Giáo sư Đại học Harvard viết về cỗ máy sàng lọc nhân tài

Viên Minh

(Dân trí) - Cỗ máy sàng lọc nhân tài hoạt động hết công suất và thực trạng phân biệt đối xử giữa người giỏi - người bình thường ngày càng biểu hiện rõ trong xã hội hiện đại.

Cuốn sách Tính chuyên chế của chế độ nhân tài: Lợi ích chung sẽ ra sao? của Michael Sandel - giáo sư triết học chính trị tại Đại học Harvard, vừa được Omega Plus Books phát hành tại Việt Nam.

Bắt đầu từ câu chuyện nước Mỹ hiện đại và "giấc mơ Mỹ" của bao người, cuốn sách đã khai phá góc nhìn rất khác về: bất bình đẳng giàu nghèo, phân hóa xã hội và bất kỳ mâu thuẫn nhỏ nào cũng có thể bùng phát thành cơn thịnh nộ.

Tác giả cho rằng nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên là chế độ "trọng dụng", "ưu ái" nhân tài.

Giáo sư Đại học Harvard viết về cỗ máy sàng lọc nhân tài - 1

Bìa cuốn sách "Tính chuyên chế của chế độ nhân tài: Lợi ích chung sẽ ra sao?" (Ảnh: Omega Plus Books).

Cỗ máy sàng lọc "nhân tài" hoạt động hết công suất và thực trạng phân biệt đối xử giữa người giỏi - người bình thường ngày càng biểu hiện rõ trong xã hội hiện đại.

Chỉ những người tài năng, đóng góp nổi bật cho xã hội mới được ưu ái và gặt hái thành công. Số đông bình thường còn lại sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề.

Khi tấm bằng đại học từ các trường danh giá là cơ hội đổi đời và nâng cao vị thế xã hội, con người sẽ tìm mọi cách để kiếm được tấm bằng đó, kể cả bằng những phương thức bất chính.

Lợi ích, tài năng cá nhân trở thành thứ quan trọng được ưu tiên hàng đầu, còn lợi ích chung chỉ là những lời sáo rỗng của các chính trị gia.

"Sự leo thang của văn hóa thi thố là minh chứng cho việc các trường đại học đã bị biến thành nơi huấn luyện cơ bản để sinh viên có thể cạnh tranh được trong chế độ nhân tài, là môi trường giáo dục để sinh viên học cách thể hiện bản thân sao cho đúng nhằm ứng tuyển thành công vào vị trí mong muốn", trích tác phẩm.

Giáo sư Đại học Harvard viết về cỗ máy sàng lọc nhân tài - 2

Michael Sandel trong khuôn viên Đại học Harvard, tháng 8/2020 (Ảnh: Webb Chappell).

Nữ tiến sĩ Tara Westover nhận xét Michael Sandel đã vạch trần một số lầm tưởng phổ biến nhất về thành công. Tính chuyên chế của chế độ nhân tài: Lợi ích chung sẽ ra sao? là một cuốn sách quan trọng. 

"Cuốn sách phải đọc đối với bất kỳ ai đang cố gắng hiểu được vì sao, đối với nhiều người, "giấc mơ Mỹ" lại giống như một lời chế nhạo chứ không phải một lời hứa", Tara Westover nói.

TS Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Fulbright Việt Nam, nói tác phẩm này là một lời cảnh tỉnh, giúp độc giả hiểu thêm không chỉ về nước Mỹ và thế giới, mà còn những vấn đề con người đang đối mặt trong bối cảnh toàn cầu.

"Cuốn sách nêu vấn đề và gợi mở giải pháp. Thay vì ngạo mạn với tài năng và công trạng của mình, sự khiêm nhường giúp chúng ta vượt lên tính chuyên chế của thiên kiến tài năng và công trạng, để "hướng tới một cuộc sống xã hội ít thù hằn và rộng lượng hơn"", TS Nguyễn Nam cho hay.

Michael Sandel, 70 tuổi, là giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard, nổi tiếng với các bài giảng về công lý.

Các cuốn sách nổi tiếng của ông đã từng xuất bản ở Việt Nam được rất nhiều độc giả đón đọc, bao gồm: Phải, trái, đúng, sai; Tiền không mua được gì.

Sở trường của Michael Sandel là diễn giải các vấn đề hàn lâm, phức tạp theo cách những người không chuyên có thể hiểu được.

Các tác phẩm của ông thường nêu lại những nhận thức chung tưởng như đã mặc định hiển nhiên đúng và đưa cho độc giả những góc nhìn đa chiều về các vấn đề xã hội.