Giới Sử học đã khóc khi thực hiện cuốn sách về nạn đói năm 1945

(Dân trí) - “Trong quá trình đi thực địa, điều tra, gặp gỡ các gia đình có nạn nhân chết đói năm 1945 và nghe những câu chuyện của các nhân chứng kể lại, nạn đói thực sự kinh hoàng hơn rất nhiều lần những gì chúng tôi đã đọc, đã biết”- Nhà sử học Nguyễn Quang Ân kể.

Ông Nguyễn Quang Ân- Nguyên trưởng phòng Tư liệu, Viện Sử học Việt Nam- một trong những người đã tham gia quá trình điều tra thực địa, nghiên cứu, và viết một phần cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-những chứng tích lịch sử” (Do GS. Văn Tạo và GS. Furuta Moto chủ biên) đã xúc động kể lại nhiều kỷ niệm khó quên với phóng viên Dân trí.

 

Giới Sử học đã khóc khi thực hiện cuốn sách về nạn đói năm 1945 - 1

Ông Nguyễn Quang Ân- Nguyên trưởng phòng Tư liệu Viện Sử học VN- Người đã tham gia công trình "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam- những chứng tích lịch sử"

 

Giới Sử học đã khóc khi thực hiện cuốn sách về nạn đói năm 1945 - 2

Nạn đói năm 1945 đã diễn ra vô cùng thảm khốc (ảnh: Võ An Ninh)

 

Năm 2012, cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử” đã đoạt Giải thưởng Nhà nước, và đến nay sau 20 năm ra mắt, cuốn sách được xem là tư liệu quý giá về sự kiện lịch sử kinh hoàng năm 1945. Là người đã đi điều tra thực địa, đã tham gia viết công trình này, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ?

Tôi vẫn nhớ, đó là công trình sử học đầu tiên áp dụng phương pháp điều tra xã hội học lịch sử. Những nhà sử học chúng tôi phải về từng địa phương từ tỉnh Quảng Trị trở ra đến tỉnh Cao Bằng, gặp gỡ những chứng nhân lịch sử, những người thân của các nạn nhân chết đói năm 1945, những người cao tuổi trong làng - đã từng sống qua thời kỳ kinh hoàng năm 1945 để ghi âm lời kể, chụp ảnh, lưu lại tư liệu…

Trước đây, giới sử học thường chỉ nghiên cứu trên cơ sở những tư liệu thành văn. Những năm 1944, 1945 báo chí đã viết khá nhiều, các báo “Cờ giải phóng”, “Cứu quốc”, “Đuổi giặc nước”, “Khởi nghĩa”, “Đông phát”, “Bình Minh”… ngày nào cũng có tin, ảnh, bài viết về nạn đói. Tuy vậy, tất cả những tư liệu đó chưa nói hết được sự kinh hoàng của nạn đói.

Tôi là một trong những người đầu tiên được Giáo sư Nguyễn Tạo cử đi thực hiện ở các vùng quê thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Tôi nhớ, năm đó là năm 1993, tôi phải di chuyển bằng xe máy. Tôi đã đi xe máy từ Hà Nội đến Hải Phòng, từ Hà Nội về Thái Bình, Nam Định, rồi Hòa Bình … khắp những làng quê- nơi nạn đói hoành hành thảm khốc.

Điều kiện đi lại khó khăn, nhưng bù lại, chúng tôi được người dân ở các làng quê rất hoan nghênh, đón tiếp nhiệt tình. Họ đã kể lại tường tận những gì chứng kiến, những gì diễn ra với chính họ và gia đình họ. Thảm khốc vô cùng.

Những gì đã được nghe, được chứng kiến, được kể lại… giúp tôi hiểu rằng, nạn đói trên thực tế kinh hoàng hơn nhiều, bi thảm hơn nhiều so với những gì tôi đã đọc, đã nghiên cứu trước đó.

 

Giới Sử học đã khóc khi thực hiện cuốn sách về nạn đói năm 1945 - 3

"Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh kể lại, đây là 3 anh em trong 1 gia đình và bố mẹ chúng đã chết cả vì đói"

 

Chủ quan người viết cho rằng, có lẽ, rất khó để cầm được nước mắt khi đọc và xem những hình ảnh trong cuốn “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam”. Với những người đi thực địa và “hiểu ra nạn đói kinh hoàng hơn những gì đã đọc, đã biết” như ông, cảm xúc có thể được diễn tả như thế nào?

Tôi đến thôn Quần Mục thuộc xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng năm 1993, khi đó, đời sống của đồng bào ở đây còn rất khó khăn. Họ có nhiều thứ để lo toan, bươn chải. Thế nhưng, khi hỏi về nạn đói, họ dường như vẫn nhớ tất cả như in, và nỗi đau không thể nguôi ngoai theo năm tháng. Những câu chuyện được nghe kể lại kinh hoàng vô cùng. Đó là những nấm mồ chôn tập thể, khi xã chủ trương cho xây dựng chợ ven biển ở khu vực bãi tha ma cũ của làng, trong số những hài cốt di dời, đã xác định được 207 bộ hài cốt là người chết đói nằm chung một hố được vùi lấp qua loa, hoặc là những hài cốt ở các tư thế nằm sấp, nghiêng, ngồi co quắp không được chôn cất theo nghi thức bình thường. Có không ít những hài cốt vẫn còn cả sợi dây thép dùng để kéo, quăng ra bãi. Thôn Quần Mục có 355 hộ thì 251 hộ có người chết đói, trong đó 97 hộ chết hết; có 2.052 người thì chết đói 1.206 người (tỷ lệ chết 58,77%)

Ở xã Tây Lương, huyện Tiền Hải (Thái Bình) có gia đình chết hết, đến khi thối rữa, bốc mùi, làng xóm mới phát hiện ra. Có gia đình 4 thế hệ: bố, con, cháu, chắt gồm 31 người, chết đói 26 người. Có chi họ 15 gia đình với 74 người, chết đói 61 người, trong đó có 7 gia đình gồm 30 người chết đói không còn người nào. Họ Tô ở xóm Bối Xuyên chỉ còn duy nhất 1 người sống sót là ông Tô Nuôi, do được làng xóm gom góp những thức ăn còn lại nuôi sống để giữ giống cho dòng họ này.

Tôi đã mấy ngày liền ngồi nghe nhiếp ảnh gia Võ An Ninh từ TP. Hồ Chí Minh ra, nghỉ ở khách sạn Quân đội, đường Phạm Ngũ Lão, kể về từng bức ảnh mà ông đã chụp ở đâu, ngày tháng năm nào, chụp trong hoàn cảnh nào… Ông bảo, có người còn “ngắc ngoải” vẫn bị vứt lên xe kéo đi, xếp cùng các xác chết, đã cố kêu lên, nài nỷ “Tôi chưa chết đâu, đừng mang tôi đi chôn …”.

Nghe đến đây, quả thực, tôi không cầm nổi nước mắt.

Rất khó để cầm được nước mắt trước một sự kiện bi thương như thế của dân tộc mình.

 

Giới Sử học đã khóc khi thực hiện cuốn sách về nạn đói năm 1945 - 4

Người các tỉnh kéo về Hà Nội xin ăn. Nhiều người đã chết khi đang xếp hàng đợi phát chẩn

 

Cá nhân ông còn nhớ những gì về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam?

Tôi tuổi Thân, sinh ra vào ngày đầu tiên của năm 1945 ở Thái Bình - là tỉnh diễn ra nạn đói kinh khủng nhất. Các cụ nhà tôi kể lại, nhà tôi không chết ai, nhưng cũng đói lắm, thường phải ăn cháo, ăn khoai, ăn cả củ chuối nữa. Làng xóm có nhiều người chết lắm. Cứ ra ngõ là gặp người chết. Người chết nằm la liệt khắp các thôn xóm, làng mạc, đường đi. Không ai có thể tưởng tượng được, nạn đói đã diễn ra kinh hoàng như thế nào.

Những nhà sử học như chúng tôi khi nghiên cứu, điều tra và viết sách đã vô cùng đau xót cho dân tộc mình ở thời điểm đen tối tận cùng ấy.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 45 năm Cách mạng tháng Tám, tôi được giao thực hiện một đề tài cấp Bộ (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) về Nạn đói năm 1945 nên còn một số điểm điều tra thực địa, nhiều tài liệu sưu tầm, nhiều ảnh chưa công bố, tôi vẫn định bổ sung thêm tài liệu, hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản mà chưa thực hiện được. Đó như một món nợ - mà tôi mắc nợ những người đã chết.

 

Giới Sử học đã khóc khi thực hiện cuốn sách về nạn đói năm 1945 - 5

Ảnh: Võ An Ninh

 

Cá nhân ông là người đã nghiên cứu, đã điều tra về nạn đói năm 1945. Theo ông, nạn đói đã có ảnh hưởng như thế nào đến Cách mạng tháng 8 năm 1945?

Chính ở thời điểm đen tối nhất của lịch sử năm 1945, Việt Minh đã đứng bên cạnh dân nghèo, đã cùng với họ phá các kho thóc Nhật để cứu đói. Chính điều đó đã giúp Việt Minh có được sự ủng hộ của hàng triệu dân nghèo. Việt Minh đã vận động được dân nghèo đi theo cách mạng một cách nhanh, mạnh nhất. Chính sự ủng hộ của quần chúng và nhân dân cùng khổ đã mang đến sức mạnh to lớn cho Cách mạng tháng 8 đi đến thắng lợi.

 

Giới Sử học đã khóc khi thực hiện cuốn sách về nạn đói năm 1945 - 6

 

Được biết các nhà sử học từng có ý định lập tượng đài tưởng niệm những nạn nhân chết đói năm 1945. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên nhắc lại một sự kiện lịch sử quá bi thảm như vậy. Quan điểm của cá nhân ông?

Tôi cũng là người đã đưa quan điểm nên xây một tượng đài tưởng niệm những nạn nhân chết đói năm 1945. Chúng ta có thể xây ở nơi nạn đói đã diễn ra thảm khốc nhất là tỉnh Thái Bình chẳng hạn. Đó như một lời nhắc nhở các thế hệ sau này nhớ về sự kiện lịch sử Nạn đói năm 1945.

Và theo tôi, cũng để nhắc nhở các thế hệ sau này, làm gì thì làm, đừng để dân mình phải chết đói !

Cái chết vì đói- vô cùng dai dẳng, vật vã và khủng khiếp.

Phim tài liệu đặc biệt: Nạn đói khủng khiếp năm 1945

 

Hiền Hương (thực hiện)

 

Giới Sử học đã khóc khi thực hiện cuốn sách về nạn đói năm 1945 - 7