NSND Quang Vinh:

“Nghe qua tên ca khúc gây sốc tôi cũng có phần... hết hồn”

(Dân trí) - NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục NTBD đã có những chia sẻ khá thẳng thắn và rõ ràng về câu chuyện đặt tên bài hát kiểu gây sốc, phản cảm… gây xôn xao dư luận vừa qua.

Với tư cách là người đứng cầu Cục NTBD, đơn vị quản lý về biểu diễn và sáng tác âm nhạc, ông nghĩ sao về chuyện ngày càng có nhiều bài hát được đặt tựa đề theo kiểu gây sốc, phản cảm… gây ồn ào dư luận vừa qua?

Chuyện đặt tên bài hát theo kiểu gây sốc, phản cảm… gây xôn xao dư luận vừa qua mới chỉ xảy ra trên phạm vi mạng internet. Vì nếu xảy ra dưới dạng phát hành băng đĩa thì Cục NTBD chúng tôi đã “tuýt còi” rồi chứ không để chuyện đó xảy ra tràn lan được.

Thú thật, thời gian qua, do bận bịu quá nên cá nhân tôi cũng chưa nghe được hết tất cả những bài hát đặt tên theo kiểu đó. Tuy nhiên, khi nghe qua những cái tên: “Như lời đồn”, “Như cái lò”, “Xếp hình”, “Thẩm du”, “Nắng cực”… tôi cũng có phần “hết hồn”. Những thể loại âm nhạc này không bao giờ nằm trong tầm suy nghĩ của cá nhân tôi. Dưới gốc độ người hoạt động âm nhạc, tôi cũng không thể chấp nhận được việc đó.

NSND Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục NTBD.
NSND Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục NTBD.

Theo ông, cần phải có những phương cách gì để kiểm soát hiện tượng này và nên đưa ra những chế tài gì để xử lý đối với những cá nhân lợi dụng chuyện này hòng gây sốc, kiếm cớ nổi tiếng?

Thực ra, việc sáng tác ca khúc rồi phổ biến ca khúc trên mạng xã hội hiện nay đang là vấn đề rất khó kiểm soát. Chúng ta không thể áp đặt hoặc bắt buộc họ phải đặt tên kiểu này, đặt tên kiểu kia… theo ý của chúng ta. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những người sáng tác hoặc sản xuất âm nhạc được quyền đặt tên bài hát theo kiểu phản cảm, gây sốc hoặc tác động tiêu cực đến người nghe.

Tôi nghĩ rằng, trước hết, những người sáng tác âm nhạc cần phải có một nền tảng tri thức và cái tầm của người làm văn hoá khi bắt tay tạo ra một sản phẩm văn hoá. Chúng ta cần phải tìm một cái gì đó gần với văn hoá, với thuần phong mỹ tục, với đạo đức nghề nghiệp và thị hiếu của công chúng. Đã gọi là sản phẩm văn hoá thì phải truyền bá văn hoá chứ không phải truyền bá thứ phi văn hoá.

Cơ quan quản lý văn hoá cũng cần phải có những biện pháp thật khoa học và nghiêm khắc khi kiểm soát các sản phẩm âm nhạc này trước khi cho phát hành. Và cần ngăn chặn kịp thời những cái gì đó không thật sự phù hợp với đời sống cộng đồng.

Vậy để kiểm soát và ngăn chặn được hiện tượng này cần phải có sự vào cuộc của những cơ quan nào, thưa ông?

Theo tôi, để có thể hạn chế hoặc đẩy lùi được vấn nạn đặt tên bài hát kiểu gây sốc, phản cảm… cần phải có sự chung tay vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý. Trước hết, cơ quan có quyền kiểm soát những sản phẩm này trên mạng internet chính là Bộ Thông tin – Truyền thông. Bộ này cần phải hết sức nghiêm khắc đối với sự việc này.

Thực tế là các bài hát này hiện nay đang trôi nổi trên một số trang nghe nhạc trực tuyến và mạng xã hội. Đối tượng tiếp cận với những sản phẩm này đa phần là giới trẻ. Chính vì thế, trước khi cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp cụ thể và các chế tài xử lý thì cư dân mạng cũng nên tạo cho mình thói quen nghe nhạc văn minh. Cần phải biết chọn lọc cái gì đáng nghe để làm cho “gu” thẩm mỹ của mình nâng cao lên chứ không nên chạy theo trào lưu để cuối cùng lại biến mình thành “thùng chứa” nhiều thứ không phù hợp.

Ông có nghĩ việc chậm trễ đưa ra các phương án xử lý hiện tượng này sẽ khiến cho mức độ lan truyền ngày càng trầm trọng?

Rõ ràng, mạng internet cũng là một dạng giao lộ thông tin. Tương tự, ngoài đời cũng có các giao lộ giao thông và ở các điểm giao lộ đó vẫn có các cảnh sát cắm chốt để theo dõi. Chúng ta đừng tưởng là các thể loại âm nhạc đó muốn tung hoành ngang dọc thế nào cũng được. Chắc chắn là đang có một cơ quan theo dõi sát những vấn đề này. Chỉ có điều là họ sẽ xử lý lúc nào và mức độ ra sao thôi.

Cục NTBD trong quyền hạn của mình chỉ được phép ban hành các quy định, các chế tài… Còn người kiểm soát và xử lý những sự việc này lại là những người được phân quyền trực tiếp theo quy định của pháp luật.

Lo ngại những sản phẩm này sẽ có những tác động tiêu cực đến công chúng là đương nhiên. Không phải riêng tôi mà giới âm nhạc nghệ thuật nói riêng và cộng đồng có lương tri nói chung đều có sự lo ngại về việc này. Đặc biệt, các bậc phụ huynh có các con đang ở độ tuổi trưởng thành thì lại càng có nhiều nỗi lo. Nhưng tôi nghĩ rằng, ngăn chặn chỉ là giải pháp tạm thời mà cần phải làm điều gì đó mạnh tay hơn để thay đổi ý thức của một số cá nhân.

Nhiều người cho rằng, cơ quan quản lý đang lúng túng trong việc giải quyết vấn nạn này?

Tôi không nghĩ vậy. Cơ quan quản lý cũng có sự phân cấp rõ ràng và được pháp luật quy định. Cục NTBD không thể suốt ngày lọ mọ đi tìm xem ở đâu có những gì chưa đúng mà xử lý. Cục chỉ xử lý những vấn đề nằm trong quyền hạn của mình.

Hiện chúng tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và bổ sung một số nghị định về việc quản lý nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, chúng tôi cũng cân nhắc một số điều liên quan đến việc theo dõi những cá nhân nhiều lần vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Chắc chắn, khi Nghị định này được thông qua, các cơ quan quản lý cấp Sở, Phòng sẽ có tiêu chí rõ ràng để dễ xử lý hơn. Chúng tôi cũng đang mong là Nghị định này sớm hoàn thiện để được ban hành vào Quý II/2019.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm