Làng bánh gai lớn nhất xứ Thanh vào mùa Tết

(Dân trí) - Bánh gai là sản vật của vùng quê nghèo huyện Thọ Xuân, xưa được dâng lên tiến vua và dịp lễ tết. Đến nay, nghề làm bánh gai vẫn còn được lưu giữ, là đặc sản quê hương. Những ngày này, người làm bánh gai đang tất bật vào mùa Tết.

Đặc sản bánh gai làng Tứ Trụ, thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân gần với khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Cùng với chè Sánh, chè Lược và cá rô Đầm Sét là những đặc sản không thể thiếu khi nói về vùng đất Thọ Xuân.

Bánh gai làng Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân xưa là sản vật dâng tiến lên vua.
Bánh gai làng Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân xưa là sản vật dâng tiến lên vua.

Theo những người cao niên trong làng Tứ Trụ kể lại, bánh gai là một trong những sản vật của vùng đất Thọ Xuân, vào các dịp lễ, tết bánh gai là sản vật người dân trong vùng dâng tiến lên vua. Sau đó, để tưởng nhớ hai người anh hùng dân tộc là Lê Lợi và Lê Lai, cứ đến ngày dỗ hàng năm thì người dân Tứ Trụ lại làm bánh gai để thờ cúng.

Bánh gai là món quà quê hương không thể thiếu cho khách khi đến Thọ Xuân vào các dịp lễ Tết. Bánh gai được nhiều người ưa thích mang làm quà quê biếu nên được mang đi khắp cả nước.

Những ngày gần Tết ngày, người làm bánh gai làng Tứ Trụ phải tất bật hơn khi lượng bánh gai tiêu thụ được nhiều. Người làm bánh gai truyền thống vẫn giữ được cái hồn quê trong bánh gai để cạnh tranh với nhiều sản phẩm bánh kẹo thị trường khác.

Nguyên liệu làm bánh gai đều là những nông sản của vùng quê. Gạo nếp thơm, đậu xanh, dừa, mật mía, lá chuối khô và lá gai đều được người dân trong vùng trồng. Để làm được một chiếc bánh gai thì người thợ phải trải qua nhiều công đoạn cũng như phải có kỹ thuật khéo léo mới có thể ra làm ra được một chiếc bánh gai thơm ngon.

Vào dịp lễ Tết, người làm bánh gai Tứ Trụ lại tất bật hơn khi bánh gai tiêu thụ được nhiều.
Vào dịp lễ Tết, người làm bánh gai Tứ Trụ lại tất bật hơn khi bánh gai tiêu thụ được nhiều.

Các công đoạn để làm ra chiếc bánh gai đều rất quan trọng. Khâu chế biến lá gai cần sự tỉ mỉ chọn nhặt lá, khâu chọn gạo nếp, đậu xanh cũng phải cẩn thận chọn loại gạo nếp thơm, hạt đều, đậu xanh phải được bóc vỏ ngâm nước cho nở đều… Không chỉ ở các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu mà quan trọng nhất là hấp bánh. Bánh phải làm sao cho chín đều, lá chuối khô sánh bóng.

Anh Lê Hữu Lâm, một người chuyên sản xuất bánh gai cho biết: “Công đoạn chế biến lá gai để làm bánh đòi hỏi người thợ phải khéo léo, nhặt, chọn kỹ từng lá gai. Lá gai khô được loại bỏ cuống lá, sống lá rồi đem luộc, vắt khô hết nước đem nghiền nát, sau đó trộn đều với bột nếp và mật mía. Trộn xong bột thì nặn bánh thành từng viên rồi cho nhân đậu xanh hoặc thịt đã được chuẩn bị sẵn vào giữa rồi vo tròn lại. Dùng lá chuối khô gói bánh để cho lá không bị rách mà giữ được lâu hơn, khi hấp bánh không bị hư lá hay phì bánh ra bên ngoài”.

Vào dịp lễ Tết, người làm bánh gai Tứ Trụ lại tất bật hơn khi bánh gai tiêu thụ được nhiều.
Khi hấp bánh gai phải có người thường xuyên ở bên để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp để bánh chín đều.

Theo chị Nguyễn Thị Thắm, thì công đoạn hấp bánh gai là quan trọng nhất, vì yêu cầu khi hấp phải đủ nhiệt độ, đủ nước thì bánh gai mới chín đều thơm ngon được. Công đoạn này được thực hiện trong một giờ đồng hồ từ khi bắt đầu hấp cho đến khi lấy bánh ra. Người thợ phải thường xuyên bên nồi hấp bánh để điều chỉnh nhiệt độ cho bánh chín ngon không bị nhão quá hay khô quá.

Những ngày gần Tết này, người làm bánh gai Tứ Trụ đang phải tất bật hơn. Bà Nguyễn Thị Hằng, 56 tuổi, có 40 năm trong nghề làm bánh gai gia truyền chia sẻ: “Cứ vào dịp lễ, tết thì những người làm bánh gai như chúng tôi lại bận rộn hơn khi lượng bánh gai tiêu thụ được nhiều. Bình thường mỗi ngày cơ sở làm bánh gai của gia đình tôi chỉ tiêu thụ 300 - 500 chiếc bánh trong một ngày nhưng dịp lễ tết thì tăng cao, từ 500 - 1.000 chiếc/ngày”.

Gia đình bà Hằng sống chủ yếu bằng nghề làm bánh gai. Hiện cơ sở sản xuất bánh gai nhà bà có 8 nhân công nhưng trong đó có tới 6 người là thành viên trong gia đình. “Để làm ra chiếc bánh gai ngon thì quan trọng nhất đối với người làm bánh đó là phải cẩn thận và khéo léo. Người làm bánh gai giống như phải bỏ hết tâm trạng vào làm bánh, từ khi bắt đầu làm cho tới khi bánh ra được lò”, bà Hằng tâm sự.

Lá chuối khô dùng để gói bánh được người dân dự trữ thành kho.
Lá chuối khô dùng để gói bánh được người dân dự trữ thành kho.

Giá mỗi chiếc bánh gai tùy thuộc vào từng loại khác nhau. Loại rẻ nhất có giá từ 3 nghìn đến 5 nghìn, đắt thì từ 5 - 10 nghìn/chiếc. Mỗi ngày 10 người làm ra được hơn 1.000 chiếc bánh gai, cho thu nhập từ 100 - 200 nghìn/người/ ngày.

Ông Nguyễn Văn Hải, một chủ cơ sở bánh gai làng Tứ Trụ, xã Thọ Diên cho biết: “Hiện trong gia đình tôi có 7 nhân công làm việc. Mỗi ngày làm ra được khoảng 1.000 chiếc bánh gai. Gia đình tôi làm bánh gai gia truyền từ đời ông bà xa xưa. Khi tôi sinh ra đã thấy gia đình làm bánh gai rồi. Không chỉ gia đình tôi mà có nhiều hộ dân ở đây đều sống bằng nghề sản xuất bánh gai gia truyền này”.

Sản phẩm bánh gai làng Tứ Trụ.
Sản phẩm bánh gai làng Tứ Trụ.

Làng Tứ Trụ hiện có 40 - 50 cơ sở làm bánh gai gia truyền. Bánh gai Tứ Trụ không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được vận truyển đi tiêu thụ tại nhiều địa phương trong cả nước.

Những ngày này, người làm bánh gai Tứ Trụ phải tất bật hơn để làm ra nhiều bánh gai cung ứng cho thị trường vào dịp tết nguyên đán. Sản phẩm bánh gai đặc sản làm từ nguyên liệu nông nghiệp có sẵn phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm công nghiệp thị trường khác làm cho nghề làm bánh gai ngày càng khó khăn hơn.

Thái Bá - Duy Tuyên