Huyền thoại "Mậu Thân 1968" được kể từ những vật đời thường

(Dân trí)- Những câu chuyện giản dị đời thường đã kể lại 26 ngày đêm đẫm máu ở Huế trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968...

Huyền thoại từ những vật đời thường trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968
Những kỷ vật bình dị nhưng chứa đầy cả một lịch sử bi thương - hào hùng của quân, dân Thừa Thiên Huế trong chiến dịch giải phóng xuân Mậu Thân 1968

B40- khẩu súng thô sơ và kỳ tích

Khẩu B40 là một loại súng chống tăng không giật dùng cá nhân, thông dụng trong thời kỳ quân dân ta đấu tranh chống Mỹ cứu nước, nhất là trong thời kỳ khó khăn nhất, vào thập niên 1960. Ngày đó, B40 là khẩu súng chủ lực để diệt xe  công sự địch. Vì nước ta lúc bấy giờ còn khó khăn nên việc sử dụng vũ khí thế nào vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm luôn được đề cao. Vì vậy, mỗi chiến sĩ khi được cầm súng đánh giặc luôn là những người biết đặt tài năng và trách nhiệm với Tổ quốc của mình trong từng viên đạn. Những chiến thắng đầu tiên tại Ấp Bắc, Vạn Tường đã thể hiện tính năng của súng: khẩu súng của đội quân nghèo, mang nhẹ, ít lực lượng nhưng lại đánh thắng địch đông và nhiều xe pháo.

Những khẩu súng B40 cùng súng trường được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử- Cách mạng Thừa Thiên Huế.

Những khẩu súng B40 cùng súng trường được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử- Cách mạng Thừa Thiên Huế.

Cũng với khẩu súng này năm xưa, chị Phạm Thị Liên, Đội trưởng đội 11 cô gái du kích Sông Hương (đã hy sinh trước giải phóng đất nước 1975) đã đánh lùi nhiều đợt phản kích của địch trong chiến dịch mùa xuân Mậu Thân năm 1968 tại Huế. Thành quả này đã đánh dấu một mốc son cho sự hiệu quả trong việc sử dụng B40 ở mặt trận Trị Thiên Huế. Bên cạnh B40, các loại súng cối 60 ly, các- bin, khẩu đội DKZ cũng dần được sử dụng rộng rãi và được thiết kế ngày một phù hợp hơn với quân dân Việt Nam, chứng tỏ sức sáng tạo không ngừng trong những lúc nước sôi lửa bỏng của trí tuệ Việt.

Đốm lửa của bình minh

Đó chính là chiếc đèn pin của đồng chí Diệp Văn Phùng, một chiến sĩ cách mạng. Trong đêm 31/01/1968, khi quân ta tấn công vào Thành Nội Huế trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968, để làm tín hiệu mở cửa Thượng Tứ- một điểm chốt quan trọng trong chiến dịch, chiếc đèn pin “cồng kềnh” này đã góp công vào việc chỉ lối để giúp bộ đội ta đi đúng đường và tiết kiệm thời gian, làm nên chiến thắng thần tốc không cho giặc Mỹ kịp trở tay.

Chiếc đèn pin lịch sử năm xưa

Chiếc đèn pin lịch sử năm xưa

Chiếc đèn pin thô sơ bám bụi đất ấy lúc bấy giờ như ngọn hải đăng trên cạn xóa tan bóng tối, mở ra con đường đi của cách mạng: con đường của niềm tin vào ngày mai.

Lạc quan đi liền sáng tạo

Thành quả của những năm tháng hoạt động ở Hương Thủy của đồng chí Nguyễn Vạn, Ủy viên Khu ủy Trị Thiên Huế chính là một chiếc quạt. Chiếc quạt ấy, nhìn qua thì cũng rất bình thường nhưng thực ra, nó được làm từ vải quần áo của giặc Mỹ. Chất liệu vải rất tốt, khó thấm nước, qua bàn tay khéo léo của người Việt Nam mình đã trở thành chiếc quạt rất đẹp. Chiếc quạt màu xanh rằn ri được may bằng chỉ trắng, thêu hoa vàng ở giữa và dòng chữ nổi cách điệu “Kính Tặng Thu” màu đỏ. Đằng sau dòng chữ ấy chắc hẳn cũng là một chuyện tình đẹp…

Chiếc quạt là kỷ vật của sự sáng tạo và kiên nhẫn.

Chiếc quạt là kỷ vật của sự sáng tạo và kiên nhẫn.

Nước mắt + máu = tình yêu

Khăn tang của mẹ Bếp, 72 tuổi ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được kết tinh như thế. Trong những tháng ngày kháng chiến ác liệt, cũng như bao người mẹ Việt Nam khác, mẹ Bếp đã tiễn người con trai của mình ra mặt trận để rồi nhận về trên đầu một chiếc khăn tang. Không có nỗi đau nào hơn khi người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, khi người con của mẹ đã vì hai tiếng thiêng liêng Tổ quốc mà hy sinh.

Chiếc khăn tang “gói” tình thương của mẹ

Chiếc khăn tang “gói” tình thương của mẹ

Khi nhìn thấy một chiến sĩ quân giải phóng bị thương trong chiến dịch mùa xuân năm 1968, chính tay mẹ đã lấy chiếc khăn tang của mình băng vết thương của người chiến sĩ ấy để cầm máu. Một biểu tượng của tình yêu. Mẹ Bếp đã lấy nỗi đau của mình để đè lên nỗi đau của người chiến sĩ, lấy sự mất mát của mình khỏa lấp, cưu mang lấy một người con xa lạ nhưng cũng rất đỗi anh hùng. Chiếc khăn tang trở thành chiếc băng cứu thương, điều đó cũng đồng nghĩa rằng nước mắt không có chỗ trong chiến tranh mà chỉ có hành động.
 
 “Huế là một trong những bài thơ hùng tráng chống Mỹ cứu nước. Trên ngực phía trái của bản đồ Tổ quốc, Huế nổi lên như một bông hoa đỏ thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sông Hương nổi sóng, núi Ngự chuyển mình trong cuộc tiến công vùng dậy lịch sử”. 26 ngày đêm đẫm máu ở Huế là bản anh hùng ca bất tận, muôn đời.                                                  
 
 
Ngọc Bích – Đại Dương


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm