Gian nan cuộc "giải cứu" chùa Một Cột
(Dân trí) - Có tới 4 lần các chuyên gia ngồi với nhau nhưng phương án “giải cứu” chùa Một Cột -Diên Hựu không thể thống nhất. Cuộc họp cuối cùng sáng 15/5, Chủ tịch quận Ba Đình Đỗ Viết Bình chỉ tạm kết luận trùng tu chùa theo hướng giữ nguyên trạng vốn có của di tích.
Chính quyền nói hết ngập, nhà chùa phủ nhận
Mở đầu cuộc họp, đại diện Ban quản lý dự án trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột – Diên Hựu và kiến trúc sư Hoàng Trọng Cương (đơn vị tư vấn) cho biết, trải qua thời gian, cùng với những biến động lịch sử nhiền hạng mục trong di tích này đã xuống cấp. Quá trình sử dụng cũng làm cho chùa có nhiều thay đổi như việc xây thêm, cơi nới một số công trình không phù hợp với cảnh quan di tích. Điều nhiều người lo ngại khi mưa to chùa bị ngập sâu trong nước, hôm nay Ban quản lý thông báo hệ thống thoát nước vẫn đảm bảo về lâu về dài và không còn tình trạng úng ngập khi mưa.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình đưa quan điểm trùng tu chùa Một Cột - Diên Hựu theo hướng giữ nguyên hiện trạng vốn có
Ngay sau thông tin Ban quản lý đưa ra, trụ trì chùa Một Cột - Diên Hựu, Đại đức Thích Tâm Kiên đứng ngay dậy phản ánh nếu mưa lớn chỉ trong vòng 1 giờ chùa vẫn bị ngập sâu trong nước. “Trận mưa lớn cách đây 6 ngày, chùa bị ngập tới 45cm. Rác thải, bùn đất từ các nơi đổ về bủa vây ngôi chùa nhìn rất mất vệ sinh”, Đại đức Thích Tâm Kiên dẫn chứng.
Trước tình trạng xuống cấp của ngôi chùa, Ban quản lý dự án cho biết, việc thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích chùa Một Cột - Diên Hựu là hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, để phát huy giá trị của di tích nằm trong quần thể khu di tích đặc biệt của Quốc gia, trong quá trình thực hiện cần bảo đảm theo đúng Luật Di sản.
Quy mô của dự án dự kiến được thực hiện theo phương án tu bổ các hạng mục tam quan, tam bảo, nhà mẫu, chùa Một Cột và hồ Linh Chiểu; phục dựng nhà tổ, xây dựng nhà tăng, bếp, khu vệ sinh… Dự kiến kinh phí cho dự án hết khoảng 31 tỷ đồng.
Qua quá trình triển khai lấy ý kiến, Ban quản lý dự án cho biết, các đại biểu thống nhất phương án tu bổ cần giữ được gần như nguyên vẹn cảnh quan, kiến trúc hiện có, đặc biệt là chùa Một Cột; trồng thêm cây quý phù hợp với cảnh quan di tích; không tôn nền bố cục cảnh quan tổng thể để bảo đảm yếu tố tâm linh và loại bỏ các yếu tố không phù hợp trong chùa Diên Hựu.
Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, mưa lớn chùa vẫn bị ngập
Kiến trúc sư Hoàng Trọng Cương bổ sung thêm ý kiến tu sửa chùa Một Cột theo phương án hạ giải những phần hư hỏng và giữ nguyên hiện trạng để giữ nguyên hình ảnh chùa.
Ngay sau khi phương án “giải cứu” chùa Một Cột – Diên Hựu được các bên trình bày xong, Đại đức Thích Tâm Kiên đứng lên nêu thêm mong muốn của nhà chùa là thay thế cột bê tông, cốt thép chùa Một Cột hiện nay bằng cột đá. “Thay bằng cột đá không làm thay đổi kiến trúc nguyên trạng Liên Hoa Đài. Việc làm này chỉ nhằm mục đích trả lại nguyên trạng chùa như trước đây”, Đại đức Thích Tâm Kiên phân tích.
Giữ nguyên trạng khi trùng tu
Sau khi nghe phương án trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột – Diên Hựu, ông Trần Đình Thành - Phó phòng Quản lý di tích (Cục Di sản, Bộ VHTT&DL) cho biết, cơ bản thống nhất với những điểm được đưa ra. Tuy nhiên, theo ông Thành việc xây nhà tổ, nhà tăng cần phải cân nhắc vị trí và quy mô công trình. “Việc xây dựng mới bất cứ một công trình nào ở khu vực này đều ảnh hưởng đến cảnh quan di tích. Xây dựng nhà tăng, nhà tổ là cần thiết, nhưng phương án lựa chọn phải đồng nhất để làm sao hạn chế việc lấn chiếm khoảng không trong di tích này”, ông Thành lưu ý.
Bốn lần lấy ý kiến chuyên gia nhưng chưa chốt được phương án cuối cùng để "giải cứu" chùa
GS Trần Lâm Biền cho biết, việc tu bổ chùa cần cân nhắc theo hướng hỏng đâu sửa đấy, nếu hỏng quá thì hạ giải. Xét theo nhu cầu thực tế GS Biền, tán thành làm nhà tổ, nhà tăng ở đây nhưng không thể để nhà tăng ở trước nhà tổ. “Người ta muốn đến nhà tổ, trong khi tăng đang ngủ thì thế nào. Trong tín ngưỡng Việt Nam người ta cũng rất quan tâm đến phương hướng. Do vậy, phương án đưa ra cần xếp lại để nhà tổ trước nhà tăng”, GS Biền nói.
GS Phan Khanh nhấn mạnh cần phải xác định chùa Một Cột là trọng tâm trong khu vực này. Theo ông Khanh sửa chùa Diên Hựu, làm nhà tăng, nhà tổ cũng quan trọng nhưng chỉ là chuyện thứ yếu. “Trong dự án phải tập trung tối đa vào việc giữ nguyên chùa Một Cột từ trong cho đến ngoài, từ cầu thang đến mái và tượng phật… Nếu không tập trung vào trọng tâm ấy sẽ làm lệch niềm mong đợi của nhân dân”, GS Phan Khanh nhấn mạnh.
Trùng tu chùa theo hướng giữ nguyên hiện trạng là phương án được nhiều người quan tâm
Ông Bình cũng đồng tình với những quan điểm trên là tu bổ phải dựa trên cơ sở nguyên trạng gắn liền với lịch sử của di tích. Vì vậy, Chủ tịch quận Ba Đình giao cho Ban quản lý hoàn chỉnh lại dự án trên cơ sở tôn trọng những gì vốn có của di tích.