Học sinh trải nghiệm vẽ mặt nạ hát bội Bình Định

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều học sinh lần đầu tiên được giao lưu, trải nghiệm và tìm hiểu nghệ thuật hát bội, bài chòi Bình Định tại Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan.

Ngày 29/4, tại Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan (thị xã An Nhơn, Bình Định), Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Thông tin thị xã tổ chức chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống Bình Định và bế mạc Ngày hội văn hóa đọc năm 2023.

Chương trình có sự tham gia của nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt rất đông học sinh đến trải nghiệm bản sắc văn hóa bản địa.

Học sinh trải nghiệm vẽ mặt nạ hát bội Bình Định - 1

Nghệ nhân hát bội trang điểm rất công phu để tạo ra thần thái khi diễn xuất (Ảnh: Doãn Công).

Tại chương trình, NSND Xuân Hợi, NSND Phương Thảo và các nghệ sĩ khác của Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định đã giới thiệu về nghệ thuật hát bội, nghệ thuật hóa trang, mặt nạ hát bội, nghệ thuật bài chòi, võ cổ truyền.

Học sinh trải nghiệm vẽ mặt nạ hát bội Bình Định - 2

Các em học sinh thích thú trải nghiệm vẽ mặt nạ hát bội và tìm hiểu về môn nghệ thuật này (Ảnh: Doãn Công).

Đặc biệt, các em học sinh rất thích thú với trải nghiệm vẽ mặt nạ hát bội bằng vật liệu composite do cựu binh Trần Ngọc Vân hỗ trợ miễn phí. Đây không chỉ là trải nghiệm mà còn là hoạt động ý nghĩa giúp các em hiểu hơn về văn hóa bản sắc của người Bình Định.

Chương trình cũng trình diễn các tác phẩm của thi sĩ Yến Lan. Ông Lâm Trường Định, cháu nội thi sĩ Yến Lan, cho biết hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan năm nay diễn ra nhiều hoạt động tặng sách, triển lãm sách, thi vẽ tranh cho thiếu nhi, học sinh kể chuyện và làm theo sách, bình chọn Đại sứ văn hóa đọc.

Các hoạt động này nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc đến với cộng đồng, đồng thời để người dân địa phương, bạn đọc và những người yêu thơ Yến Lan hiểu sâu hơn về văn hóa, nghệ thuật của vùng đất Bình Định.

Yến Lan (1916-1998, quê quán Bình Định), tên thật là Lâm Thanh Lang, là một nhà thơ, nhà viết kịch Việt Nam. Ông còn có bút danh khác là Xuân Khai. Ông sáng tác thơ từ sớm và cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành "Bàn thành tứ hữu" tức là bốn người bạn thơ đất Bình Định, nổi tiếng trên thi đàn lúc bấy giờ.