Món bánh trôi nước ngộ nghĩnh, đẹp "không nỡ ăn" của mẹ đảm Hà thành
(Dân trí) - Tranh thủ thời gian ở nhà vì giãn cách xã hội, chị Phương Mai bắt đầu vào bếp, trổ tài nấu món bánh trôi nhiều màu sắc với hình thù ngộ nghĩnh, tự tạo niềm vui cùng con vượt qua mùa dịch.
Chị Phạm Phương Mai (sống ở Hà Nội) có một cô con gái 6 tuổi. Dù còn nhỏ nhưng bé rất thích xem các kênh YouTube có nội dung về làm đồ handmade như làm thiệp, vẽ tranh, nặn đất sét,...
Trước đó, chị Mai cũng thường mua đất sét Nhật về nặn chơi với con. Trong quá trình sáng tạo với đất nặn, chị đã nảy ra ý tưởng biến tấu sang một chất liệu độc đáo hơn, vừa thỏa mãn đam mê, vừa có thể thưởng thức món ngon hấp dẫn. Đó chính là tạo hình ngộ nghĩnh cho món bánh trôi nước.
Trước đây, do việc kinh doanh bận rộn, chị Mai không thường xuyên vào bếp. Trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, công việc bị đóng băng hoàn toàn, chị có nhiều thời gian rảnh nên mới bắt đầu lên mạng xem các video hướng dẫn nấu ăn để phục vụ gia đình. Càng làm càng ham, người phụ nữ trẻ thấy thích thú với chuyện nấu nướng và mày mò trổ tài những món ăn dễ làm nhưng không kém phần bổ dưỡng, hấp dẫn.
Vốn theo nghề làm móng, do tính chất công việc luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung và sáng tạo nên nữ gia chủ không gặp quá nhiều khó khăn khi tạo hình bánh trôi nước, kể cả các chi tiết nhỏ nhất.
Để thực hiện món bánh truyền thống, chị Mai chỉ cần chuẩn bị vài nguyên liệu đơn giản gồm bột nếp, bột gạo, đường, đậu xanh, nước cốt dừa. Để bánh trôi thơm và dễ tạo hình hơn, chị cho thêm 1/2 - 1 củ khoai lang đã hấp chín, nghiền nhuyễn vào trộn cùng bột.
"Nhồi bột đến đâu thì cho nước ấm già đến đấy để bột không bị nhão. Nhồi đều tay đến khi bột dẻo mịn là đạt. Để bột nghỉ khoảng 30-45 phút là có thể mang ra phối màu và tạo hình.
Phần nhân bánh trôi chủ yếu là đậu xanh, cách sên nhân gần giống với nhân đậu xanh của bánh trung thu. Muốn nhân đậu thơm bùi hơn, các bạn có thể cho nước cốt dừa và dừa sợi vào sên cùng. Nước ăn kèm bánh trôi thì nấu đơn giản, chỉ cần cho đường và vài lát gừng để dậy mùi thơm", chị Mai nói.
Để món ăn sáng tạo và hấp dẫn hơn, gia chủ chọn làm bánh với ba kiểu tạo hình chính là liên hoa, cúc họa mi và chủ đề Halloween. Với ý tưởng bánh trôi liên hoa, chị sử dụng khuôn có sẵn để tạo hình thuận tiện và thành phẩm đẹp mắt. Hai chủ đề sáng tạo còn lại, chị thực hiện hoàn toàn theo phương pháp thủ công.
Sắp tới sự kiện Halloween (Ngày hội hóa trang ma quỷ) vào cuối tháng 10, người mẹ trẻ muốn mang đến cho cô con gái nhỏ một món quà đặc biệt để bé có thêm những kỷ niệm thú vị trong tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi.
Vì thế, chị quyết định tạo hình bánh trôi thành những chi tiết liên quan đến ngày lễ thú vị, giúp con gái có thêm trải nghiệm ấn tượng và được thưởng thức món ngon ngộ nghĩnh "có một không hai".
Để thành phẩm trông hấp dẫn mà lại đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình, chị Mai sử dụng bột rau củ sấy lạnh rồi tạo màu cho bánh trôi. Ví dụ màu đỏ từ bột củ dền, màu vàng cam từ bột bí đỏ hay màu xanh từ bột trà, màu tím của bột khoai lang tím, màu đen của tinh than tre,...
Tuy nhiên, màu tự nhiên có nhược điểm là khi gặp nhiệt độ cao thì tông màu sẽ bị nhạt dần. Nếu muốn thành phẩm nổi bật và đậm màu hơn, mọi người có thể dùng màu thực phẩm của một số hãng uy tín như wilton, unicorn, rayner's,... Tất cả các công đoạn làm bánh đều khá nhanh, chỉ khâu ủ bột và tạo hình là hơi lâu. Để hoàn thiện món bánh trôi với tạo hình đơn giản, mình tốn khoảng 60 - 90 phút", người phụ nữ trẻ chia sẻ.
Chị Mai cũng lưu ý thêm, khi tạo hình cho bánh nên bọc phần bột chưa dùng đến lại để tránh làm bột bị khô nứt. Bánh trôi là loại bánh rất nhanh chín, chỉ cần bật bếp đun sôi nước lăn tăn rồi thả bánh nhẹ nhàng vào. Khi bánh nổi lên thì vớt ra, ngâm vào bát nước lạnh cho bánh được săn lại, không bị vỡ nét.
Tự tay làm món bánh yêu thích, chị Mai không chỉ có thêm kinh nghiệm bếp núc mà còn khiến các thành viên trong gia đình cảm thấy ngạc nhiên, bất ngờ vì sự khéo léo, chỉn chu của mình.
Nhìn con gái thích thú và thưởng thức ngon lành món bánh trôi đẹp mắt mẹ làm, chị tràn ngập hạnh phúc và có động lực để tiếp tục trổ tài nhiều món ăn hấp dẫn hơn nữa.
"Trước khi mình lấy chồng, bố mẹ lo lắng lắm vì mình không giỏi nội trợ. Nhưng bây giờ chắc bố mẹ hết lo rồi khi thấy mình cố gắng cải thiện khả năng bếp núc. Mỗi lần làm được món gì ngon là mình phải mang biếu tứ thân phụ mẫu trước đã, lúc đấy mình mới cảm thấy vẹn toàn. Với mình, vào bếp nấu nướng không chỉ là thú vui mùa dịch mà còn là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình", chị Mai bày tỏ.