Kinh ngạc trước vở nhạc kịch của những diễn viên khiếm thính

(Dân trí) - Khi rèm hạ xuống trên sân khấu của vở kịch “Mùa xuân thức dậy”, rất nhiều diễn viên sẽ không thể nghe được những tràng pháo tay mà khán giả dành cho họ.

Kinh ngạc trước vở nhạc kịch của những diễn viên khiếm thính


Nhà hát Deaf West ở thành phố Los Angeles, Mỹ hiện đang hợp tác với các diễn viên khiếm thính để thực hiện vở nhạc kịch “Spring Awakening” (Mùa xuân thức dậy) theo một cách hoàn toàn mới, kết hợp giữa cả ngôn ngữ lời thoại và ngôn ngữ ký hiệu trong suốt quá trình diễn xuất.

Vở kịch dành cho cả người bình thường và người khiếm thính được thực hiện nhằm mục đích bình đẳng hóa hai thể loại ngôn ngữ trong cùng một tác phẩm sân khấu: “Không có ngôn ngữ nào chiếm ưu thế hơn trong vở nhạc kịch này” - đạo diễn phụ trách ngôn ngữ ký hiệu cho vở “Mùa xuân thức dậy” chia sẻ.

Những vở kịch của nhà hát Deaf West vốn được biết tới vì có sử dụng những diễn viên khiếm thính hoặc những diễn viên đã bị mất đi một phần thính giác.

“Mùa xuân thức dậy” là một vở nhạc kịch sôi động bắt đầu ra mắt trên sân khấu Broadway, New York, Mỹ hồi năm 2006, dựa trên vở kịch cùng tên được viết từ năm 1891.

Kinh ngạc trước vở nhạc kịch của những diễn viên khiếm thính


Cốt truyện kể về những người trẻ sống ở Đức hồi thế kỷ 19, đang vật lộn để hiểu về những thay đổi trong thể chất và tinh thần của mình tại một thời điểm mà những đối thoại thẳng thắn, trung thực về vấn đề giới tính bị coi là vô liêm sỉ.

Vở kịch xoay quanh khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, khi hai bên không thể thực sự giao tiếp và thấu hiểu nhau, từ một câu chuyện đơn giản nhưng vở kịch khái quát lên nhiều điều lớn lao khác, như một ẩn dụ thú vị về khoảng cách giữa các thế hệ.

Vở kịch lấy bối cảnh ở một thời kỳ đặc biệt đen tối đối với những người khiếm thính. Cuối thế kỷ 19, những trẻ bị khiếm thính thường không nhận được một nền giáo dục thỏa đáng và ngôn ngữ ký hiệu cũng không được phổ cập tới các em.

Các em bị thiếu giao tiếp trầm trọng, đặc biệt mối quan hệ thiết thân nhất giữa cha mẹ và con cái giờ đây trở nên xa cách khi con cái và cha mẹ không thể lắng nghe, giáo tiếp và thấu hiểu nhau. Khi đến tuổi dậy thì, các em tự mày mò, dò dẫm để hiểu về chính mình và thế giới xung quanh mà không có được sự hướng dẫn, chỉ bảo cần thiết của mẹ cha.

Kinh ngạc trước vở nhạc kịch của những diễn viên khiếm thính


Đạo diễn Michael Arden chia sẻ: “Tôi mong muốn mọi người có thêm kiến thức về văn hóa của những người khiếm thính cũng như ngôn ngữ ký hiệu của họ. Đặc biệt, nghệ thuật và sân khấu có thể phá vỡ những rào cản và khoảng cách. Trong một vở kịch, chúng tôi cùng làm việc với cả diễn viên khiếm thính và diễn viên bình thường, điều này khiến vở kịch thực sự có ý nghĩa và trở thành một tác phẩm song ngữ, khiến người xem có thể cùng đồng cảm với những người khiếm thính”.


Bích Ngọc
Theo Huff Post