1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Nếu không phải Truyện Kiều, liệu có tranh cãi bìa sách ầm ĩ đến thế?”

(Dân trí) - “Nếu như đây không phải là Truyện Kiều thì người ta có tranh cãi về cái bìa sách đến mức ầm ĩ thế không? Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi về vụ “tranh cãi có tính lịch sử” này”, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội nhà văn TPHCM chia sẻ.

Thời gian gần đây, rất nhiều những nhận định của độc giả dành cho bìa sách Truyện Kiều. Khá nhiều ý kiến trái chiều, không ít người thẳng thắn cho rằng bìa sách dung tục, gây phản cảm.

Để rộng đường dư luận, Dân Trí có liên hệ với một số nhà văn và các họa sĩ trong Hội Mỹ thuật thành phố để đưa ra những nhận định, ý kiến mang tính chuyên môn.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Đông (Nguyên phó chủ tịch Hội MỹThuật TP. HCM)

“Nếu không phải Truyện Kiều, liệu có tranh cãi bìa sách ầm ĩ đến thế?” - 1

Nguyễn Du là một thi hào vĩ đại của Việt Nam và nhân loại. Sắp đến kỷ niệm ngày sinh của ông, công ty ra cuốn sách là tốt, là cần thiết.

Xưa nay rất nhiều họa sĩ đã vẽ bìa sách minh họa cho Truyện Kiều. Còn bìa minh họa bìa cho Truyện Kiều lần này, tôi thấy toàn bộ màu sắc, hình vẽ và trình bày không có gì sai, cũng không đến nỗi “dâm ô, trụy lạc” hay mọi người nói ngược chiều thì nặng nề quá.

Ở đây tôi thấy họa sĩ đã vẽ theo hình thức đơn tuyến bình đồ rất gần gũi với tranh Đông Hồ. Không gian mở rộng, nhân vật nhỏ và có những yếu tố phụ xung quanh hỗ trợ thêm, không dâm dục như mọi người đặt vấn đề. Vẽ tranh khỏa thân, truyền thống dân gian Việt Nam các cụ cũng vẽ nhiều rồi.

Chỉ có tiếc là cuốn sách họa sĩ trình bày Thúy Kiều bằng nét gợi không gian cây cảnh hoa lá, về bố cục toàn bộ chưa phải là một bìa sách đẹp, chưa được hấp dẫn. Phần trên chữ mảnh khảnh quá, phía trên nhẹ hẫng, dưới thành nặng nề, hơi rối rắm, chưa phải bìa đẹp.

Một điều nữa là khi minh họa bìa sách tác giả nên nghĩ đến tâm lý của đại số đông, cho số đông người xem, mong muốn trong lòng mọi người, tác giả vẽ lên bìa không dẫn dắt được tâm tư của những người từng yêu thích truyện Kiều từ đó dẫn đến việc họ không đồng cảm.

Họa sĩ Xuân Chiểu (Phó Chủ Tịch Hội Mỹ Thuật TP. HCM)

“Nếu không phải Truyện Kiều, liệu có tranh cãi bìa sách ầm ĩ đến thế?” - 2

Nếu để riêng minh họa của Họa sĩ Lê Văn Đệ, tôi thấy không có gì là phản cảm và dung tục, vì rằng nó là một bức minh họa đẹp của một họa sĩ thời kỳ Đông Dương. Vấn đề không được ở chỗ là người họa sĩ thiết kế bìa, đưa nguyên xi một cảnh minh họa trong tổng thể các minh họa trong truyện kiều mà cảnh minh họa đó họa sĩ Lê Văn Đệ chỉ nhằm minh họa một khúc đoạn trong tập truyện kiều. Chính vì vậy đưa hình tượng đó ra làm bìa của tập truyện không nêu được tính tư tưởng của tác phẩm. Ngược lại khi xem bìa, độc giả sẽ có một đánh giá khác về tầm tư tưởng của tác phẩm. Ý kiến của cá nhân tôi đánh giá góc độ chuyên môn, việc họa sĩ thiết kế lấy hình tượng minh họa làm bìa cho tập truyện Kiều của Nguyễn Du là thiếu tính thẩm mỹ, làm giảm rất nhiều nội dung tư tưởng của tác phẩm lớn của Nguyễn Du.

Nhà văn Phan Hoàng (Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP.HCM)

“Nếu không phải Truyện Kiều, liệu có tranh cãi bìa sách ầm ĩ đến thế?” - 3

Bìa sách mới lần này của Truyện Kiều là sự sáng tạo, tìm lối đi mới đáng khuyến khích, cũng là sáng tác của họa sĩ nổi tiếng. Với bìa sách này tôi cảm thấy đẹp chứ không xấu, không dung tục nhưng nó không thể hiện hết được tinh thần của truyện kiều. Nếu minh họa trong truyện thì sẽ phù hợp hơn để ngoài bìa.

Ngoài ra, với văn hóa số đông người yêu thích truyện kiều nó không có được tiếng nói chung vì tư tưởng người Việt chưa được cởi mở, phóng khoáng như phương Tây. Đại đa số còn chưa thực sự chấp nhận những tác phẩm hơi cởi mở, cũng như việc chưa cho phép triển lãm tranh khỏa thân vậy.

Nhà văn, thơ Ngô Hạnh

“Nếu không phải Truyện Kiều, liệu có tranh cãi bìa sách ầm ĩ đến thế?” - 4

Trước đây tôi có dịp làm sách, khi thảo luận về bìa thường căn cứ theo một hình ảnh nào đó được nhắc đến trong cuốn sách hoặc tựa sách, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ là dùng hẳn một hình ảnh sinh động, đẹp, không liên quan đến nội dung nhưng lại lạ và bắt mắt.

Bìa sách như cái áo của một cô gái, nhưng phải cân nhắc thật kỹ khi làm bìa, vì cô gái có thể thay áo còn bìa sách thì còn mãi, chỉ có thể thay nó khi tái bản nhưng những cuốn sách đã phát hành đã mang chiếc áo đó rồi. Chúng ta có thể đánh giá nhân cách của một cô gái qua chiếc áo cô ấy đang mặc sao? Nếu như vậy thì quá hời hợt.

Với bìa sách "Truyện Kiều" vừa được xuất bản, tôi thấy lạ, ngỡ ngàng bởi trước giờ chưa ai nghĩ đến sẽ có một bìa sách như thế, một "tòa thiên nhiên" được cách điệu và phơi bày. Như thế có gì sai? Tôi nghĩ để ngợi ca được cái đẹp, người đọc cần cởi mở hơn. Mỗi họa sĩ vẽ bìa có một cách nghĩ, nếu bìa sách lần này cũng là vẽ kiều cầm đàn Tì bà thì đi vào lối mòn rồi?

Bìa sách lần này lạ, không có gì gọi là dung tục vì đây là hình vẻ cách điệu, đâu phải là hình chụp phô bày thân thể đâu! Tôi thích sự thay đổi, khoan nói sự thay đổi đó có mang tính tích cực hay không, vì phải có thay đổi, cuộc sống mới không nhàm chán."

Nhà thơ Nguyệt Phạm

“Nếu không phải Truyện Kiều, liệu có tranh cãi bìa sách ầm ĩ đến thế?” - 5

Bìa sách Truyện Kiều tôi không thấy dung tục, tôi chỉ cảm thấy bìa sách này giới thiệu tới cho rất nhiều người biết một minh họa truyện Kiều của họa sĩ nổi tiếng. Bức tranh minh họa theo phong cách vừa cũ, vừa thể hiện tinh thần mới táo bạo, thêm nữa là tôi thấy cộng đồng facebook chưa rõ trước sau, chỉ thấy bức tranh là nghĩ ngay nó dung tục, nghĩ ngay đến đơn vị phát hành không kiểm duyệt, nghiên cứu gì trước. Mọi rất võ đoán, chưa hiểu hết mọi việc nhưng vẫn có thể đăng đàn để phản đối rất mạnh mẽ.

Nhà văn Trần Nhã Thụy (Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM)

“Nếu không phải Truyện Kiều, liệu có tranh cãi bìa sách ầm ĩ đến thế?” - 6

“Đây là một bìa sách… bình thường” (!)

“Nếu như đây không phải là Truyện Kiều thì người ta có tranh cãi về cái bìa sách đến mức ầm ĩ thế không?” Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi về vụ “tranh cãi có tính lịch sử” này. Tôi gọi như thế vì thấy có nhiều nhà văn, họa sĩ, nhà văn hóa, dịch giả… thời danh cũng tham gia vào tranh luận, khen chê về một cái bìa sách này. Người khen đẹp, kẻ chê xấu. Người cho là trang nhã, kẻ kêu là dung tục. Dường như ai cũng có cái lý của mình, và sự tranh cãi dường như không có hồi kết thúc.

Theo tôi, bìa sách là công việc của họa sĩ - người thiết kế bìa. Họ có chuyên môn và thẩm quyền để làm công việc của họ. Bìa sách không chỉ là cái tranh minh họa, mà nó còn là màu sắc, phông chữ, kết cấu… Cho nên, nếu như họa sĩ chọn tranh của Lê Văn Đệ (“Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”) mà không chọn tranh Nguyễn Gia Trí, hay Tô Ngọc Vân… là có lý của họ. Trước hết, chúng ta nên tôn trọng họa sĩ thiết kế bìa. Đẹp hay xấu là vô cùng. Đúng hay sai (trong trường hợp này) cũng thật khó nói. Không nên vì mình không thích mà nâng quan điểm, đánh tráo khái niệm, và lao vào nhau kiểu “bỏ bóng đá người” thì thật nguy hiểm. Cách đây mấy năm, khi tôi viết bài báo nhỏ “Bìa sách… thời của khoe hàng” thì chính một “ngôi sao” của Nhã Nam cũng dùng những lời xách mé, dạy dỗ, cuối cùng “chốt hạ”: “Thật tội nghiệp cho phụ nữ có thân hình đẹp”. Ơ hay, tôi đang nói chuyện “khoe hàng” trên bìa sách thì anh ta lại dẫn dắt sang “cái đẹp thân thể phụ nữ trong cuộc sống”(!)

Bây giờ thì chuyện đánh tráo khái niệm và nâng quan điểm đạo đức đang lặp lại với một bìa sách của Nhã Nam. Trong khi đại diện phía Nhã Nam khẳng định đây là một bìa sách nghệ thuật, tranh vẽ thì của Lê Văn Đệ - vốn là họa sĩ hàng đầu VN; thì cũng có rất nhiều ý kiến “phản pháo” lại, thậm chí nâng quan điểm quy chụp nặng nề.

Với cái nhìn của cá nhân tôi thì đây là một bìa sách… bình thường. Tranh của Lê Văn Đệ dùng để chọn làm bìa cũng không phải là tranh đẹp (tất nhiên là theo ý kiến cá nhân tôi). Và, nếu được chọn, tôi sẽ chọn tranh của Nguyễn Gia Trí (vẽ Kiều “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh”…). Một bìa sách bình thường, nghĩa là đạt chuẩn của một bìa sách, thì việc anh có cố tình “dìm hàng” hay “nâng bi”, nó cũng… bình thường thôi. Trong trường hợp này, tôi nghĩ, về phía Nhã Nam lên bình tĩnh, lắng nghe các ý kiến. Và, có thể nhân cơ hội này tổ chức một cuộc thi thiết kế bìa Truyện Kiều, chọn ra một bìa đẹp nhất cho lần tái bản sau này. Còn những người yêu Nguyễn Du, say đắm Truyện Kiều, có thể vô tư trình bày quan điểm của mình, nhưng không vì thế mà xa rời vấn đề chuyên môn, đặc biệt là “nâng quan điểm” hết sức nguy hiểm.

Nói chuyện ra ngoài cái bìa sách một chút, Truyện Kiều của Nguyễn Du có hai câu, mà theo tôi là “thậm hay”: “Lạ gì bỉ sắc tư phong/Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Thói đời là vậy, xưa nay đều vậy. Hiểu được vậy, nên hiểu chuyện cái bìa sách kia, chẳng qua cũng là một cơn cớ mà thôi.

Băng Châu

“Nếu không phải Truyện Kiều, liệu có tranh cãi bìa sách ầm ĩ đến thế?” - 7