Múa Chăm ở Bình Thuận - nghệ thuật dân gian độc đáo

Mai Vân

(Dân trí) - Nghệ thuật múa Chăm cùng tồn tại, phát triển với âm nhạc, ca hát, là sản phẩm nghệ thuật quý giá trong nền văn hóa Champa.

Đồng bào Chăm là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông nhất (chiếm 38,98%) trong 34 dân tộc thiểu số tại Bình Thuận.

Từ xa xưa, người Chăm đã có một nền văn hóa phát triển rực rỡ. Trong đó, nghệ thuật múa Chăm được hình thành và phát triển theo nhịp điệu cuộc sống, tồn tại cùng các lễ hội và tín ngưỡng của văn hóa dân tộc Chăm qua các thời kỳ.

Nghệ thuật múa Chăm ở Việt Nam nói chung, ở Bình Thuận nói riêng rất phong phú, đa dạng và độc đáo, đóng vai trò rất quan trọng trong các nghi lễ của người Chăm như: Katé, Rija Praong, Rija Dayap, Rija Harei, Rija Nagar…

Múa Chăm ở Bình Thuận - nghệ thuật dân gian độc đáo - 1

Những điệu múa Chăm hàm chứa đầy đủ bản sắc, giá trị nghệ thuật, là một thành tố của nghệ thuật biểu diễn Chăm (Ảnh: Mai Vân).

Đạo cụ chủ đạo trong múa Chăm là chiếc quạt xếp. Tùy theo điệu múa có thể dùng hai chiếc quạt, hoặc một chiếc quạt.

Ngoài ra, có thể dùng một số đạo cụ khác như chiếc khăn, cây chèo thuyền, cây mía, cây roi, kiếm, linga. Đối với điệu múa Chăm, các động tác cơ bản cần phải tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định: Thân hình luôn luôn giữ thẳng đứng trong khi múa; hai chân luôn khép lại với nhau trước khi nhón gót chân lên xuống; động tác tay không đưa lên vượt khỏi đầu.

Múa Chăm ở Bình Thuận - nghệ thuật dân gian độc đáo - 2

Đạo cụ chủ đạo trong múa Chăm là chiếc quạt xếp (Ảnh: Mai Vân).

Các điệu múa dân gian thường đi đôi với điệu nhạc trống Ginang, kèn Saranai, trống Baranâng và chiêng, hòa thành giai điệu rộn ràng, thôi thúc nhưng cũng không kém phần sâu lắng, đi sâu vào tâm thức người nghe.

Hai yếu tố có phần trái ngược nhau này không thể tách rời nhau trong nghệ thuật múa Chăm, tạo thành một thể thống nhất theo quy luật âm dương. Đó là đặc trưng trong múa dân gian của người Chăm ở địa phương.

Múa Chăm ở Bình Thuận - nghệ thuật dân gian độc đáo - 3

Các điệu múa Chăm gắn liền với điệu nhạc trống Ginang, kèn Saranai, trống Baranâng và chiêng, tạo thành một thể thống nhất theo quy luật âm dương (Ảnh: Mai Vân).

Nghệ thuật múa Chăm cùng tồn tại, phát triển với âm nhạc, ca hát, là sản phẩm nghệ thuật quý giá của nền văn hóa Champa.

Nó tham gia vào nhiều sinh hoạt văn hóa, xã hội người Chăm, là đòi hỏi thực tiễn của xã hội trong tiến trình lịch sử, hình thành văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian Chăm cũng như những giá trị văn hóa của dân tộc Chăm trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Múa Chăm ở Bình Thuận - nghệ thuật dân gian độc đáo - 4

Nghệ thuật múa Chăm cùng với âm nhạc, ca hát, là sản phẩm nghệ thuật quý giá của nền văn hóa Champa (Ảnh: Mai Vân).

Ngày 28/5/2021 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 28 - KH/TW về việc thực hiện Kết luận số 76 - KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", trong đó xác định quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chú ý các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm