Quảng Nam:

Mở lớp truyền vai hát bội theo di nguyện của GS. Hoàng Châu Ký

(Dân trí) - Lớp truyền vai hát bội dành cho thiếu nhi vừa mới được khai giảng ở TP. Hội An (Quảng Nam). Lớp học đặc biệt này hoạt động từ nguồn tài trợ của Quỹ Hoàng Châu Ký (1921 - 2008) theo di nguyện của nhà hoạt động văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu sân khấu dân gian nổi tiếng quê hương xứ Quảng.

Lớp truyền vai hát bội dành cho thiếu nhi vừa khai giảng và hoạt động tối thứ 7 hàng tuần tại nhà số 39 đường Nguyễn Thái Học, TP Hội An
Lớp truyền vai hát bội dành cho thiếu nhi vừa khai giảng và hoạt động tối thứ 7 hàng tuần tại nhà số 39 đường Nguyễn Thái Học, TP Hội An

Khóa học đầu tiên có 13 học sinh là các em thiếu nhi yêu thích nghệ thuật sân khấu dân gian, đặc biệt là hát bội, hát tuồng, những môn nghệ thuật sân khấu dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt - văn hóa ở Quảng Nam nói riêng và nhiều tỉnh, thành ở miền Trung nói chung. Tối thứ 7 hàng tuần, các học sinh sẽ đến nhà cổ số 39 Nguyễn Thái Học, Hội An để được vợ chồng nghệ sĩ tuồng Lê Phú Hải - Hồ Thị Ánh Hoa dạy truyền vai, để có thể hóa thân thành các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi...

Vợ chồng nghệ sĩ tuồng Lê Phú Hải - Hồ Thị Ánh Hoa đảm nhiệm dạy truyền vai hát bội cho các học trò nhỏ
Vợ chồng nghệ sĩ tuồng Lê Phú Hải - Hồ Thị Ánh Hoa đảm nhiệm dạy truyền vai hát bội cho các học trò nhỏ

Nhiều du khách dõi theo từ bên ngoài lớp học nghệ thuật sân khấu dân gian đặc biệt ở Hội An ngay buổi khai giảng
Nhiều du khách dõi theo từ bên ngoài lớp học nghệ thuật sân khấu dân gian đặc biệt ở Hội An ngay buổi khai giảng

Vợ chồng nghệ sĩ Lê Phú Hải - Hồ Thị Ánh Hoa biểu diễn trong buổi khai giảng lớp truyền vai hát bội dành cho thiếu nhi ở Hội An

Nói về lớp học đặc biệt này và cả tên gọi “lớp truyền vai hát bội”, ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An chia sẻ: “Lớp học hoạt động với nguồn Quỹ Hoàng Châu Ký mang tên nhà hoạt động văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu sân khấu dân gian nổi tiếng quê gốc ở Hội An, Quảng Nam. Đây là di nguyện của giáo sư, người đã dành cả đời và cho đến khi qua đời vẫn trăn trở làm sao giữ ngọn lửa nghệ thuật sân khấu dân gian trong đời sống, và kỳ vọng lớp trẻ kế thừa. Chúng tôi rất trân trọng tấm lòng ấy của giáo sư và cả gia đình giáo sư. Từ đó, tận tâm tận lực làm sao để lớp học được mở ra và hoạt động hiệu quả. Làm sao để như GS. Hoàng Châu Ký đã nói rằng trải bao biến thiên lịch sử - văn hóa - xã hội, nghệ thuật sân khấu có lúc thăng lúc trầm, nhưng biết cách làm thì trầm rồi sẽ thăng. Đặt tên lớp học là “lớp truyền vai hát bội”, chúng tôi không đặt kỳ vọng quá lớn lao là đào tạo ra những diễn viên tuồng, mà từ từng bước nhỏ, từ cách hóa thân vào một vai diễn cụ thể, nhen nhóm ngọn lửa đam mê, lòng trân trọng đối với kho báu nghệ thuật sân khấu dân gian từ các em thiếu nhi theo lớp học này”

GS. Hoàng Châu Ký (1921 - 2008) quê hương ở Cẩm Kim (Hội An, Quảng Nam), là nhà hoạt động văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu sân khấu dân gian Việt Nam. Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Ca kịch dân tộc Việt Nam (nay là ĐH Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội), nguyên Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sân khấu - Bộ Văn hóa.

GS. Hoàng Châu Ký đặc biệt có nhiều đóng góp lớn trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát triển và truyền bá nghệ thuật tuồng. Ông đã sáng tác hơn 20 vở tuồng như Ông Ích Khiêm, Nguỵễn Huệ, Quang Trung, Vua Duy Tân, Trưng Nữ vương, Nguyễn Duy Hiệu, Cao Doãn, Thái tử Câu La Na, Trần Quý Cáp, cải biên, chỉnh lý nhiều vở tuồng cổ như Nghêu sò ốc hến, Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu. Ông còn xuất bản nhiều sách nghiên cứu về tuồng.

Khánh Hiền