàn xong đâu vào đấy thì hôm qua lại nghe được tin buồn.
Anh chị em nghệ sĩ chúng tôi sẽ nhớ bố lắm. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu điều học hỏi được từ những thế hệ của bố sẽ theo chúng tôi suốt quãng đời làm nghệ thuật.
NSƯT Kim Oanh: “Tôi nhìn thấy ở bác Bằng nhân cách của một người nghệ sĩ lớn”
Tôi rất đau lòng khi nghe tin bác Bằng qua đời nhưng cũng cảm thấy được an ủi phần nào vì biết bác ra đi nhẹ nhàng. Tôi và nhiều anh chị em nghệ sĩ cầu mong bác sẽ được vãng sinh, siêu thoát.
Tôi với bác Bằng thì có nhiều kỷ niệm lắm, kỷ niệm vui nhiều hơn buồn vì chúng tôi đóng với nhau khá nhiều tiểu phẩm. Mấy năm gần đây, năm nào tôi cũng được đóng chung hài Tết với bác.
Cách đây không lâu, khi đóng chung với bác Bằng tiểu phẩm hài Tết, sau đó có một bài viết đặt cái tít hơi phản cảm. Tôi sợ bác phiền lòng nên có gọi điện để nói chuyện với bác nhưng bác là người có tấm lòng vị tha rất lớn. Thật sự là dù bác đã lớn tuổi nhưng có tấm lòng vị tha mà tôi đã phải học tập bác. Bác bảo: “Bác là người lớn, không chấp mấy chuyện trẻ con đó”. Qua đó, tôi nhìn thấy ở bác nhân cách của một người nghệ sĩ lớn.
Thời gian gần đây, vì không gặp bác thường xuyên, tôi lại cũng mới đi công tác xa về nên tôi không biết bác Phạm Bằng bị bệnh nặng. Thật sự là nghe tin bác Bằng đi tôi rất buồn vì tình cảm bác cháu rất quý mến nhau. Thêm nữa, năm nay chúng tôi làm phim hài Tết sẽ không được đóng chung với bác nữa. Đó quả là một sự thiếu vắng lớn lao.
Bác Bằng là một người rất yêu nghề. Dù tuổi cao nhưng bác luôn giữ tác phong làm việc chuyên nghiệp, chỉn chu đến từng chi tiết. Cách làm việc của bác khiến chúng tôi phải nhìn lại mình và học tập theo. Sự ra đi của bác là một mất mát lớn cho ngành sân khấu và điện ảnh vì bác vẫn còn sức để cống hiến.
Trên trang cá nhân, một số nghệ sĩ cũng đã bày tỏ lòng xót thương và tiếc nuối trước sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng.
Nghệ sĩ Hồng Giang (tức Giang còi) kể: “Khi chú bằng tuổi tôi, với lối diễn xuất nhẹ nhàng, hóm hỉnh, làm sôi động cả rạp hát thì tôi còn là cậu bé, ngồi dưới hàng ghế khán giả. Tôi hằng ước ao biết bao giờ mình được như chú. Nay đã là đồng nghiệp, diễn cùng nhau trên một sàn diễn, nhìn người nghệ sĩ đã về hưu gần 30 năm nhưng nói đến sân khấu, được cống hiến cho khán giả, mắt chú lại ánh lên một lòng yêu nghề. Tôi tự hỏi tại sao gần 90 tuổi rồi, chú không ở nhà cho con cháu chăm sóc, lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm để đến những nơi mà người dân nói tiếng Kinh còn chưa sõi vì gì nhỉ? Tiền ư? Thích đi phượt ư?... tất cả chỉ có duy nhất một lời giải thích đó là vì khán giả. Và tôi lại ước ao, biết bao giờ mình được như chú”.
Nghệ sĩ Trà My viết: “Con không nghĩ là chưa đầy hai tháng mà phải báo đến 4 tin buồn cho nghệ sĩ Việt Nam. Bố ơi! đột ngột quá, chúng con lại mất đi một bậc tiền bối, một nghệ sĩ đáng kính. Vĩnh biệt bố!”.
Diễn viên hài Vân Dung viết: “Buồn quá, sốc quá, thương bố quá! Cuối cuộc đời mà anh em đội hài không ai biết để ở bên cạnh động viên bố. Buồn không tả nổi. Con ân hận lắm vì không vào thăm bố được, bố đi nhanh quá. Sao bố ốm mà bố cũng chẳng nói lấy một lời hay bố giận anh em chúng con à? Sao những ng thân yêu của đội hài cứ lần lượt ra đi thế. Về với anh em đi bố!”
Ca sĩ Minh Quân cũng gửi lời chia buồn: “Xin kính cẩn trước vong linh bố - NSƯT Phạm Bằng và chia buồn cùng toàn thể gia quyến. Lại một người nghệ sỹ lão làng nữa ra đi để lại nỗi nhớ thương vô hạn và những vai diễn để đời cho nền nghệ thuật Việt Nam. Chợt thấy nhớ và thèm cái cảm giác cầm trên tay bát chè bố Bằng giữa cái tiết trời se lạnh này. Một năm có quá nhiều nỗi buồn, quá nhiều nghê sỹ từ biệt trần gian”.
Hà Tùng Long