Mẹ đảm Vĩnh Phúc trổ tài "gói" xôi thành bọc quà đẹp "không nỡ ăn"
(Dân trí) - Có phần nhân giống như các loại xôi truyền thống nhưng món ăn này lại hấp dẫn, trở nên khác biệt bởi vẻ ngoài được "gói" tỉ mỉ với tạo hình như bọc quà, trang trí đẹp mắt.
Chị Nguyễn Thị Tuyền (SN 1985, ở Vĩnh Phúc) từng biết đến và ấn tượng với món xôi hoa đậu đầy tính nghệ thuật của người Hàn Quốc vào năm 2015 trong một lần tình cờ nhìn thấy trên mạng. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do công việc bận rộn lại chăm sóc con nhỏ nên chị không có điều kiện để học hỏi và theo đuổi bộ môn mới mẻ này.
Đến tận đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc bị ảnh hưởng, chị Tuyền có nhiều thời gian hơn để sống chậm lại, chăm sóc gia đình cũng như thực hiện các sở thích cá nhân. Người phụ nữ trẻ bắt tay vào làm món xôi hoa đậu mà bản thân từng say mê cách đây cả nửa thập kỷ.
"Trước đây mình không thích ăn xôi lắm. Nhưng khi quyết định làm xôi nghệ thuật, mình nghĩ món ăn không chỉ có tạo hình đẹp mà cần phải ngon, hấp dẫn từ trong ra ngoài. Vậy nên mình đã học hỏi, nghiên cứu nhiều tài liệu, nguồn tham khảo để nắm được bí quyết đồ xôi ngon, dẻo, bảo quản qua đêm mà vẫn mềm, thơm", chị Tuyền nói.
Xôi hoa đậu (hay còn gọi là Bojagi cake) là món ăn xuất xứ từ Hàn Quốc, thể hiện sự khéo léo, tài hoa của người đầu bếp. Tạo hình của món ăn này được ứng dụng từ cách làm bánh gato bằng đường fondant.
Món bánh chủ yếu được tạo hình giống gói quà bằng vải lụa hoặc áo hanbok của người Hàn Quốc nên có tên là Bojagi (nghĩa là "vải bọc").
Món bánh nguyên bản có phần nhân là bột gạo nhưng khi về Việt Nam đã được biến tấu thành xôi. Ngoài ra còn có lớp vỏ làm từ đậu sên, kết hợp với một số loại bột để tạo độ mềm dẻo.
Để làm "nhân bánh" ngon, chị Tuyền thay đổi linh hoạt các loại xôi khác nhau như xôi đỗ, xôi gấc, xôi dừa, xôi cốm... Chị học cách đồ xôi hai lửa để phần xôi luôn mềm dẻo và thơm dù bảo quản qua đêm.
Về lớp vỏ trang trí, người mẹ đảm chủ yếu sử dụng nguyên liệu là đậu trắng, hạt to. Chị đem ngâm đậu trong khoảng 5-6 tiếng cho hạt nở đều rồi lột vỏ bên ngoài. Đem đậu đi ninh nhừ rồi xay đến khi thu được hỗn hợp nhuyễn, mịn. Sên đậu xay cho tới lúc cạn nước, sờ thấy hỗn hợp đặc lại, không dính tay.
Trộn đậu đã sên với một số loại bột như bột mì, bột năng rồi mang đi hấp. Tiếp tục cho hỗn hợp bột chín ra ngoài, cán mỏng và gập thành những nếp vải để trang trí lên phần xôi.
"Công đoạn trang trí phần vỏ xôi là khó nhất. Đậu sên phải đạt chuẩn, bột trộn không quá khô hay quá nhão để khi tạo hình bọc quà mới thành công. Mình cũng phải thử làm rất nhiều lần và rút kinh nghiệm rồi mới có thể cho ra thành phẩm đẹp mắt", chị chia sẻ.
Nữ gia chủ lựa chọn sử dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong vườn nhà để tạo màu cho món xôi thêm đẹp mắt mà lại đảm bảo an toàn sức khỏe như màu xanh dương của hoa đậu biếc, màu tím của lá cẩm, màu đỏ từ gấc, màu xanh non từ lá nếp hay màu vàng của nghệ tươi,...
Chị chịu khó mày mò để sáng tạo nhiều mẫu xôi hoa đậu hấp dẫn, có sự khác biệt cũng như thử thách bản thân và nâng cao được tay nghề.
Ngoài công đoạn chuẩn bị và chế biến nguyên liệu đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ thì người mẹ trẻ thường tốn khoảng 10 phút để thực hiện bước tạo hình bọc quà cho xôi. Từng chi tiết, nếp gấp đều được chị thực hiện tỉ mỉ sao cho món ăn có vẻ ngoài chân thực, giống hệt những gói quà "phiên bản gốc".
Không chỉ làm món xôi nghệ thuật, chị Tuyền còn tạo hình độc đáo cho bánh trung thu hay trổ tài chế biến các món ăn có vẻ ngoài bắt mắt như thạch rau câu 3D.
Trong những dịp đặc biệt hay lễ Tết, cúng giỗ, những món ngon được trang trí hấp dẫn dưới bàn tay khéo léo của chị đều nhận được nhiều lời khen ngợi, thích thú từ người thân, bạn bè.
Chị cũng xem việc vào bếp nấu nướng và trang trí các món ăn ngon như một thú vui giữa mùa dịch để giải tỏa căng thẳng, xua tan mỏi mệt và giúp bản thân thấy thư thái, có thêm năng lượng tích cực.