Kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tối 21/11, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022).

Sự kiện có sự tham dự của ông Phạm Hoàng Anh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Lê Duy Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương là con em quê hương Vĩnh Tường. Ngoài ra còn có nguyên lãnh đạo tỉnh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh. Sự kiện còn có các nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường - 1
Lễ kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022).

Năm 1822, sau nhiều lần thay đổi tên gọi và phạm vi hành chính, vua Minh Mạng đã sắc chỉ đổi tên "Phủ Tam Đa" thành "Phủ Vĩnh Tường", danh xưng Vĩnh Tường từ đó được xác lập, với ý nghĩa là một miền quê trường tồn và phát triển.

Trong suốt chiều dài lịch sử, huyện Vĩnh Tường được biết đến là vùng đất "Địa linh, nhân kiệt", mang trong mình nhiều giá trị của truyền thống lịch sử, văn hóa. Đây là quê hương của nhiều chí sĩ yêu nước, cách mạng, nhân sĩ, trí thức, các tướng lĩnh nổi tiếng. Vùng đất này cũng lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, là một bộ phận quan trọng của trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, là tài sản của các thế hệ người dân Vĩnh Tường trao truyền lại cho thế hệ sau.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Vĩnh Tường là địa phương có nhiều đóng góp to lớn sức người, sức của cho dân tộc. Hàng nghìn thanh niên ưu tú của quê hương Vĩnh Tường đã theo tiếng gọi của Tổ quốc, của dân tộc, lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Hơn 3.600 người con Vĩnh Tường đã anh dũng hy sinh, gần 1.200 thương binh, và rất nhiều người được phong tặng các danh hiệu của Đảng và Nhà nước.

Vĩnh Tường là căn cứ hậu cần vững chắc của đất nước thời kỳ chiến tranh gian khổ. Năm 1964, toàn miền Bắc có 10 huyện xuất hiện những cánh đồng 5 tấn thóc cho một ha thì riêng Vĩnh Phúc có tới 2 huyện, trong đó có Vĩnh Tường. Năm 1967, huyện Vĩnh Tường đạt năng suất lúa bình quân vụ mùa là 2,8 tấn/ha. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tường được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" thời kỳ chống Pháp và nhiều phần thưởng khác.

Vĩnh Tường còn nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng khắp xứ Đoài. Là địa phương được vua Hồng Đức lựa chọn xây dựng một Văn miếu hàng phủ tại xã Cao Xá (nay là xã Cao Đại), bởi đây là thủ phủ của phủ Tam Đới thời Lê.

Với truyền thống khoa bảng (23 tiến sĩ nho học, một phó bảng triều Nguyễn và 250 vị đỗ cử nhân), các làng xã nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt thành danh là Vũ Di, Thượng Trưng, Tứ Trưng Cao Đại, An Tường… Nhiều người được ghi danh sử sách như Phí Văn Thuật, Bùi Công Tổn, Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Tiến Sách, ông phủ Vĩnh Tường Trần Phúc Hiển… Toàn huyện có tới gần 20 sĩ quan cấp tướng công an và quân đội, trên 30 tiến sĩ, 22 giáo sư, phó giáo sư. Bên cạnh đó, nhiều học sinh sinh viên đạt huy chương toán quốc tế, toàn quốc, các giải Olympic quốc tế…

Sau 2 cuộc chiến tranh, từ một huyện thuần nông, Vĩnh Tường có xuất phát điểm còn thấp, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Tường đã phát huy nội lực, khát vọng vươn lên, chung sức đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Điều này đã thúc đẩy Vĩnh Tường phát triển về nhiều mặt, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì trên 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người trên năm ước đạt 58,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả ấn tượng, liên tục từ năm 2018 đến nay đều đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Là một trong những huyện dẫn đầu các phong trào của tỉnh Vĩnh Phúc, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình sáng tạo, huyện đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, có nhiều kết quả tích cực.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển từng bước theo hướng đồng bộ, hiện đại. Văn hóa xã hội được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; an sinh xã hội được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm...

Phương thức lãnh đạo của Đảng, phương pháp công tác, lề lối làm việc có nhiều đổi mới theo hướng bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân. Trình độ, năng lực và nhất là ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt được tăng cường trên tất cả các mặt, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Tường đã đạt được trong thời gian qua.

Để tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của đất và người Vĩnh Tường, phấn đấu đến năm 2030, Vĩnh Tường trở thành đô thị vệ tinh của tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ, chính quyền huyện Vĩnh Tường tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm.

Địa phương tập trung phát huy bản sắc, vùng đất, con người, xây dựng Vĩnh Tường trở thành vùng quê đáng sống; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn có, nhất là lợi thế nằm ở đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ, tiếp giáp, kết nối với các đô thị Vĩnh Yên, Việt Trì, Sơn Tây trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.

Địa phương sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phấn đấu hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025; thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Cùng với đó, Vĩnh Tường sẽ phát huy công tác chăm lo bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống lịch sử của vùng đất xứ Đoài nghìn năm văn hiến trong phát triển văn hóa, xây dựng con người; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, coi trọng giáo dục văn hóa, truyền thống, bản sắc địa phương.