Lịch sử của biểu tượng cầu cứu SOS
(Dân trí) - Sự thật biểu tượng SOS ban đầu mang ý nghĩa gì và vì sao nó lại được sử dụng như một tín hiệu cầu cứu như ngày nay?
Mã SOS ban đầu không phải mang ý nghĩa là tín hiệu cầu cứu hằng hải như mọi người vẫn tưởng.
Có rất nhiều bí ẩn và hiểu nhầm xung quanh sự xuất hiện và ứng dụng của tín hiệu cầu cứu hàng hải này. Hầu hết mọi người tin rằng biểu tượng "SOS" có nghĩa là "Save Our Ship" ("Hãy cứu tàu của tôi"). Những người nghiên cứu về lịch sử vô tuyến đều biết rằng tín hiệu "SOS" là nối tiếp của tín hiệu "CQD". Vậy tại sao chúng được sử dụng phổ biến với ý nghĩa như vậy?
Chúng ta biết rằng việc sử dụng điện tín vô tuyến trở nên dễ dàng nhờ phát minh của Guglielmo Marconi vào những năm cuối thế kỉ 19. Trước đó, các tàu trên biển ở bên ngoài tầm nhìn gần như bị cách ly về liên lạc với bờ và các tàu khác. Do vậy những người đánh điện tín phải sử dụng mã Morse để gửi các tin nhắn. Mã Morse là cách gõ các chữ cái sử dụng một loạt dấu chấm (tín hiệu ngắn) và gạch ngang (tín hiệu dài).
Biểu đồ của các chữ cái và chữ số trong mã Morse.
Cho tới năm 1904, có rất nhiều tàu vượt Đại Tây Dương của Anh được trang bị các bộ liên lạc vô tuyến. Người vận hành chúng thường là chuyển sang từ các ngành đường sắt và thư tín. Ở Anh, tín hiệu gửi chung trên đường dây là "CQ". Tiếp sau "CQ" sẽ là tín hiệu về thời gian và các lưu ý đặc biệt từ nơi phát bản tin. Tín hiệu này được áp dụng rộng rãi bởi các trạm điện tín khắp thế giới. Khi sử dụng "CQ", mỗi trạm sẽ nhận được một tín hiệu từ một nguồn phát duy nhất giúp tiết kiệm thời gian và công sức. Tương tự như vậy, tín hiệu "CQ" cũng ra biển cùng với những người đánh điện tín đó. Không lâu sau, nó được chấp nhận là tín hiệu "gọi mọi trạm điện tín" trên biển và trên bờ.
Trong những năm 90, ngành hàng hải sử dụng bộ liên lạc vô tuyến làm thiết bị để truyền tin.
Năm 1904, công ty Marconi đề xuất việc dùng mã "CQD" cho tín hiệu cầu cứu. Phần lớn mọi người nghĩ rằng "CQD" nghĩa là "Come Quick Danger" ("Tới nhanh có nguy hiểm") nhưng sự thật không phải vậy. Đó là một tín hiệu gửi cho mọi trạm ("CQ") và tiếp theo là "D" (Distress - Cầu cứu). Cách hiểu sát nghĩa của tín hiệu này sẽ là "Tất cả các trạm, cấp cứu."
Trong Hội nghị Điện tín vô tuyến Berlin năm 1906, chủ đề về tín hiệu cầu cứu được đưa ra bàn luận một lần nữa. Rất nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra và cuối cùng tín hiệu SOS được sử dụng. Người ta cho rằng tín hiệu 3 chấm, 3 gạch ngang và kết thúc bằng 3 chấm được gửi chung trong một chuỗi sẽ không thể gây nhầm lẫn.
Trong cuốn Niên giám Điện tín vô tuyến và Điện thoại của Marconi năm 1918 có ghi: "Tín hiệu này (SOS - ND) được chấp nhận dựa vào sự đơn giản khi phát sóng cũng như các kí tự không thể bị nhầm lẫn. Các kí tự này không có gì đặc biệt, và hoàn toàn sai khi có dấu cách giữa chúng." Mọi cách biên dịch của SOS như "Save Our Ship" hay "Save Our Souls" (Cứu mạng chúng tôi) đều không đúng. Sự thật các trạm điện tín khi nhận được tín hiệu này đều phải ngừng mọi hoạt động truyền tin cho tới khi tình hình khẩn cấp kết thúc và bắt buộc phải trả lời tín hiệu cấp cứu đó.
Dù tín hiệu "SOS" chính thức được sử dụng từ năm 1908, việc dùng "CQD" vẫn kéo dài trong nhiều năm sau đó, đặc biệt là ở Anh, nơi nó được sinh ra. Theo các ghi chép cá nhân của Harold Bride, sĩ quan vô tuyến thứ 2 và trong nhật kí hải trình của tàu SS Carpathia thì con tàu Titanic ban đầu sử dụng "CQD" để cầu cứu. Khi thuyền trưởng Smith ra lệnh phát tín hiệu cầu cứu, sĩ quan thông tin Jack Phillips gửi tín hiệu "CQD" sáu lần trước khi phát tín hiệu nhận dạng Titanic là "MGY". Sau đó, theo lời khuyên của Bride, Phillips chuyển tín hiệu cầu cứu thành "SOS".
Lần đầu tiên người Mỹ dùng tín hiệu "SOS" là vào tháng 8/1909. Điện tín viên T. D. Haubner của tàu SS Arapahoe gọi cấp cứu khi tàu của anh mất lái gần bãi cạn Diamond, nơi đôi khi còn được gọi là "Nghĩa trang của Đại Tây Dương". Tín hiệu này được đài "HA" ở Hatteras nghe thấy. Vài tháng sau, tàu SS Arapahoe nhận được tín hiệu "SOS" từ tàu SS Iroquois. Mãi sau này, vào nắm 1912 người Mỹ mới chính thức áp dụng tín hiệu “SOS” vào quy chuẩn phát song vô tuyến quốc tế.
Phan Hạnh
Theo Boatsafe