Gốc thị 80 tuổi - "nhân chứng" cho cuộc hôn nhân hạnh phúc nửa thế kỷ
(Dân trí) - 50 mùa thị nở hoa kết trái là từng ấy năm ông Thịnh bà Lá về chung một mái nhà. Mùa thị năm nào ông cũng tự tay hái quả cho bà đem ra chợ bán, thoắt cái đã nửa thế kỷ trôi qua.
Giữa một góc sân nhà ông Thịnh (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) lừng lững bóng cây thị gần 100 năm tuổi tỏa bóng mát. Ông Thịnh không nhớ rõ cây thị có từ bao giờ, chỉ nhớ là khi lớn lên cây thị đã nở hoa, kết quả tỏa hương khắp một khoảng sân nhà.
"Tôi sinh năm 1942, tuổi thơ lớn lên cùng cây thị này. Chẳng ai biết nó mọc từ bao giờ. Đám trẻ trong làng thời bấy giờ chơi trốn tìm xung quanh, nô đùa nhau dưới gốc thị là những ký ức đẹp mà tuổi thơ tôi từng có.
Dưới gốc thị xưa kia là một hầm trú ẩn thời chiến tranh, muốn xuống hầm cứ bám rễ thị mà xuống. Giặc về càn quét thì dưới gốc thị là chỗ trú thân. Những ký ức về năm tháng ấy khó quên lắm", ông Thịnh rưng rưng nhớ lại.
Năm 1971 ngày đón bà Lá về làm dâu, gốc thị cũng tỏa bóng mát cả khoảng sân như chứng giám cho cuộc hôn nhân của hai ông bà. Mỗi mùa thị đến ông lại tự tay hái những chùm quả thị thơm lừng đặt nhẹ nhàng vào thúng để hôm sau cho bà đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Ông kể: "Hái thị xong thì phải để ngoài sân, chứ mang vào nhà cả đêm không ngủ được vì mùi thơm của thị. Sáng hôm sau tôi gánh thị cho bà ra chợ ngồi bán. Quá trưa hết thị bà mới về. Nhưng sức khỏe bà ấy yếu lắm, bán được một buổi thì ngồi than mệt. Tôi bảo mẹ: "Lấy cho "nó" bát cơm nguội, "nó" ăn miếng là tỉnh ra ngay".
Thời tôi là vậy đó, chẳng bao giờ xưng anh em hay nói những lời yêu đương mặn nồng thế mà sống với nhau cả nửa thế kỷ không bao giờ cãi vã", ông Thịnh kể.
Ông Thịnh tự nhận bản thân ông là một người khô khan, ít khi thể hiện tình cảm bằng lời nói. Ông thể hiện tình cảm bằng hành động và sẵn sàng lắng nghe bà sẻ chia. Có lẽ vì vậy mà ông bà luôn hạnh phúc đến tận bây giờ.
"Hơn 50 năm chung sống tôi chưa một lần đụng tay đụng chân với bà ấy. Có cáu quá thì gắt gỏng vài câu, thấy bà ấy nhịn không nói gì thì tôi cũng im. Các cụ nói nào có sai "Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê", ông Thịnh cười nói.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, con dâu ông bà chia sẻ: "Mỗi mùa thị tới, cứ mùng 1 hay ngày rằm ông lại hái thị xuống cho bà dâng lên thắp hương tổ tiên. Mùi thị thơm bay khắp nhà khiến không gian ấm cúng và an yên vô cùng.
Ông bà luôn răn dạy các con về đạo lý vợ chồng. Nhờ đó mà các cuộc sống hôn nhân của anh chị cũng bền đẹp, hạnh phúc. Mỗi mùa thị về các con các cháu quây quần ở góc sân nhặt thị cùng ông bà, với tôi đó là sự bình yên, êm ấm mà bất kể gia đình nào cũng mong muốn".
Gốc thị đã già nhiều người khuyên ông Thịnh nên chặt vì sợ mưa to gió lớn bật gốc ông đều xua tay. Cây tự mọc, tự sống cả gần thế kỷ gắn bó với gia đình ông như một vị thần không thể cứ bảo chặt là chặt.
Ông Thịnh nói: "Từng ấy thời gian cây thị chỉ lặng yên chứng kiến cuộc đời của tôi, minh chứng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc của tôi và bà, giờ là bóng mát ôm ấp tuổi thơ cho con cháu. Mỗi mùa thị về chỉ cần ngửi thấy mùi thị thoang thoảng bay khắp sân là tôi biết một mùa "hạnh phúc" lại về".