Hứa Kim Tuyền: "Cát-xê bài hát của tôi cao gấp 10 lần sau 5 năm"
(Dân trí) - Từ một cậu sinh viên theo ngành báo chí, Hứa Kim Tuyền chuyển sang viết nhạc và trở thành nhạc sĩ hot nhất nhì Vpop chỉ trong vòng 5 năm.
Hứa Kim Tuyền là nhạc sĩ đứng sau nhiều ca khúc ăn khách như "Ước mơ của mẹ", "Sài Gòn đau lòng quá", "Một ngày tôi quên hết", "Giữa đại lộ Đông Tây", "Chưa quên người yêu cũ"… Thậm chí từng có lúc, 6 bài hát do anh tham gia sản xuất cùng lọt vào danh mục thịnh hành trên YouTube Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí, Hứa Kim Tuyền chia sẻ nhiều câu chuyện về sáng tác, phản hồi tranh cãi "đạo nhạc" và hé lộ thêm thu nhập sau 5 năm vào nghề.
"Nếu có cơ hội, tôi vẫn sẽ làm việc với Chi Pu"
27 tuổi đã được khán giả phong tặng biệt danh "phù thủy tạo hit", cảm giác của Hứa Kim Tuyền thế nào?
- Tôi không bao giờ tự nhận mình là "phù thủy tạo hit" vì khi mãn nguyện với chính mình thì chắc chắn sẽ bị tụt lại. Tôi luôn nói với mọi người rằng "bài hát hay nhất vẫn chưa được viết ra", để làm động lực cho mình bước tiếp.
Tất nhiên, tôi trân trọng sự đón nhận và phản ứng từ khán giả. Những số liệu, thứ hạng hay thành tích bài hát cho thấy tôi cũng đã đạt được điều gì đó trong sự nghiệp đấy chứ. Nhưng để nói là thành công mỹ mãn thì chưa!
Gần đây trên YouTube có nhiều bình luận nói vui nói rằng "đi đâu cũng thấy nhạc Hứa Kim Tuyền". Bạn nghĩ sao?
- Có đôi lúc tôi nghĩ hay mình thử đổi nghệ danh mà không nói cho ai biết, để mọi người thử tiếp cận ca khúc của tôi bằng một cái nhìn khác, thay vì những suy nghĩ quen thuộc từ trước tới giờ xem sao (cười).
Có vẻ như Hứa Kim Tuyền ngoài đời rất khác với sự tưởng tượng của khán giả về bạn trong âm nhạc?
- Đúng. Mọi người khi gặp tôi thường… rất sốc, vì cứ tưởng tôi là người trầm tính, khó gần. Nhưng thực ra tôi lúc nào cũng đầy năng lượng. Nếu so sánh thì tôi thấy mình cứ như nhân vật hoạt hình, cứ "nhây nhây" vậy đó (cười). Thậm chí nhiều người còn không tin tôi là người đã viết nên những ca khúc đó.
Hồi tháng 9 vừa qua, ca khúc "Sashimi" (Chi Pu thể hiện) vấp phải những tranh cãi cho rằng ca từ phản cảm. Ở vai trò là nhạc sĩ, Hứa Kim Tuyền đã giải thích ý nghĩa tả thực của bài hát là về ẩm thực nhưng vẫn chưa thuyết phục được số đông khán giả?
- Tôi là người cầu thị. Có lẽ ca từ bài "Sashimi" không phù hợp văn hóa Á Đông, khiến mọi người thấy nó sai trái. Đó là lỗi của tôi và tôi sẽ rút kinh nghiệm để những sản phẩm sau không đi vào vết xe đổ này nữa.
Tất nhiên, trong công việc sáng tạo, nhạc sĩ luôn muốn thực đơn âm nhạc của họ được đa dạng hơn nhưng nếu điều đó làm người nghe khó chịu, tôi sẽ nghiêm túc tự nhìn nhận lại mình. Đây cũng là bài học để tôi suy nghĩ đâu là giới hạn cho sự sáng tạo của mình và đặt ra những thước đo mới, chuẩn mực mới để mình làm tốt hơn.
Khi một ca khúc thất bại, nhạc sĩ liệu có suy nghĩ trách móc, đổ lỗi cho ca sĩ? Trong tương lai, bạn có tiếp tục làm việc với Chi Pu?
- Tôi buồn thì có buồn nhưng không trách Chi, vì sản phẩm là tổng thể chung mà. Tôi phải tự nhìn lại bản thân trước. Dù sao nếu có cơ hội, tôi vẫn sẽ làm việc với Chi.
Đồng ý rằng giọng hát không phải là lợi thế của Chi nhưng những mặt còn lại của Chi thì rất tốt. Chi rất nghiêm túc, có thể thu âm đến 2h sáng mà không than thở lời nào. Mức độ đầu tư và sự nghiêm túc của Chi vào các sản phẩm cũng rất cao.
Một số ca khúc của Hứa Kim Tuyền từng vướng nghi vấn đạo nhạc. Bạn phản hồi thế nào?
- Tôi nghĩ khán giả Việt Nam chưa hiểu và phân biệt rõ những khái niệm trong âm nhạc. Cái mà mọi người gọi là đạo nhạc, chủ yếu là sự tương đồng về hòa thanh mà thôi. Khi thấy sự trùng lặp hòa thanh, họ mặc định đó là đạo nhái, sao chép ý tưởng. Nhưng thực tế, đây là điều bình thường, bởi những hòa thanh dễ nghe, được sử dụng nhiều trong nhạc Pop thì chỉ có một số lượng nhất định. Còn nếu phân tích vấn đề đạo nhạc thì phải xét nhiều yếu tố, từ hòa thanh, giai điệu, tiết tấu, phối khí cho đến thể loại.
Mỗi lần vướng tranh cãi đó, tôi cứ kiên nhẫn giải thích, rồi từ từ mọi người cũng sẽ hiểu thôi. Những gì người ta không biết mà mình biết thì mình nên có trách nhiệm phổ cập.
"Không hề có chuyện tôi ưu ái Lady Mây"
Từ chàng trai theo ngành báo chí truyền thông trở thành nhạc sĩ thành công nhất nhì Vpop, quá trình đó diễn ra thế nào?
- Thú thực cơ duyên dẫn tôi đến âm nhạc cũng khá hài hước. Năm cấp 2, có lần lớp tôi thi văn nghệ nhưng không chọn được bài hát. Thế rồi tôi lên YouTube tìm beat và tự sáng tác nhạc luôn. Nhưng oái oăm là lớp tôi bị đánh rớt chỉ vì hát một bài không ai biết.
Những năm sau đó, tôi vẫn kiên trì viết nhạc, cho đến năm lớp 10 mới được công nhận. Lên đại học, dù học ngành truyền thông nhưng tôi vẫn tôi sinh hoạt trong các câu lạc bộ văn nghệ, học thêm nhạc lý.
Năm 2016, tôi thi "Sing my song". Dù sự xuất hiện rất nhạt nhòa nhưng có lẽ đó là cột mốc khiến tôi có thêm động lực theo đuổi âm nhạc. Tôi nhận ra mình không thể "2 chân 2 thuyền" được nên quyết định chơi lớn, "đoạn tuyệt" luôn với ngành truyền thông để tập trung viết nhạc.
Là dân tay ngang rẽ sang nghề sản xuất nhạc, vì sao Hứa Kim Tuyền thành công nhanh chóng như vậy?
- Phải nói rằng những năm theo đuổi ngành báo chí truyền thông đã giúp tôi có những mối quan hệ trong nghề giải trí. Đó là lợi thế rất lớn của tôi. Có lần, tôi đi phỏng vấn chị Tóc Tiên. Tình cờ thí sinh "The Voice" trong đội của chị ấy đang tập luyện một ca khúc do tôi sáng tác. Khi tôi nói "bài hát này em viết nè", chị Tiên rất bất ngờ và bảo tôi gửi demo cho chị nghe thử.
Đó cũng là cơ duyên khiến ca khúc "Hôm nay tôi cô đơn quá" của tôi được chị Tóc Tiên thể hiện. Rồi sau thời gian đó, tôi cũng có một vài dự án với những ca sĩ khác. 22 tuổi, bắt đầu làm nhạc sĩ, thu nhập không nhiều nhưng tôi cũng đủ sống.
Hai năm gần đây, tên tuổi Hứa Kim Tuyền liên tục phủ sóng với những bản hit được khán giả yêu thích. Bạn có thấy mình đang… tới thời?
- Mọi người bảo tôi là hitmaker (người tạo các ca khúc hit - PV). Đó là vì họ không biết số lượng bài thất bại của tôi thôi (cười). Nhưng tôi nghĩ mỗi bài hát có một số phận, có thể nó chưa nổi vì chưa đến thời điểm. Cũng có những bài hát bùng nổ ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đó mới là sự thú vị, cái gì mà cũng đoán trước được thì không vui (cười).
Một nhạc sĩ "hot" như Hứa Kim Tuyền thì cát-xê sáng tác hay tác quyền chắc sẽ rất "khủng"?
- Từ lúc viết nhạc đến giờ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải làm giàu. Chỉ đơn giản là tôi làm nhạc, tôi kiếm được tiền, tôi đủ sống. Chuyện tiền nong chưa bao giờ là gánh nặng với tôi. Không phải gia đình tôi giàu mà tôi quan niệm có nhiêu ăn nhiêu, nhu cầu cuộc sống rất đơn giản.
Tất nhiên, làm nhạc thì cũng phải thương lượng giá cả nhưng tôi chưa bao giờ đặt nặng vấn đề đó, thậm chí sẵn sàng hạ giá, tặng bài hát cho ca sĩ để hỗ trợ họ.
So với thời gian đầu, thu nhập của Hứa Kim Tuyền hiện tại ra sao?
- Cả cát-xê bài hát và tiền tác quyền đều tăng lên khoảng 10 lần (cười). 5 năm làm nhạc, tôi cũng có những khoản tích góp để giúp đỡ gia đình, mua nhà mua xe. Nhưng tôi vẫn phải đi vay ngân hàng chứ không phải trả hết được toàn bộ (cười).
Giá một bài hát của Hứa Kim Tuyền hiện ở mức nào, bạn có thể bật mí?
- Nói một cách khéo léo thì giá bài hát của tôi nó ở mức tương xứng với chất xám, chất lượng làm việc và những gì tôi cống hiến cho nghệ thuật. Tôi nghĩ nó thuộc mức vừa phải, không phải gọi là cao quá, nhưng cũng không hề thấp!
Cái khó của tôi là tôi… làm biếng. Hồi trước tôi "sung" hơn, bây giờ tôi kén chọn lắm. Tôi chỉ thích làm việc với những nghệ sĩ có cùng tần số, phù hợp tính cách hoặc có chung hướng đi trong âm nhạc.
Gần đây, bài "Cám dỗ" (Lady Mây thể hiện trong "Ca sĩ mặt nạ") cũng vướng một số nghi vấn cho rằng Hứa Kim Tuyền "học hỏi" từ "Forever and one" hay "Sky fall". Bạn giải thích sao?
- Đây tiếp tục là câu chuyện mà người nghe vì chưa tiếp xúc đa dạng với nhiều thể loại âm nhạc, nên chỉ cần sự tương đồng về tinh thần bài hát thôi là họ đã quy kết đạo nhạc, sao chép. Các bài hát này đều có chung một bầu không khí, cảm giác ma mị, hừng hực khí thế. Thể loại này khá ít tại Việt Nam. Chính vì vậy, khi nghe "Cám dỗ" khán giả dễ so sánh với những ca khúc quốc tế.
Trong chương trình "Ca sĩ mặt nạ", dân mạng cho rằng Hứa Kim Tuyền ưu ái Lady Mây, có đúng không?
- Không hề có chuyện tôi ưu tiên người nào. Tôi viết nhạc, sau đó gửi demo cho nhà sản xuất và nhà sản xuất sẽ gửi đến các ca sĩ. Ca sĩ nào thích thì sẽ "chốt đơn" trước. Tôi không hề biết ai sẽ chọn hát bài của mình. Đây cũng là trường hợp mà tôi muốn thử xem nếu mình không là người quyết định ai hát, thì "số phận" ca khúc sẽ như thế nào. Vì tôi tin tưởng chương trình, tin tưởng anh Hoài Sa (ban nhạc Hoài Sa đảm nhận việc phối lại các ca khúc trong chương trình - PV).
Những bài như "Anh chưa thương em đến vậy đâu" hay "Cám dỗ", đều từng bị một, hai ca sĩ từ chối trước khi đến với Lady Mây đấy chứ. Nói một cách vui vui thì Lady Mây như đang "gom hụi chót" vậy đó (cười). Vô tình những bài đó đạt hiệu ứng tốt nên mọi người thắc mắc, nhưng câu chuyện đằng sau nó chỉ đơn giản như vậy thôi.
"Nếu một ngày không viết nhạc được nữa, tôi sẽ… đi bán nến"
Hứa Kim Tuyền nghĩ sao về mối quan hệ của các nhạc sĩ Việt Nam? Đó có phải là môi trường đầy tính ganh đua, cạnh tranh nhau?
- Cạnh tranh tất nhiên là có, nhưng đều là sự cạnh tranh lành mạnh. Kiểu như chúng tôi sẽ phấn đấu làm nhạc hay để giống bạn, thậm chí là hơn bạn chẳng hạn. Nghệ sĩ đều là những người có tâm hồn nhạy cảm, muốn được công nhận bằng khả năng thay vì chiêu trò.
Một bộ phận khán giả vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn về vai trò của nhạc sĩ. Khi nghĩ đến một bản hit, họ thường nhớ đến ca sĩ nhiều hơn. Bạn có thấy chạnh lòng vì điều đó?
- Tôi không quan trọng điều đó. Điều tôi quan tâm là sản phẩm mình tạo ra, còn danh tiếng thì từ từ rồi cũng có. Nói một cách tâm linh là nếu cứ quan tâm đến tiền bạc danh vọng quá thì… tổ cũng không độ (cười).
Các tác phẩm của Hứa Kim Tuyền dù vui hay buồn đều có màu sắc mơ mộng. Bạn mang sự lãng mạn và mơ mộng của mình vào âm nhạc như thế nào?
- Tôi từng nghe người ta nói âm nhạc của tôi hơi bay bổng, thiếu thực tế, thiếu sự đào sâu bên trong. Nhưng có một câu hát phản ánh đúng tinh thần của tôi, đó là "cuộc đời này là màu hồng". Tôi nghĩ mình đã tìm được lát cắt của riêng mình mà qua đó mình nhận được sự đồng cảm của khán giả.
Cuộc đời tôi cũng trải qua nhiều mất mát chứ. Ba tôi mất năm 18 tuổi, gia đình trải qua nhiều biến cố, ông bà cũng không còn. Nhưng tôi thấy cuộc đời vẫn đẹp. Mỗi ngày, tôi tìm kiếm những câu chuyện tích cực từ mạng xã hội, từ cuộc sống, mọi người xung quanh. Những điều đó ảnh hưởng tôi nhiều hơn là những điều tiêu cực.
Tất nhiên, con người ai cũng có góc khuất, có những lúc muốn gào lên chửi cả thế giới. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, những thứ "độc hại" chỉ tồn tại trên mạng thôi. Đó là nơi người ta chẳng biết ai với ai, dễ bộc lộ phần "con" của họ. Còn ngoài đời thực, cách cư xử của con người trong xã hội vẫn rất "người".
Nhưng Hứa Kim Tuyền sẽ giữ sự bay bổng đó đến bao giờ?
- 5 năm trước, người yêu cũ từng nói với tôi rằng để xem tôi còn nhìn cuộc đời màu hồng đến khi nào, nhất là khi tôi làm việc trong môi trường showbiz - nơi có tính đào thải, cạnh tranh rất cao. Nhưng hiện tại, tôi vẫn khẳng định chẳng có gì thay đổi. Có người bảo do tôi đang ở đỉnh cao sự nghiệp nên nhìn mọi thứ tươi sáng như vậy. Nhưng không, đó là bản chất của tôi mà.
Cảm hứng sáng tạo dù dồi dào cỡ nào cũng sẽ có lúc cạn. Hứa Kim Tuyền nghĩ sao?
- Nguồn năng lượng sáng tạo nếu được trau dồi, sẽ có thể tồn tại lâu dài. Tôi ít khi bị lệ thuộc vào người khác vì tôi luôn tìm kiếm cảm hứng từ mọi thứ xung quanh, từ trải nghiệm của chính mình.
Nhưng quy luật của cuộc sống chính là khi mình già đi, năng lượng sáng tạo cũng già theo. Ai rồi cũng đến giai đoạn đó thôi. Quan trọng là lúc đó, mình làm gì? Nếu một ngày nào đó tôi không thể sáng tạo được nữa, thì tôi sẽ truyền đạt lại kinh nghiệm của mình cho thế hệ sau, giúp đỡ các bạn trẻ.
Vậy nếu một ngày không còn viết nhạc, không còn nổi tiếng, Hứa Kim Tuyền sẽ làm gì?
- Tôi thích mùi thơm, nên có lẽ sẽ đi… bán nến, nước hoa chẳng hạn. Tôi cũng đã đi học về nến thơm rồi và đã lập kế hoạch, chuẩn bị tinh thần cho mọi thứ có thể xảy ra trong cuộc đời này.
Cảm ơn Hứa Kim Tuyền vì cuộc trò chuyện này!