Huế:

Huế sẽ đề xuất đưa khu Lục Bộ ra khỏi danh sách di sản cấp I

(Dân trí) - Ngày 29/11, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm phối hợp các cơ quan nghiên cứu điều chỉnh, chuyển khu vực Lục Bộ ra khỏi danh sách di sản cấp I.

Sẽ chuyển khu Lục Bộ xuống di sản cấp II

Lục Bộ là gọi tắt của khu Lục bộ đường, công sở của 6 bộ lúc xưa gồm Bộ Lại - Hộ - Lễ - Binh - Hình - Công của triều Nguyễn, nằm ở phía đông bên ngoài Hoàng thành. Đầu thế kỷ XX có thêm bộ Học, bố trí ở phía đông bộ Lễ. Khu vực này rộng hơn 5,5 ha, vốn đã bị thực dân pháp đốt cháy năm 1885 trong vụ Thất thủ kinh đô; thời vua Thành Thái (1889-1906) cho xây dựng lại nhưng quy mô nhỏ, kiến trúc khá sơ sài.

Sau năm 1945 đến năm 1975, phần lớn khu vực này bị triệt giải hoặc bị các cơ quan công quyền và dân cư chiếm cứ, xây dựng nhà cửa. Đến tháng 10 năm 2016, tại khu vực này có 249 hộ dân, 12 cơ quan, cơ sở thuộc nhà nước quản lý.

Khu vực Lục Bộ (khoanh vàng) cùng với các khu vực di tích khác (khoanh đỏ) trong Thành Nội Huế thuộc danh sách di sản cấp I. Hiện tại khu Lục Bộ đã mất gần hết yếu tố gốc khi còn 2 công trình chính và 3 nhà phụ (lúc xưa đời vua Thành Thái có đến 42 công trình chính, nhà phụ) và có dày đặc nhà dân (249), công sở (12) như trên không ảnh (ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp)
Khu vực Lục Bộ (khoanh vàng) cùng với các khu vực di tích khác (khoanh đỏ) trong Thành Nội Huế thuộc danh sách di sản cấp I. Hiện tại khu Lục Bộ đã mất gần hết yếu tố gốc khi còn 2 công trình chính và 3 nhà phụ (lúc xưa đời vua Thành Thái có đến 42 công trình chính, nhà phụ) và có dày đặc nhà dân (249), công sở (12) như trên không ảnh (ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp)

Được biết vào thời vua Thành Thái khu Lục Bộ có 30 công trình chính và 12 nhà phụ, giờ chỉ còn lại 2 công trình chính và 3 nhà phụ. Hai công trình chính là khu Thượng thư bộ Lại và bộ Công còn lại nằm ở đường Nguyễn Chí Diểu, TP Huế. Khu Lục Bộ hiện tại được bao quanh bởi 4 con đường trong Thành Nội là đường Nguyễn Chí Diểu, Đoàn Thị Điểm, Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn.

Khu thượng thư bộ Công
Khu thượng thư bộ Công

Và khu Thượng thư bộ Lại chỉ còn lại vài công trình chính và nhà phụ xuống cấp nghiêm trọng, hầu như không còn gì. Trước đây các khu này là người dân ở và làm cơ quan chính quyền sở tại
Và khu Thượng thư bộ Lại chỉ còn lại vài công trình chính và nhà phụ xuống cấp nghiêm trọng, hầu như không còn gì. Trước đây các khu này là người dân ở và làm cơ quan chính quyền sở tại

Vào năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế trở thành Di sản thế giới, bao gồm 16 điểm/khu di tích khác nhau, trong đó có Lục Bộ nằm trong danh sách di sản cấp I.

Do hiện trạng của Lục Bộ hiện tại còn rất ít di tích gốc từ đời vua Thành Thái và số nhà cửa của người dân quá lớn, nên mới đây, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với các ban ngành liên quan nghiên cứu và điều chỉnh khu vực bảo vệ các di tích trong Kinh thành, trong đó có khu Lục bộ. Cụ thể, khu Lục Bộ sẽ được điều chỉnh từ di sản cấp I xuống di sản cấp II.

Theo TS. Hải: “Việc điều chỉnh Lục Bộ từ di sản cấp I như dự kiến không hề đơn giản. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích phải được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đồng thuận và được Bộ VH,TT&DL phê duyệt. Sau đó, chúng ta phải bảo vệ thành công trước Ủy ban Di sản thế giới khi Việt Nam đệ trình hồ sơ tái đề cử cho quần thể di tích cố đô Huế”.

Giữ lại các di tích gốc của Lục Bộ thuộc khu vực I

Qua nghiên cứu thực tế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ dự kiến đề xuất Bộ VH,TT&DL chỉ giữ lại 2 khu Thượng thư bộ Lại và bộ Công (đường Nguyễn Chí Diễu) vẫn nằm trong khu vực I do đây là 2 khu vực còn giữ được một số công trình gốc, xây dựng thời vua Thành Thái. Toàn bộ phần còn lại sẽ chuyển thành khu vực II vì không còn yếu tố gốc, và dân cư đã xây cất nhà cửa, sinh sống từ lâu.

Huế sẽ đề xuất đưa khu Lục Bộ ra khỏi danh sách di sản cấp I - 4
Khu Thượng thư bộ Công với phần mái ngói, phần tường được nhà dân ở lúc trước làm lại một phần
Khu Thượng thư bộ Công với phần mái ngói, phần tường được nhà dân ở lúc trước làm lại một phần
Khu Thượng thư bộ Lại dường như không còn gì
Khu Thượng thư bộ Lại dường như không còn gì

Trao đổi với PV Dân trí ngày 29/10, TS. Hải cho biết, cần chú ý rằng, hiện nay toàn bộ các khu vực bên trong Kinh thành Huế đều được khoanh vùng I và II và được bảo vệ chặt chẽ bằng Luật Di sản văn hóa và các quy chế do tỉnh ban hành. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu để ban hành một bộ quy chế quản lý việc xây dựng trong Kinh thành phù hợp hơn. Chúng tôi cũng dự kiến quy hoạch lại khu Lục bộ chi tiết để bảo vệ và khai thác khu vực di tích này hiệu quả hơn.

Vì vậy, đưa phần lớn khu Lục bộ ra khỏi khu vực I không phải là chúng ta buông lỏng việc quản lý, trái lại đây là cách giải quyết vấn đề hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn để quản lý di tích tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện cho cuộc sống người dân. Bảo vệ di sản không phải là khóa chặt để “hóa thạch” di sản mà phải phù hợp với lợi ích của cộng đồng, được cộng đồng ủng hộ, đó là quan điểm nhất quán của UNESCO.

2 khu nhà Thượng thư bộ Công và bộ Lại còn lại ở Lục Bộ đã hư hỏng nghiêm trọng

Hiện trạng dân cư quá lớn tại khu vực I

Được biết theo số liệu điều tra năm 2003, chỉ tính trong khu vực bảo vệ I của Quần thể Di tích Cố đô Huế đã có trên 3.200 hộ dân cư với khoảng 15.000 người. Nếu tính cả toàn bộ số dân cư sống trong khu vực II của di tích thì con số này sẽ rất lớn, ước tính chừng 13-14 vạn người, chiếm hơn 1/3 tổng số dân cư của TP Huế.

Riêng tại khu Lục Bộ hiện có số lượng lớn với 249 hộ dân và 12 cơ quan, cơ sở thuộc nhà nước quản lý trên diện tích 5,5 ha. Phần lớn các hộ dân tại đây đều đã xây dựng nhà cửa kiên cố và sinh sống qua vài thế hệ. Vào năm 1991, khi khoanh vùng bảo vệ di tích, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa toàn bộ khu vực này vào khoanh vùng bảo vệ I.

Đường Mai Thúc Loan, rìa ngoài cùng của khu Lục Bộ hiện nhà cửa dân đã có sổ đỏ cùng hàng quán dày đặc
Đường Mai Thúc Loan, rìa ngoài cùng của khu Lục Bộ hiện nhà cửa dân đã có sổ đỏ cùng hàng quán dày đặc

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trao đổi, “Do ở khu vực I nên điều này đã gây ra muôn vàn khó khăn cho công tác quản lý và cuộc sống của người dân trong khu vực này. Vì theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khu vực I là vùng lõi, là khu vực bất khả xâm phạm...

Để giải thích vấn đề này, chúng ta cần hiểu hiểu một cách đầy đủ về vấn đề dân cư sống trong các khu vực di tích tại cố đô Huế, cả về quá trình hình thành, sự biến đổi theo thời gian và tình trạng hiện nay; vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đều có liên quan chặt chẽ với cuộc sống của họ. Giải quyết vấn đề này cũng là xử lý một vấn đề then chốt của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển”.

Được biết vào năm 1991, để chuẩn bị cho việc đề cử Quần thể di tích cố đô Huế vào Danh mục di sản thế giới của UNESCO, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng bộ hồ sơ khoa học và hồ sơ khoanh vùng bảo vệ cho các điểm/khu di tích. Năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế chính thức trở thành Di sản thế giới do UNESCO công nhận bao gồm 16 điểm/khu di tích khác nhau.

Tuy nhiên, do là lần đầu tiên làm hồ sơ di sản thế giới nên Huế còn rất thiếu kinh nghiệm, vì vậy, khi khoanh vùng bảo vệ di tích, một số hồ sơ đã khoanh vùng quá rộng, trong khi đó lại chưa khoanh vùng bảo vệ và xây dựng hồ sơ cho một số di tích khá quan trọng khác (như đàn Xã Tắc trong Kinh thành, cung An Định bên ngoài Kinh thành…), và giữa các điểm/khu di tích lại thiếu sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Hiện trạng khu Lục Bộ chỉ toàn nhà dân, công sở và hàng quán

Sẽ điều chỉnh một số điểm ở hồ sơ tái đề cử Quần thể di tích cố đô Huế

Theo TS. Phan Thanh Hải, từ thực tiễn của công tác bảo tồn và phát huy giá trị hơn 20 năm qua (kể từ năm 1993) đã nảy sinh những yêu cầu mới, đòi hỏi chúng ta phải có sự nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

Theo yêu cầu của UNESCO, tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã xây dựng Kế hoạch quản lý tổng thể cho quần thể di tích cố đô Huế, giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kế hoạch này đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt với sự đồng thuận của Bộ VH,TT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và nhận được sự đánh giá rất cao của Ủy ban di sản thế giới thuộc UNESCO.

“Chúng tôi đang tích cực xây dựng hồ sơ để tái đề cử cho Quần thể di tích cố đô Huế, dự kiến sẽ đệ trình sau năm 2018. Trong hồ sơ tái đề cử này, chúng tôi sẽ đưa bổ sung một số di tích vào hệ thống quần thể di tích cố đô, mở rộng khoanh vùng bảo vệ một số khu di tích theo hướng coi trọng cảnh quan văn hóa và các yếu tố phong thủy nguyên gốc của di sản, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các điểm/khu di tích mà sông Hương sẽ trở thành trung tâm của trục kết nối đó.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dự kiến sẽ khoanh vùng lại một số điểm di tích theo hướng giới hạn lại để phù hợp với thực tiễn hiện nay, tạo điều kiện cho cuộc sống người dân và cho sự phát triển nhưng không làm ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Huế” - TS Hải cho biết.

Một số hình ảnh về nhà dân, trụ sở, hàng quán dày đặc tại khu Lục Bộ:

Đường Lê Thánh Tôn với nhiều nhà, hàng quán
Đường Lê Thánh Tôn với nhiều nhà, hàng quán
Đường Đinh Tiên Hoàng giao Nguyễn Biểu
Đường Đinh Tiên Hoàng giao Nguyễn Biểu
Đường Nguyễn Chí Diểu
Đường Nguyễn Chí Diểu
Huế sẽ đề xuất đưa khu Lục Bộ ra khỏi danh sách di sản cấp I - 11
Huế sẽ đề xuất đưa khu Lục Bộ ra khỏi danh sách di sản cấp I - 12
Các trụ sở nhà nước
Các trụ sở nhà nước
Trường Mầm non 2
Trường Mầm non 2
Trường THCS Thống Nhất
Trường THCS Thống Nhất
Khách sạn Thành Nội... Hầu như không còn dấu tích gì của Lục Bộ lúc xưa ở diện tích 5,5 ha bao quanh bởi 4 con đường Mai Thúc Loan, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chí Diểu, Đoàn Thị Điểm trong Thành Nội hiện tại
Khách sạn Thành Nội... Hầu như không còn dấu tích gì của Lục Bộ lúc xưa ở diện tích 5,5 ha bao quanh bởi 4 con đường Mai Thúc Loan, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chí Diểu, Đoàn Thị Điểm trong Thành Nội hiện tại

Sơ đồ xưa của khu Lục Bộ (ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp)
Sơ đồ xưa của khu Lục Bộ (ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp)

Đại Dương