Hiểu về trái tim: Vì sao ta lại phải nhàm chán (kỳ 2)
(Dân trí) - Tình cảm nếu không tiến sâu vào những trạng thái tâm lý như bình yên, thấu hiểu, chấp nhận, chia sớt, nâng đỡ, tha thứ, trách nhiệm thì nó sẽ sớm trở thành một thứ nhàm chán.
Bình thường hóa cảm xúc
Khi ta yêu thích một đối tượng nào đó và quyết lòng muốn chiếm hữu mà không thể kiên trì chờ đợi hay không màng đến cái giá phải trả, nghĩa là ta đã bị cảm xúc khống chế. Do những ưu điểm của đối tượng kia đã đáp ứng đúng nhu cầu hay sở thích của ta, nên tâm tưởng ta đã không ngừng tái hiện những hình ảnh tuyệt vời ấy lên bề mặt ý thức và còn phóng đại lên gấp nhiều lần để nâng cao mức thỏa mãn. Cho nên trong khi yêu thích mà để cho cảm xúc can thiệp quá nhiều thì chắc chắn cái nhìn của ta về đối tượng sẽ không còn chính xác nữa. Điều này cũng đúng trong trường hợp ta đang trong trạng thái tức giận hay ghét bỏ, như câu ngạn ngữ “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng méo”. Dù ta không hề chủ động thêu dệt hình ảnh, thậm chí ta còn không biết tâm tưởng của mình đang thêu dệt, nhưng một khi ta có ý niệm yêu thích và muốn chiếm hữu thì cơ chế tâm thức sẽ tự động tìm cách phóng đại những dữ liệu mà ta đã lưu trữ trong tiềm thức để nâng cao mức thỏa mãn cảm xúc.
Khi càng yêu thích thì ta càng không thể nhìn thấy những khuyết điểm của đối tượng, nếu có thì ta cũng không cho đó là vấn đề quan trọng mà thậm chí còn thấy nó thật đáng yêu. Nói chung vì ta muốn đối tượng ấy thuộc về mình, là một phần của cuộc đời mình, nên những gì liên quan đến đối tượng ấy ta đều thấy yêu thích. Nhưng bản chất của cảm xúc chỉ là một nguồn năng lượng tạm thời để bộc lộ sự yêu thích hay ghét bỏ, cho nên có lúc nó lên cao trào và có lúc nó xẹp xuống ở vị trí rất thấp. Nghĩa là cảm xúc dù tốt hay xấu rồi cũng sẽ bão hòa, nó sẽ trở lại trạng thái bình thường nên còn được gọi là “bình thường hóa cảm xúc”. Vì thế nếu ta càng yêu thích cuồng nhiệt thì cảm xúc càng mau chóng bão hòa. Khi ấy ta sẽ giật mình đến nỗi không tin vào mắt mình vì bỗng dưng ta thấy người ấy không còn tuyệt vời như trước nữa, trái lại họ còn bộc lộ nhiều khuyết điểm mà ta không thể chấp nhận được. Người ta thường nói hai năm sau hôn nhân thì “bộ mặt thật” của nhau sẽ tự động phơi bày ra. Có thể do người kia không còn đủ sức để tiếp tục trình diễn hay cố gắng nữa vì nhu cầu thỏa mãn đã đạt tới đỉnh, còn một lý do quan trọng khác là niềm đam mê của ta đã lắng xuống nên ta có thể thấy đúng đắn hơn về đối tượng.
Một khi đã bị những khuyết điểm của đối phương tác động làm cho cảm xúc xấu trong ta phát sinh thì nó dễ dàng trở thành bức tường ngăn cách khiến ta không thể đến với họ một cách tự nhiên nữa. Có sự dè dặt và một chút khinh thường. Nếu bức tường ngăn cách ấy quá lớn, đến nỗi cảm xúc không thể trở lại mức yêu thích như cũ thì sự nhàm chán sẽ xảy ra. Dù đối tượng ấy trước sau vẫn giữ nguyên vẹn tính đáng yêu, nhưng vì cảm xúc yêu thích trong ta bị bão hòa hay tự động tăng vọt qua mức đáp ứng của đối tượng ấy thì ta vẫn rơi vào trạng thái nhàm chán.
Từ nhàm chán đến phản bội nhau là một khoảng cách rất ngắn, nếu mối liên hệ ấy không có ý thức trách nhiệm cao để ràng buộc. Ta thấy hầu hết những cuộc hôn nhân đổ vỡ đều có những lý do rất chính đáng, nhưng có một điều rất sâu sắc mà không ai tiện nói ra là do bên này không thể đáp ứng được mức thỏa mãn cảm xúc cho bên kia. Đó là thứ “tai nạn của hôn nhân” vì không ai có thể lường được sự nhàm chán lại có thể mau chóng thay thế vị trí tình yêu đã một thời cháy bỏng. Vì vậy ta hãy cảnh giác với kiểu “yêu hết mình”, sự nồng nhiệt ấy thông thường chỉ là sự trá hình của cảm xúc thỏa mãn ích kỷ, nên càng cố gắng thăng hoa cảm xúc thì ta càng tiến gần đến sự nhàm chán nhau. Bởi mức cảm xúc thỏa mãn thì vô cùng còn khả năng phục vụ cảm xúc thì luôn có giới hạn.
Thương sao cho vẹn thì thương
Ngay cả với thực phẩm, y phục, các loại tiêu khiển giải trí hay vật dụng bình thường mà ta vẫn không ngừng thay đổi “gu” yêu thích thì chứng tỏ năng lượng cảm xúc trong ta rất mạnh và nó thường xuyên can dự vào thái độ sống của ta. Hãy cẩn thận và cố gắng tránh xa nó, vì cảm xúc rất dễ qua mặt những kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc; do vậy mà sau những trận cảm xúc thuộc dạng “cơn bão” thì ta luôn thấy hối tiếc cho những phản ứng nói năng và hành động của mình. Những cảm xúc thuộc loại cạn thường được thể hiện qua mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý tưởng tượng. Bởi khi các giác quan ấy tiếp xúc với đối tượng thì ta hay có thói quen thể hiện thái độ thích hay không thích ngay lập tức. Có người phản ứng rất nhạy với hình ảnh, có người lại bị dao động mạnh vì âm thanh. Các nhà quảng cáo dựa vào điểm này mà khai thác cảm xúc khách hàng. Vì khi những hình ảnh và âm thanh hấp dẫn liên tục đập vào mắt và tai thì nó sẽ tự ghi nhớ trong não bộ, đến lúc nào đó sẽ hình thành phản ứng bất chợt là bằng mọi giá phải chiếm lấy đối tượng cho bằng được.
Người ta thường nói đàn ông “yêu bằng mắt” còn phụ nữ “yêu bằng tai”, nghĩa là cơ chế cảm xúc của phái nam thường tập trung ở phần thị giác, còn cơ chế cảm xúc của phái nữ thường tập trung ở phần thính giác. Thực tế cho thấy đàn ông luôn xem trọng việc chọn lựa đối tượng xinh đẹp, còn phụ nữ thì thích nghe những lời khen ngợi, ca tụng và ngay cả những lời nói dỗ ngọt “có cánh”. Nhưng chức năng của tai thường lớn rộng hơn chức năng của mắt, bởi mắt luôn bị giới hạn bởi không gian, vì thế “yêu bằng tai” sâu sắc và hệ lụy nhiều hơn “yêu bằng mắt”. Cũng dễ hiểu, bởi lời nói vừa thể hiện được sự hiểu biết, nghị lực và cả những cung bậc cảm xúc, hoàn toàn có lợi thế hơn hình thể. Nhưng dù “yêu bằng mắt” hay “yêu bằng tai” thì cũng là những loại tình cảm được xây dựng trên nền tảng của cảm xúc cạn, nó sẽ dễ dàng thay đổi khi không được tiếp tục cung cấp những hình ảnh và âm thanh như thế nữa, hoặc khi đón nhận những hình ảnh và âm thanh khác hấp dẫn hơn. Tình cảm nếu không tiến sâu vào những trạng thái tâm lý như bình yên, thấu hiểu, chấp nhận, chia sớt, nâng đỡ, tha thứ, trách nhiệm thì nó sẽ sớm trở thành một thứ nhàm chán.
Người sống bằng những nghề phải thể hiện những cung bậc cảm xúc cao độ, hay những người nổi tiếng được rất đông người ngưỡng mộ thì luôn sở hữu một “kho tàng” cảm xúc cộng hưởng. Do đó mức độ nhạy cảm đối với cảm xúc tốt hay cảm xúc xấu của họ lúc nào cũng hơn hẳn người bình thường, và vì thế mà họ rất dễ nhàm chán những cảm xúc cũ kỹ và luôn mong muốn tìm tới cảm xúc mới và mạnh mẽ hơn. Đó là nguyên nhân đưa tới sự thiếu thủy chung trong tình cảm hay hôn nhân của những người có nhiều cảm xúc. Đôi khi chính họ thật sự không muốn có sự đổ vỡ. Họ cũng cố gắng tìm mọi cách để níu kéo nhưng lại không thể đối đầu mãi với cảm xúc nhàm chán của mình. Nói chung người có cảm xúc quá lớn rất dễ thua cuộc với chính mình. Biết không nên làm mà vẫn làm, biết nên làm mà vẫn làm không được.
Bây giờ người ta dùng chữ “yêu” để chỉ việc thỏa mãn cảm xúc, làm như tình yêu chỉ có bấy nhiêu đó thôi vậy. Nhan nhãn trên khắp các báo đài người ta luôn đặc biệt quan tâm đến cách “yêu” làm sao để cho đôi bên được thỏa mãn. Song kết quả thực tế là con người ngày nay càng biết cách thăng hoa cảm xúc lên tới tuyệt đỉnh thì càng dễ nhàm chán và phản bội nhau. Đó là con đường rất sai lầm. Sai lầm từ tâm lý đến cả đạo đức. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã từng nhắc nhở: “Thương sao cho vẹn thì thương”. Chữ “vẹn” tức là vừa có tình vừa có nghĩa. “Tình” là mang lại những cảm xúc thỏa mãn, còn “nghĩa” thì đem tới sự nâng đỡ và chia sớt. Nếu ta tuyên bố thương người nào thì ta phải tự hỏi mình có đủ cả tình và nghĩa không? Tất nhiên cái nghĩa mới là chất liệu gắn bó lâu dài, còn cái tình vốn rất ngắn ngủi nhưng lại là thứ không thể thiếu trong tình yêu. Cho nên cụ Nguyễn Du thật tinh tế khi khuyên ta phải nên có đủ cả hai. Tuy nhiên, tâm thức hay cảm xúc của con người cũng sẽ biến đổi theo thời gian. Đến độ tuổi nào đó, nhất là qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, tự nhiên ta sẽ sống với nhau vì nghĩa nhiều hơn. Nhưng ngay khi còn trẻ mà ta có thể làm được việc ấy, đặt chữ nghĩa trước chữ tình mà vẫn an ổn đi tới, thì tình cảm sẽ rất bền chặt.
Nếu ta biết mình có tính hay nhàm chán thì ngay từ bây giờ ta hãy quyết tâm thực tập buông bỏ bớt cảm xúc tốt và chấp nhận những cảm xúc xấu. Ngay khi đón nhận bất cứ cảm giác nào qua các giác quan thì ta cũng chỉ nên nhận diện rõ đối tượng và cảm giác ấy mà đừng cho thêm vào đó thái độ của mình nếu không cần thiết. Một cảm giác khi không mang theo thái độ thích hay không thích thì nó không biến thành cảm xúc. Trong trường hợp ta đang bị năng lượng nhàm chán thúc đẩy thì hãy cố gắng đừng tin đó là cảm xúc thật mà có những quyết định nông nổi. Ta phải mau chóng dừng lại mọi tranh đấu lao xao bên ngoài, cố gắng tạo ra một môi trường thuận lợi để nhìn lại và làm mới cảm xúc của mình.
Dưới ánh sáng của tỉnh thức, những đòi hỏi nhỏ nhen sẽ tan biến, và những năng lượng tích cực như yêu thương hay trách nhiệm sẽ được khơi dậy. Cho nên cảm xúc tuy đóng vai trò khá quan trọng trong việc thể hiện tình cảm và thái độ sống, nhưng nếu không được sự tỉnh thức và hiểu biết đúng đắn dẫn đường thì nó sẽ khiến ta trở thành nạn nhân khổ đau của chính mình, trong đó sự nhàm chán và phản bội nhau là điều đáng tiếc nhất.
Không đuổi theo cảm xúc
Luôn nhìn lại chính mình
Đã thương thì phải hiểu
Mới vẹn nghĩa trọn tình.
Minh Niệm
Trích sách “Hiểu về trái tim”
Theo First News