Mẹo hay bảo quản khoai tây lâu ngày không mọc mầm

Nguyên An

(Dân trí) - Trong thời điểm giãn cách xã hội, khoai tây là thực phẩm được nhiều gia đình sử dụng. Bảo quản đúng cách khoai tây có thể kéo dài thời hạn sử dụng và ngăn ngừa tình trạng mọc mầm, thối, hỏng.

Khoai tây là một trong những loại củ được sử dụng rộng rãi, phổ biến và được nhiều bà nội trợ lựa chọn trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình mình. Khoai tây rất bổ dưỡng, tuy nhiên, một số người lại có thói quen mua nhiều khoai tây về dùng dần và không cách biết cách bảo quản dẫn đến chúng bị mọc mầm, thối, mốc... khiến cho loại thực phẩm cực kỳ nguy hại cho sức khỏe.

Vậy làm sao để tích trữ khoai tây số lượng lớn trong nhiều tháng vẫn tươi ngon và an toàn? Bạn hãy áp dụng ngay các mẹo bảo quản khoai tây lâu ngày không mọc mầm, không bị hỏng dưới đây nhé.

Mẹo hay bảo quản khoai tây lâu ngày không mọc mầm - 1

Khoai tây là thực phẩm nên tích trữ trong mùa dịch (Ảnh: Internet). 

Bảo quản với nhiệt độ phù hợp

Một cách hiệu quả để bảo quản khoai tây là làm mát chúng. Nhiệt độ thích hợp nhất để bảo quản khoai tây là từ 6-10 độ C. Nếu bảo quản đúng cách ở nhiệt độ này thì khoai có thể thơm ngon đến vài tháng.

Bạn có thể để khoai tây trong túi lưới hoặc để vào chiếc rổ, không khí được lưu thông, điều hòa độ ẩm. Trong thời gian bảo quản, bạn nên kiểm tra khoai tây định kỳ mỗi tuần để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, tránh lây nhiễm sang những củ khoai tây khác.

Tuyệt đối không bảo quản khoai tây trong ngăn đông tủ lạnh bởi nếu làm vậy lượng nước bên trong khoai tây có thể nở ra, hình thành các tinh thể phá vỡ cấu trúc thành tế bào, khiến chúng bị biến chất, hỏng mùi vị và màu sắc sau khi sử dụng.

Khi ở nhiệt độ quá lạnh, tinh bột trong khoai sẽ chuyển hóa thành đường, khi nướng hoặc chế biến ở nhiệt độ cao, đường trong khoai sẽ sản xuất acrylamide hóa học, gây hại cho sức khỏe người dùng.

Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời

Khoai tây vốn là loại củ ưa tối nên nếu gặp ánh nắng mặt trời có thể khiến vỏ khoai tây sinh chất diệp lục, chuyển sang màu xanh. Dưới điều kiện ánh sáng, diệp lục có thể tạo ra lượng lớn chất hóa học độc hại có tên solanine. Ăn phải khoai tây vỏ xanh khiến bạn có cảm giác đắng, nóng rát ở miệng.

Không nên rửa khoai tây trước khi đem đi bảo quản

Nhiều người có thói quen đem rửa khoai tây trước khi đem đi bảo quản để làm sạch bụi bẩn trên vỏ. Tuy nhiên, nếu làm vậy thì độ ẩm trên vỏ khoai tây có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm và vi khuẩn, khiến chúng nhanh hỏng hơn.

Nếu bạn muốn làm sạch đất bám bên ngoài, tốt nhất chỉ cần lấy miếng vải, hoặc bàn chải khô cọ nhẹ là củ khoai sẽ sạch ngay.

Các dấu hiệu của một củ khoai cần loại bỏ:

Vỏ khoai tây dần chuyển sang màu xanh, củ khoai sẽ bị mềm và hơi héo, nguyên nhân có thể do tiếp xúc với ánh sáng. Nếu khoai chỉ có một chút xanh, hãy cắt bỏ phần xanh trước khi nấu.

Khoai bị mọc mầm: thường kèm theo vỏ xanh và thịt khoai đã mềm. Nếu khoai không quá mềm và mầm không xanh thì bạn có thể cắt bỏ phần mầm để nấu nướng.

Khoai mục nát: thịt khoai mềm nhũn và có thể có mùi, hãy vứt bỏ ngay và thay thế bất kỳ tờ giấy nào đã chạm vào chúng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm