Giải mã màu vẽ tồn tại suốt 15 thế kỷ

(Dân trí)- Trong khi các màu sắc khác đều đã phai nhạt thì màu xanh Maya vẫn còn tồn tại và cho chúng ta cái nhìn chân thực về “nghi lễ hiến tế” của họ.

Giải mã màu vẽ tồn tại suốt 15 thế kỷ

Thông qua bức tranh tường có sử dụng màu xanh kỳ lạ, các nhà khoa học đã khám phá ra bí mật trong các nghi lễ văn hóa của người Maya.

Những gì chúng ta biết về màu xanh này được nghiên cứu qua hàng chục năm, bắt đầu bằng một phát hiện kì lạ và nhanh chóng mở ra một bí mật khủng khiếp. Năm 1904, một nhóm nhà khảo cổ tới một giếng tự nhiên ở khu vực Chichen Itza (Mexico). Chiếc giếng được gọi là "Hố thiêng" và đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo. Cuộc khai quật đã tìm được một số di vật như bình gốm, hương trầm và 127 bộ xương người.

Dưới đáy giếng là một lớp bùn như ở các giếng tự nhiên khác. Tuy nhiên ở lớp bùn trên cùng, dày 4,2m có một màu xanh rất đặc trưng. Nó chính là màu xanh đã được tìm thấy trên các di vật và được gọi là màu xanh Maya. Các mẫu vật sớm nhất có màu này xuất hiện khoảng năm 300 sau Công Nguyên.

Giải mã màu vẽ tồn tại suốt 15 thế kỷ

Một đầu tượng kích thước 4.5 inch được tìm thấy tại đảo Jaina, có niên đại từ năm 600-900 sau Công Nguyên. Qua nhiều thế kỷ màu xanh trên các hiện vật của người Maya vẫn giữ được màu sắc vốn có.

Khi bầu trời chuyển sắc xanh giống màu xanh Maya báo hiệu xảy ra hạn hán. Bầu trời không có mây, không có mưa, không có nước để tưới cho mùa màng và đồng nghĩa với việc không có nguồn sống cho người Maya. Đó là khi họ phải đổ máu.

Màu xanh Maya cũng là màu đại diện của vị thần mưa Chaak, đó cũng là vị thần được hiến tế người nhiều nhất. Theo các ghi chép của người châu Âu, người bị hiến tế sẽ được sơn màu xanh Maya, sau đó được đặt lên bệ thờ và bị cắt trái tim vẫn đang đập của mình. Sau đó họ sẽ bị ném xuống Hố thiêng và đó là lí do hình thành lớp bùn dày hơn 4m có màu xanh. Màu sắc đó là những mảnh màu tróc ra từ xác người bị hiến tế, vẫn còn lại trong khi xác họ phân hủy qua nhiều năm. Đôi khi các bình gốm sơn màu cũng được ném xuống, nhưng việc phát hiện hơn 100 bộ xương người càng khẳng định rằng việc người hiến tế bị ném xuống đây là có thật.

Vị thần mưa Chaak trong văn hóa của người Maya là vị thần được hiến tế người nhiều nhất.

Vị thần mưa Chaak trong văn hóa của người Maya là vị thần được hiến tế người nhiều nhất.

Ngoài ra, màu xanh Maya còn đưa đến một bí ẩn khác liên quan đến việc các mảng màu bằng cách nào đó không bị phai nhạt theo năm tháng như các màu sắc khác. Đó là một bí ẩn làm đau đầu các nhà nghiên cứu. Phải tới những năm 1960, các nhà hóa học mới phát hiện ra thành phần cấu tạo của màu xanh này, nó gồm phẩm nhuộm xanh indigo được trộn với một loại khoáng chất là palygorskite. Nhưng phải mất thêm 50 năm nữa họ mới tìm ra đầy đủ các thành phần. Dehydroindigo là dạng chất oxi hóa của phẩm nhuộm indigo. Phẩm nhuộm indigo có màu xanh dương (giống màu quần jean), còn dehydroindigo có màu vàng, chúng kết hợp lại và tạo ra màu xanh Maya với sắc xanh lục.
 
Tuy nhiên việc bằng cách nào mà gười Maya có thể làm màu bám trên các di vật một cách bền chắc như vậy vẫn còn là điều gây nên nhiều tranh cãi trong giới khoa học.

Phan Hạnh
Theo Livescience