Một số loại nấm mọc tự nhiên cực độc bạn cần biết

Nguyên An

(Dân trí) - Nấm là loại thực phẩm được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên phải rất thận trọng trong việc lựa chọn loại thực phẩm này vì có rất nhiều loại nấm chứa chất độc nguy hiểm tới tính mạng.

Khí hậu ở Việt Nam rất thích hợp cho hệ thực vật, trong đó có nấm sinh sôi và phát triển. Sau những trận mưa đầu mùa hạ là lúc các loại nấm tự nhiên phát triển mạnh. Bên cạnh những loài nấm ăn được, có không ít các loại nấm độc và cực độc.

Một vài loại nấm chứa độc tố gây chết người (Amatina phalloides, A.verna…). Một số loại nấm ăn vào gây nhiều bệnh về tiêu hóa, gan, thận, thần kinh…

Nếu ăn nhiều, không được điều trị kịp thời dễ gây tử vong. Ngoài ra, có một số nấm tiết độc tố ra môi trường sinh trưởng như đất, phân, nước… Các loại rau, củ trồng trên môi trường đó cũng sẽ bị nhiễm độc. 

Nấm đỏ

Trước hết không bao giờ ăn các loại nấm có màu sắc sặc sở như nấm đỏ, nấm xốp hồng… Có một số loài nấm nhìn bề ngoài rất giống nấm rơm, nấm đùi gà,... nhưng cực độc, nhưng rất giống với nấm ăn được rất dễ đánh lừa người đi vào rừng hái nấm hoặc người tiêu dùng mua nấm ngoài chợ về ăn.

Một số loại nấm mọc tự nhiên cực độc bạn cần biết - 1

Nấm đỏ (Ảnh: Internet).

Nấm đen nhạt

Còn gọi là nấm xanh đen, nấm bìu - tên khoa học là Amanita phaloides thuộc họ nấm tán Amanitaceae. Loại này quả nấm thường có màu xanh ôliu hay xanh đen, lúc đầu mũ có hình bán cầu sau trải phẳng, đường kính khoảng 6-12cm, phiến nấm màu trắng, cuống và vòng màu trắng, chân cuống nấm phình dạng củ.

Thịt nấm mềm màu trắng, khi non có mùi thơm ngọt, già thì có mùi khó chịu. Nấm thường mọc đơn độc hoặc thành cụm ở trên mặt đất rừng hoặc bãi cỏ.

Một số loại nấm mọc tự nhiên cực độc bạn cần biết - 2

Nấm đen nhạt (Ảnh: Internet).

Đây là loại nấm cực độc, chỉ khoảng 30g nấm (một miếng nhỏ bằng ngón tay út) cũng đủ giết chết một người trưởng thành. Theo các số liệu ghi lại, có đến trên 90% các ca ngộ độc nấm chết người ở châu Âu và châu Mỹ là do nạn nhân ăn phải loại nấm này. Chất độc trong nấm phát huy tác dụng chậm, thường là sau 8-12 giờ kể từ khi ăn, đôi khi phải sau 72- 96 giờ.

Hoạt chất gây độc trong nấm được xác định là phallotoxin và amanitin (các đồng phân alpha, bêta và gamma). Riêng alpha amanitin có thể gây chết người chỉ với 5 - 10mg. Khi vào cơ thể các chất độc đến gan ngăn cản và phá hủy các RNA và các protein, giết chết các tế bào và gây tử vong.

Nấm tán trắng

Tên khoa học là Amanita verna họ nấm tán Amanitaceae. Quả nấm màu trắng, đôi khi ở giữa có màu vàng bẩn, bề mặt khi thời tiết khô thì nhẵn bóng, khi trời ẩm thì ướt và dính.

Phấn nấm màu trắng, đường kính khoảng 5 - 10cm, cuống và vòng cũng màu trắng, chân phình dạng củ. Loại này hay mọc ở ven rừng, ven đường hoặc trên bãi cỏ. Nấm này cũng rất độc và đặc biệt là hình thức rất "hiền lành trắng trong" nên dễ khiến người ta nhầm. Thực tế ở nước ta đã có nhiều người ăn và tử vong vì loại nấm này.

Một số loại nấm mọc tự nhiên cực độc bạn cần biết - 3

Nấm tán trắng (Ảnh: Internet)

Hoạt chất gây độc của nấm tán trắng là amatinin với cơ chế gây độc giống với nấm đen nhạt.

Để phân biệt được nấm ăn và nấm độc cần có nhiều kinh nghiệm cũng như những hiểu biết cần thiết về chuyên ngành nấm. Có rất nhiều trường hợp trông hình dạng bên ngoài nấm độc rất giống nấm ăn được cho nên phải hết sức thận trọng.

Tóm lại, không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc đó chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt. Không ăn loại nấm khi cắt mà vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa. Tốt nhất là không nên ăn các loại nấm có nghi ngờ, không rõ nguồn gốc... bao gồm cả các loài nấmmọc tự nhiên trong rừng.