Lật lại những câu chuyện lịch sử “nhạy cảm” trong chiến dịch Mậu Thân 1968

(Dân trí)- Đã có nhiều nguồn tin trái chiều về những cuộc thảm sát trả thù đẫm máu bên trong thành Huế sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm được cố đô. Chính sự đẫm máu thảm khốc, trong một thời gian dài, người ta né tránh nhắc đến chiến dịch Mậu Thân năm 1968.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến với Mỹ. Vào thời điểm ấy, quân đội Mỹ đã hoàn toàn sa lầy trong cuộc chiến tranh với Việt Nam. Quân đội Mỹ không thể bình định được miền Nam Việt Nam, cũng không thể rút quân về nước. Trong tình hình đó, dư luận thế giới, dư luận của chính nội bộ nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt. Nắm lấy thời cơ này, Bộ Chính trị đã quyết định đánh một trận gây tiếng vang lớn, “Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị” (Lê Duẩn). Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã bất thần được quyết định như thế để tạo bước ngoặt lớn trong chiến tranh, buộc Mỹ phải xuống thang, đi tới đàm phán.

Sáng sớm ngày 31/1/1968, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân, quân ta đã đồng loạt tấn công bất ngờ vào nhiều thành phố, trong đó có những thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 được đánh giá là một thắng lợi có tầm vóc lớn về chiến thuật của quân ta, tạo tiền đề quan trọng để Mỹ xuống thang chiến tranh, đi đến đàm phán tại Hội nghị Paris năm 1973.
 
Quân ta trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968
Quân ta trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968
 

Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, nhiều nguồn thông tin nhiễu loạn đã khiến chiến dịch Mậu Thân năm 1968 trở thành câu chuyện lịch sử nhạy cảm, ít được nhắc đến. Những thông tin về các ngôi mộ tập thể được tìm thấy ở Huế, thông tin về những cuộc thảm sát đẫm máu mang tính trả thù cá nhân sau khi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm được thành Huế… được lan truyền một cách ẩn ức trong dư luận suốt một thời gian.

Khi câu chuyện về chiến dịch Mậu Thân năm 1968 vẫn tồn tại như một câu chuyện lịch sử nhiều bí ẩn, một nữ đạo diễn Việt Nam đã âm thầm chuẩn bị tài liệu trong suốt 10 năm để lật lại, để truy tìm sự thật, để nói đến tận cùng về những câu chuyện “nhạy cảm” năm 1968.
 
Lính Mỹ trong thành cổ Huế năm 1968. Cuộc giao tranh 26 ngày đêm ở Huế diễn ra khốc liệt.
Lính Mỹ trong thành cổ Huế năm 1968. Cuộc giao tranh 26 ngày đêm ở Huế diễn ra khốc liệt.

Lý do của 10 năm đổ công sức, tiền bạc đi tìm tài liệu, đi tìm nhân chứng về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của nữ đạo diễn Lê Phong Lan khiến người viết thực sự cảm động. Chị nói, “Có một động lực vô hình nào đó thôi thúc tôi đi tìm hiểu về chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trong quá trình đi tìm tài liệu, đi tìm những nhân vật là chứng nhân lịch sử của cả hai chiến tuyến, tôi đã nhìn thấy những tấm ảnh tư liệu ghi lại hình ảnh chiến sỹ giải phóng của ta hy sinh như thế nào, đổ xương đổ máu ra sao… Tôi không tin những người lính ấy lại có thể tạo ra những cuộc thảm sát”.

Theo đạo diễn Lê Phong Lan, “Lịch sử đã trải qua 45 năm, thời gian đã có đủ độ lùi để chúng ta nhìn nhận lại về chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Thời thế đã đổi thay. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nói chuyện với nhau thật thẳng thắn về tất cả những câu chuyện xảy ra từ 45 năm trước. Trong 10 năm ròng, tôi đã đi, đã tìm kiếm, đã gặp gỡ, phỏng vấn, để xây cất nên 12 tập phim tài liệu về chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Tôi gặp gỡ cả những người lính ở hai chiến tuyến, tôi gặp gỡ hỏi chuyện cả những người chỉ huy ở cả hai chiến tuyến. Ở cấp chỉ huy, ở cấp lính, mỗi người đều có cái nhìn khác nhau về cuộc chiến. Suốt 10 năm tôi đi và đi, phỏng vấn và phỏng vấn… Và tôi nghĩ, 12 tập phim tài liệu xây cất trong 10 năm ròng của tôi sẽ giúp khán giả giải mã được sự thật còn gây tranh cãi của chiến dịch Mậu Thân năm 1968”.
 
 
Lính Mỹ trong thành cổ Huế năm 1968. Cuộc giao tranh 26 ngày đêm ở Huế diễn ra khốc liệt.
Nữ đạo diễn Lê Phong Lan và nhà báo, nhà sử học Mỹ Stanley Karnow trong quá trình thực hiện bộ phim tài liệu 12 tập "Mậu Thân- 1968"

12 tập phim tài liệu với tựa đề “Mậu Thân- 1968” là sự nhìn nhận, đánh giá của chính những người trong cuộc sau độ lùi 45 năm thời gian. Tính đến thời điểm hiện tại, 2/3 số nhân vật được phỏng vấn trong 12 tập phim tài liệu của đạo diễn Lê Phong Lan đã ra đi. 10 năm không mệt mỏi để một nữ đạo diễn bươn chải, tìm cho bằng được những sự thật về “Mậu Thân-1968”.

Và với những gì tìm được, nữ đạo diễn trả lời, “Tôi đã gặp những nhà báo Mỹ, những người lính bên kia chiến tuyến, họ đã nói, tất cả những thông tin về vụ thảm sát năm 1968 tại Huế chỉ là sự vu cáo của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đổ lên đầu Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Để khỏa lấp cho sự thất bại nặng nề, phía Mỹ và Việt Nam cộng hòa đã phát động những tin đồn nhảm gây nhiễu loạn như một cuộc chiến tranh tâm lý, và nó đã kéo dài trong một thời gian. Nhưng sự thật là sự thật. Chiến dịch Mậu Thân trải qua thời gian càng khẳng định là bản anh hùng ca vĩ đại của quân dân Việt Nam”.
 
Nước Mỹ đã khủng hoảng niềm tin sau Chiến dịch Mậu Thân 1968
Nước Mỹ đã "khủng hoảng niềm tin" sau Chiến dịch Mậu Thân 1968
 
“Tôi chỉ có một câu hỏi, “Tại sao cha ông chúng ta, thế hệ những người trẻ như tôi, như bạn thời ấy lại có thể sẵn sàng hy sinh mạng sống, hy sinh gia đình của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc? Vậy, độc lập, tự do là gì? Tại sao người ta có thể hy sinh ghê gớm đến thế vì độc lập, tự do. Nếu các bạn cũng như tôi, đã đọc, đã tìm hiểu, đã nhìn tận mắt những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam, các bạn sẽ thấy đó là một huyền thoại. Lịch sử Việt Nam đã được viết bằng những huyền thoại”- Đạo diễn Lê Phong Lan chia sẻ sự xúc động.

Nữ đạo diễn tin rằng, thế hệ trẻ bây giờ thờ ơ với lịch sử là vì họ không hiểu lịch sử, họ gần như không biết gì về lịch sử với những bài học giản đơn ở trường lớp. Nếu đã hiểu, họ cũng sẽ yêu vô cùng những huyền thoại đã được viết bằng máu của đất nước mình.

Máu đã viết nên huyền thoại về đất nước, nếu ai đã lắng nghe, đã thấu hiểu, cũng sẽ cúi đầu trước những huyền thoại ấy.

Trích dẫn lời của một trong những nhân vật của 12 tập phim tài liệu- “Mậu Thân- 1968”:

Ông Larry Berman- GS. Sử học Mỹ “Tết Mậu Thân là một bước chuyển mang tính quyết định, chấm dứt leo thang chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ sử dụng cụm từ “khủng hoảng lòng tin”. Cuộc tấn công bộc lộ cho người Mỹ thấy rằng, toàn bộ cuộc chiến này dựa trên cơ sở của một lời dối trá”.

Cũng trong nhiều tài liệu nghiên cứu sử học của Mỹ đã phải thừa nhận, những thông tin về vụ thảm sát tại Huế sau khi Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chiếm được cố đô là hoàn toàn vu cáo./.

 
 
Hiền Hương