Cuộc thi "Bác Hồ với các dân tộc thiểu số; các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu":

Khơi dậy truyền thống với thế hệ hiện tại và mai sau

(Dân trí) - PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Chu Tuấn Thanh đồng thời là một thành viên trong Ban Giám khảo về Cuộc thi "Bác Hồ với các dân tộc thiểu số; các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu".

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Cuộc thi "Bác Hồ với các dân tộc thiểu số; các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu". Nội dung cuộc thi bao gồm: Sưu tầm, tìm hiểu, khai thác và biên tập các tư liệu, tài liệu, mẩu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt, làm việc của Bác Hồ đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
 
Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thưa Vụ trưởng, xin ông nói thêm về ý nghĩa của cuộc thi ?

Cuộc thi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc. Trong quá trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác Hồ chủ yếu sống ở các khu căn cứ địa Cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Người được bà con các DTTS che chở và nuôi dưỡng. Cuộc thi nhằm tiếp tục tuyên truyền về tình yêu thương của Bác Hồ với đồng bào các DTTS, tình cảm tôn kính của đồng bào các DTTS đối với Bác Hồ, từ đó phát huy truyền thống đoàn kết phấn đấu vươn lên của đồng bào các DTTS, tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu.

Mặt khác, trên thực tế một số tài liệu, hiện vật về Bác đến nay vẫn còn đang lưu lạc trong dân. Cuộc thi nhằm tập hợp, bổ sung những hình ảnh, tư liệu, ký họa, bài viết về cuộc sống, sinh hoạt, làm việc của Bác Hồ trong vùng DTTS và miền núi, phục vụ cho công tác giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ hiện tại và mai sau.

Xin Vụ trưởng cho biết về tiến độ cuộc thi?

Cuộc thi được phát động từ tháng 9/2012 trên các cơ quan thông tấn báo chí với quy mô toàn quốc và quốc tế. Chúng tôi bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 10/09/2012 đến hết ngày 03/02/2013.

Từ tháng 3 đến tháng 4/2013, chúng tôi sẽ tổ chức chấm Sơ khảo và Chung khảo. Dự kiến Lễ Trao giải sẽ diễn ra vào ngày Kỉ niệm 123 năm sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2013) và được truyền hình trực tiếp trên các kênh VTV1, VTV4, VTV5.

Chất lượng của các bài dự thi cho đến thời điểm hiện tại ra sao, thưa Vụ trưởng?

Cuộc thi đã được đồng bào DTTS các tỉnh, thành, các cấp đảng ủy địa phương triển khai nghiêm túc. Bộ phận thường trực đã nhận được bài dự thi ở nhiều vùng, miền của Tổ quốc. Đây là những tài liệu, hiện vật rất quý, hiếm. Có thí sinh gửi bài dự thi đến hàng trăm trang, chỉn chu về mặt hình thức. Các bài viết thực tế, sâu sắc và rất xúc động, là câu chuyện của những nhân chứng còn sống, đây là những người tham gia hoạt động thanh niên xung phong, bộ đội, diễn viên, nay trở về tiếp tục phục vụ quê hương.

Đặc biệt là ở những vùng Bác hoạt động Cách mạng như Pắc Bó, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng Bác đến thăm, bà con có những bài viết khi được nghe ông bà kể lại hoặc tìm được ở ống nứa để trong nhà cùng các hiện vật Bác để lại như giày, dép, túi...

Trong những bài đầu tiên gửi về, người dự thi ít tuổi nhất là 30 tuổi, người nhiều tuổi nhất đã 85 tuổi, có trường hợp một đồng bào dân tộc ít người đã được gặp Bác Hồ đến 5 lần.
 
Vụ trưởng Chu Tuấn Thanh mong kết quả Cuộc thi sẽ là một kho tư liệu quý

Vụ trưởng Chu Tuấn Thanh mong kết quả Cuộc thi sẽ là một kho tư liệu quý
để tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu được công lao trời biển của Bác.

Thưa Vụ trưởng, làm thế nào để đảm bảo độ chính xác của các tư liệu, hiện vật nói trên?

Ban Tổ chức đã chuẩn bị cho quy trình này, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ có trách nhiệm thẩm định tính chính xác bằng các phương pháp chuyên môn.

Vụ Tuyên truyền đã có kế hoạch gì để đảm bảo tránh bị thất lạc các tài liệu quý này?

Sau khi Cuộc thi kết thúc, chúng tôi sẽ tuyển chọn những bài viết hay để in một cuốn kỷ yếu coi như một tài sản văn hóa quý để tuyên truyền cho các thế hệ hiểu được tình cảm tốt đẹp của Bác Hồ với các DTTS, các DTTS với Bác Hồ kính yêu. Kỷ yếu sẽ được in song ngữ Việt - Anh. Còn các tư liệu, hình ảnh và hiện vật khác, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan văn hóa có kế hoạch bảo tồn và sử dụng sao cho có hiệu quả nhất.

Ngoài Cuộc thi này, Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc có những hoạt động gì để vận động bà con DTTS học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất?

Ngoài kỉ yếu, chúng tôi biên tập tờ rơi, tờ gấp để tuyên truyền cho bà con hiểu. Các ấn phẩm này được in song ngữ, in bằng tiếng của các DTTS để người dân tiếp cận dễ dàng hơn.

Thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS và thực hiện Quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, chúng tôi chú trọng đến đối tượng những người có uy tín trong đồng bào DTTS, đó là đầu mối thu thập thông tin để tuyên truyền cho con cháu và mọi người xung quanh hiểu được.

Hiện nay trên cả nước chúng ta có 31.400 người có uy tín nằm rải rác ở các thôn, bản thuộc 53 tỉnh trên cả nước. Những người này là linh hồn cộng đồng, thôn bản. Đó là những người tiêu biểu trong sản xuất, những nhân sỹ, trí thức giỏi, thầy thuốc, thầy lang, thầy cúng, cán bộ về hưu... có vị trí, vai trò quan trọng, được cộng đồng suy tôn, có khả năng tập hợp, có sức ảnh hưởng rất lớn để giải quyết các mối quan hệ trong cộng đồng.

Một bộ phận nhỏ những người có uy tín không biết chữ, làm thế nào để khắc phục hạn chế trên, thưa Vụ trưởng?

Theo thống kê, trong lực lượng những người có uy tín thì 97% là người biết chữ, còn lại là 3% những người già, cao tuổi không biết chữ nhưng có uy tín. Khi triển khai các hoạt động tuyên truyền, bộ phận này sẽ nhờ con, cháu trong gia đình đọc, nghe, lấy lại lời những nội dung đó để đi tuyên truyền cho đồng bào.

Thưa Vụ trưởng, ông có nhắn nhủ gì tới thế hệ trẻ, những học sinh, sinh viên hôm nay?

Ủy ban Dân tộc từng tổ chức Cuộc thi Kể chuyện về Bác Hồ và thu hút được cả những kiều bào ta ở nước ngoài cùng tham gia. Nhận thấy ý nghĩa của Cuộc thi và thấy giá trị cần phải để lại di sản cho muôn đời sau, trên kinh nghiệm đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức Cuộc thi "Bác Hồ với các dân tộc thiểu số; các dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu".

Mong rằng kết quả Cuộc thi sẽ là một nội dung, một kho tư liệu quý để tuyên truyền tốt nhất cho thế hệ trẻ hiểu được công lao trời biển của Bác và thấy được trách nhiệm của mình trong công tác đại đoàn kết dân tộc thời đại ngày nay.

Xin chân thành cảm ơn Vụ trưởng!

Phương Nhung