Lộ diện các giám khảo “đình đám” của LHP Quốc tế Hà Nội lần IV

(Dân trí) - Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ IV sẽ bắt đầu từ 1 đến 5/11 tại Hà Nội. Năm nay, “cầm cân nảy mực” cho thể loại phim dài của LHP là những cái tên hết sức đình đám như: đạo diễn người Pháp - Régis Wargnier, nữ diễn viên Hollywood - Geraldine Chaplin, đạo diễn Ấn Độ - Adoor Gopalakrishnan…

Ông Régis Wargnier - Chủ tịch Ban Giám khảo là đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch Pháp. Tác phẩm đầu tay với vai trò đạo diễn là bộ phim “La femme de ma vie” (tạm dịch: “Bà vợ của đời tôi”) năm 1986 đã đạt giải thưởng Cesar cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất. Tác phẩm kinh điển và để lại nhiều tiếng vang của vị đạo diễn này là phim ”Indochine” (Đông Dương), được sản xuất vào năm 1993 và vinh dự nhận được giải thưởng Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 65.

Nam đạo diễn phim Indochine sẽ làm Chủ tịch Ban Giám khảo LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 4. Ảnh: BTC.
Nam đạo diễn phim "Indochine" sẽ làm Chủ tịch Ban Giám khảo LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 4. Ảnh: BTC.

Với vai trò đạo diễn, ông đã tạo nên thành công với các bộ phim: Vợ tôi (1986); Đông Dương (1992); Người đàn bà Pháp (1995), Đối đầu (2005), Cánh cổng (2014). Với vai trò biên kịch: Tôi là vua của lâu đài (1989); Phía Tây (1999). Với vai trò trợ lý đạo diễn: Người đàn bà mặc đồ xanh (1973); Tình yêu đầu (1978); Nữ nhân viên ngân hàng (1980); Niềm vui thú (1984); Kỷ niệm ôi kỷ niệm (1984).

Régis Wargnier từng đạt một số giải thưởng: Đạo diễn xuất sắc nhất với phim “Người đàn bà Pháp” tại Liên hoan Phim quốc tế Matxcova (1995); Phim được yêu thích nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Santa Barbara với phim “Phía Tây” (2000).

Bà Geraldine Chaplin - Thành viên Ban Giám khảo là diễn viên Hollywood, Mỹ. Bà Geraldine Chaplin là con gái của vua hài Charlie Chaplin, bà bắt đầu sự nghiệp của mình với vai diễn trong “Limelight” (tạm dịch: Ánh đèn sân khấu) khi bà mới 8 tuổi. Vào năm 1996, bà được đề cử giải quả cầu vàng cho hạng mục diễn viên nữ mới xuất sắc nhất của năm. Năm 1982, bà là thành viên Ban Giám khảo Liên hoan phim Cannes và năm 2011 bà là Chủ tịch Ban giám khảo Liên hoan Phim quốc tế Matxcova.

Bà từng tham gia các phim tiêu biểu: Ánh đèn sân khấu (1952); Bác sĩ Zhivago (1965); Hang thỏ (1969); Ngôi nhà không ranh giới (1972); Sự nổi loạn của bầy quạ (1975); Thị trấn Nashville (1975); Chào mừng đến với Los Angeles (1976); Hãy nhớ tên em (1978); Chaplin (1992); Thành phố không giới hạn (2002); Trại trẻ mồ côi (2007).

Bà Geraldine Chaplin là con gái vua hài Charlie Chaplin sẽ đến Việt Nam cùng chồng. Ảnh: BTC.
Bà Geraldine Chaplin là con gái vua hài Charlie Chaplin sẽ đến Việt Nam cùng chồng. Ảnh: BTC.

Geraldine Chaplin từng đạt được một số giải thưởng: Đóng góp đặc biệt trong Liên hoan Phim ngắn quốc tế Almeria (2008); Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Chicago 2014 với vai diễn trong phim” Dolores de arena” (2014); Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Paris (1978) với phim “Hãy nhớ tên em” (1978); Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Sitges- Catalonian 1972với vai diễn trong “Z.P.G” (1972); Thành tựu cống hiến trọn đời tại Liên hoan Phim quốc tế Transilvania năm 2012.

Ông Adoor Gopalakrishnan - Thành viên Ban giám khảo là đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch Ấn Độ.

Ông Adoor Gopalakrishnan là một trong những nhà làm phim người Ấn Độ nổi tiếng nhất trên thế giới. Vào năm 1972, với vai trò nhà sản xuất ông đã cho ra mắt bộ phim truyện dài đầu tay “Swayamvaram” (Tạm dịch: “Quyền tự quyết”), tác phẩm sau này đã trở thành bộ phim tiêu biểu cho làn sóng phim mới ở Ấn Độ. Ông đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế trong đó phải kể đến giải thưởng của Viện Hàn Lâm Nghệ thuật Điện ảnh Anh Quốc năm 1982 với bộ phim “Elippathayam” (Tạm dịch: “Bẫy chuột”), và giải thưởng quốc gia Ấn Độ dành cho phim hay nhất với bộ phim “Kathapurushan” (Tạm dịch: “Người đàn ông trong câu chuyện”) năm 1995.

Ông Adoor Gopalakrishnan là đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch nổi tiếng Ấn Độ. Ảnh: BTC.
Ông Adoor Gopalakrishnan là đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch nổi tiếng Ấn Độ. Ảnh: BTC.

Những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu ông đóng vai trò đạo diễn: Ngược dòng (1977); Bẫy chuột (1981), Đối mặt (1984); Độc thoại (1987); Những bức tường (1990), Nô lệ (1993), Người đàn ông trong câu chuyện (1995).

Adoor Gopalakrishnan từng giành được một số giải thưởng: Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất tại Giải thưởng Bang Kerala (Ấn Độ) 1978 với phim “Ngược dòng” (1977); giải thưởng của Liên đoàn phê bình phim quốc tế (FIRPRESCI) và giải thưởng của Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Liên hoan Phim Venice 1990 với phim “Những bức tường” (1990); Phim xuất sắc nhất trong Liên hoan phim quốc tế dành cho thiếu nhi tại Aubervilliers (Pháp) 2002 với phim “Những bức tường”; giải của Liên đoàn phê bình phim quốc tế (FIPRESCI) tại Liên hoan Phim quốc tế Bombay 2003 với phim “Nizhalkkuthu” (2002); giải thành tựu cống hiến trọn đời tại Liên hoan Phim quốc gia Ấn Độ 2005; Bông sen vàng dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc gia Ấn Độ 2009 với phim “4 người phụ nữ” (2007).

Bà Maria Izadora Calzado - Thành viên Ban giám khảo là diễn viên Philippines. Bà Izadora Calzado hoạt động nghệ thuật với tư cách diễn viên, người dẫn chương trình và người mẫu chụp ảnh cho rất nhiều tạp chí nổi tiếng, trong đó có tạp chí Woman’s health và Cosmopolitan. Trong những năm gần đây, bà đã dành được rất nhiều giải thưởng cho sự nghiệp diễn xuất của mình. Bà Iza Calzado đồng thời cũng là đại sứ của tổ chức từ thiện World Wide Fund về bảo vệ môi trường của quốc gia Philippines.

Những bộ phim mà Maria Izadora Calzado từng tham gia: Sigaw (2004); Milan (2004); Chìm trong bóng đêm (2007); Tiếng vọng (2008); Tình yêu đích thực (2008); Dukot (2009), HIV (2010), Yêu lại từ đầu (2014), Phong cách quý bà (2015).

Maria Izadora Calzado là diễn viên Philippines. Ảnh: BTC.
Maria Izadora Calzado là diễn viên Philippines. Ảnh: BTC.

Maria Izadora Calzado cũng từng gây tiếng vai với một loạt giải thưởng: Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại giải FAP, Philippine (2009) với vai diễn trong phim “Tình yêu đích thực”; Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải Gawad Urian, Philippine với vai diễn trong “Sigaw” (2014); Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải màn ảnh vàng Philippine (2010) với phim “Dukot” (2009); Nữ diên viên chính xuất sắc nhất tại Giải màn ảnh vàng Philippine dành cho phim truyền hình 2014 với phim “Maalaala mo kaya” (1991) và “Ilog” (2013); Nữ diễn viên mới xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Metro Manila 2011 với phim “HIV: Si Heidi, Si Ivy at Si V” (2010) và giải đặc biệt “khuôn mặt diễn viên nữ đẹp nhất của lễ trao giải” tại Giải Ngôi sao điện ảnh 2010.

Ông Đào Bá Sơn - Thành viên Ban Giám khảo là đạo diễn, diễn viên Việt Nam. Ông Đào Bá Sơn từng là giảng viên Trường Sân khấu Điện ảnh từ năm 1973 đến năm 1977, sau đó ông chuyển về Hãng phim truyện Việt Nam từ năm 1980. Trong suốt 24 năm hoạt động sự nghiệp, ông đã tham gia 80 bộ phim truyện điện ảnh, phim truyện video với vai trò đạo diễn, diễn viên và đạt vô số giải thưởng tại các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam cũng như: Giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông là đạo diễn bộ phim “Long Thành cầm giả ca”, tác phẩm đã mang lại giải thưởng Nữ Diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Nhật Kim Anh tại Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ I (2010). Ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012.

Đạo diễn Đào Bá Sơn - gương mặt quen thuộc của điện ảnh Việt Nam. Ảnh: BTC.
Đạo diễn Đào Bá Sơn - gương mặt quen thuộc của điện ảnh Việt Nam. Ảnh: BTC.

Những tác phẩm tiêu biểu mà đạo diễn Đào Bá Sơn từng tham gia: Người tìm vàng (1989); Biệt ly trắng (1994); Madam Dung (1993); Đám mây không dừng lại (2007); Long thành cầm giả ca (2010)...

Một số giải thưởng mà ông đạt được như: giải Đặc biệt của ban giám khảo tại LHP Việt Nam lần thứ 9, 1990 với vai trò đạo diễn phim “Người tìm vàng” (1989);

Đạo diễn xuất sắc nhất với phim “Cầu thang tối” (phim truyện video) tại Cánh Diều vàng 1998; Đạo diễn xuất sắc nhất với phim “Đám mây không dừng lại” (tài liệu nhựa) tại Giải Cánh Diều Vàng 2009.

Hà Tùng Long