Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:

“Nên có tượng đài cố nhạc sĩ Văn Cao đặt ở phố Văn Cao, Hà Nội”

(Dân trí) - Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hoạ sỹ Văn Thao - Con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao rất tán thành với ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc là nên có một tượng đài bán thân nhạc sĩ Văn Cao đặt ngoài trời.

Trong một cuộc tọa đàm về việc tổ chức không gian tại quảng trường 19/8 (trước Nhà hát Lớn) vào tháng 9/2014, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đề xuất với lãnh đạo Hà Nội về việc dựng tượng bán thân nhỏ của cố nhạc sĩ Văn Cao đặt tại vườn hoa Cổ Tân và một biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng được cách điệu đặt tại vị trí phù hợp trong quảng trường 19/8.

“Nếu hỏi những nhân chứng lịch sử, những người đã sống trong không khí cách mạng tháng Tám 1945, cũng như tất cả tài liệu các nhà làm sử nghiên cứu thấy thì có hai biểu tượng thôi thúc mọi người chính là lá cờ đỏ sao vàng và bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Phải chăng chúng ta nên lấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được cách điệu bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặt trên một không gian tương xứng trước cửa Nhà hát Lớn? Và bên cạnh không gian Nhà hát Lớn có một công viên nhỏ (Công viên Cổ Tân) nên có bức tượng bán thân của nhạc sĩ Văn Cao, tác giả của Quốc ca Việt Nam”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Chân dung cố nhạc sĩ Văn Cao bên cây đàn Piano. Ảnh: TL.
Chân dung cố nhạc sĩ Văn Cao bên cây đàn Piano. Ảnh: TL.

Hoạ sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Họa sỹ Văn Thao - Con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng rất tán thành với ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Hoạ sỹ Trần Khánh Chương cho rằng: “Theo tôi là nếu có chủ trương làm tượng cố nhạc sĩ Văn Cao, người được giải thưởng Hồ Chí Minh, lại là tác giả của Quốc ca thì rất đáng hoan nghênh. Nhạc sĩ Văn Cao quá xứng đáng được làm tượng để tôn vinh. Vấn đề bây giờ là đặt tượng ở đâu cho hợp lý.

Tôi nghĩ rằng, ở Hà Nội đã có đường phố mang tên cố nhạc sĩ Văn Cao rồi, giờ chỉ cần có vườn hoa nho nhỏ trên con đường ấy và đặt tượng cố nhạc sĩ ở đó là tốt nhất.

Vườn hoa đó không nhất thiết phải quá lớn, chỉ cần vài trăm m2 và đặt tượng ông ở đó. Còn nếu đặt tượng ông ở trong công viên lớn thì lại hơi chướng, công viên lớn đặt tượng nhiều nhạc sĩ ở đó thì được. Chẳng hạn như “Công viên Âm nhạc” trong đó đặt tượng của nhiều nhạc sĩ là những người đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh. Và tôi nghĩ, không chỉ có nhạc sĩ Văn Cao thôi đâu, các nhạc sĩ nổi tiếng khác cũng thế, chỗ nào có đường phố mang tên họ thì nên đặt tượng họ ở đó. Tất nhiên là đặt trong không gian của một vườn hoa nho nhỏ chứ không phải đặt bên lề đường hay giữa giải phân cách.

Việc đặt tượng ở đâu và phối cảnh như thế nào cho hợp lý chắc chắn sẽ là bài toán mà các nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc cùng mỹ thuật sẽ phải ngồi với nhau”.


Một bức tượng sáp thể hiện tư thế cố nhạc sĩ Văn Cao đang chơi đàn. Ảnh: TL.

Một bức tượng sáp thể hiện tư thế cố nhạc sĩ Văn Cao đang chơi đàn. Ảnh: TL.

GS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Theo như tôi biết, việc dựng tượng đài các văn nghệ sĩ đặt ở ngoài trời tại các điểm công cộng hiện nay ở Hà Nội mình chưa có. Ở Pháp, Nga, Đức, Ý... chuyện dựng tượng đài các danh nhân văn hóa tại các điểm công cộng ngoài trời rất phổ biến. Tượng đài của các nhạc sĩ nổi tiếng đúc bằng đồng cũng được đặt rất nhiều tại những nơi gắn bó với họ lúc sinh thời như nhà hát, trường học, điểm biểu diễn... Thậm chí, tượng còn được tạc với tư thế rất sinh động như: đang kéo violon, đang đánh dương cầm, đang chỉ huy dàn nhạc....

Cá nhân tôi cho rằng, việc dựng tượng đài nhạc sĩ Văn Cao là việc đáng ủng hộ. Việc đó thể hiện sự tri ân của Nhà nước, của nhân dân đối với những cống hiến lớn lao của ông cho nền âm nhạc cách mạng. Tuy nhiên, nếu đã đề xuất như thế thì bên cạnh cố nhạc sĩ Văn Cao cũng có rất nhiều tên tuổi khác đáng được dựng tượng lắm. Chẳng hạn như: nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Hu Tưởng... Việt Nam chúng ta trước nay mới chỉ dựng tượng các chính trị gia còn chưa có tiền lệ dựng tượng các văn nghệ sĩ lớn. Nó khác với nước ngoài là bên cạnh việc dựng tượng các chính trị gia họ còn dựng rất nhiều tượng của những thiên tài văn hóa - nghệ thuật và đến bây giờ họ vẫn đang tiếp tục dựng.

Tôi cho rằng, chúng ta nên đưa ra nhiều ý kiến để đóng góp và nếu ý tưởng này được thực hiện thì cũng cần phải bàn bạc rất kỹ giữa các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực”.

Hoạ sĩ Văn Thao, con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Đào Bích.
Hoạ sĩ Văn Thao, con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Đào Bích.

Hoạ sĩ Văn Thao: “Nếu Nhà nước hoặc TP. Hà Nội định tạc tượng bố tôi là nhạc sĩ Văn Cao để đặt ở vườn hoa, công viên hay địa điểm công cộng nào đó thì quả là một vinh dự của đại gia đình chúng tôi. Tôi thật sự rất lấy làm cảm kích về điều đó.

Bố tôi đã có một bức tượng bán thân đặt trong khuôn viên trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Hải Phòng rồi giờ có thêm một bức tượng của ông đặt ở Hà Nội thì đáng mừng quá. Bởi ông sinh ra ở đất Cảng nhưng phần lớn cuộc đời ông lại sinh sống và hoạt động âm nhạc ở Hà Nội.

Việc dựng tượng ông không phải là yêu cầu của gia đình nhưng nếu được sự đồng thuận của Đảng, Nhà nước và nhân dân thì cảm kích lắm. Việc đặt tượng ông ở đâu hiện tại tôi vẫn chưa có ý kiến gì vì cái này còn liên quan đến chuyện quy hoạch đô thị hoặc kiến trúc đô thị. Chỉ khi nào ý tưởng này có cơ hội thành hiện thực và phía đơn vị thực hiện tham khảo ý kiến chúng tôi thì chúng tôi sẽ họp bàn cả gia đình rồi mới đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, với cá nhân tôi thì tượng ông được đặt ở không gian nào miễn trang trọng và thành kính là được”.

Hà Tùng Long