Bình Định:

Già làng Đinh Chương: Báu vật sống của người Bana Kriêm!

(Dân trí) - Nghệ nhân Nhân dân Ðinh Chương - già làng Đinh Chương là một trong số ít những nghệ nhân dân gian có hiểu biết sâu sắc, thông tỏ về văn hóa Bana Kriêm. Ông không chỉ hát hay mà còn tự chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc mình.

Già làng Đinh Chương: Báu vật sống của người Bana Kriêm! - 1
Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương: Báu vật sống của người Bana Kriêm!

Nghệ nhân Ðinh Chương (80 tuổi, ở Kon Blo, xã vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định). Hội viên Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số, Hội VHNT tỉnh Bình Ðịnh. Ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.

Chúng tôi có dịp gặp già làng Đinh Chương, thường gọi là bok Vin trong một dịp sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng người đồng bào Bana (huyện Vĩnh Thạnh), khi ông đang ngồi trò chuyện say sưa với những nghệ nhân lớn tuổi trong làng. Ông còn góp ý cho các trai làng cách đánh cồng chiêng sao cho đúng điệu, nhịp nhàng…

Theo già làng Đinh Chương, từ những năm kháng chiến ông tham gia các hoạt động văn nghệ tại địa phương. Năm 1967, ông đã là đội trưởng đội văn nghệ Vĩnh Thạnh, vừa sáng tác bài múa vừa sáng tác bài hát, kịch bằng tiếng mẹ đẻ, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ đồng bào.

Già làng Đinh Chương: Báu vật sống của người Bana Kriêm! - 2
Nghệ nhân Định Chương trình diễn thổi Tà lía, là loại sáo có ba lỗ.

Năm 1977, ông tham gia cuộc thi múa hát văn nghệ miền Trung. Già làng Đinh Chương biểu diễn tiết mục múa “Mừng lúa mới” và đạt Huy chương Vàng. Liên tiếp những lần tham gia sau đó, ông luôn có giải cao trong các cuộc thi, liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số ở mọi cấp độ.

Minh chứng cho điều đó, ông đưa tay chỉ lên vách nhà sàn đang treo rất nhiều bằng khen mà ông trân trọng lưu giữ. Trong số đó, nhiều bằng khen, giấy khen từ thời kháng chiến, có những cái đã ngả màu xưa cũ.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi trò chuyện với bok Vin, dễ nhận thấy chất “lửa” văn nghệ trong ông vẫn còn hừng hực. Năm 2011, khi đã 72 tuổi, bok Vin vẫn hăng say biểu diễn Hơmon “Chàng Y Ông” trong Ngày hội các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định. Hình ảnh một già làng của núi rừng Vĩnh Thạnh cất cao tiếng hát ngọt đằm, vang xa đầy nội lực từ lâu đã thân thương, gần gũi không chỉ trong bản làng mà vang xa trong công chúng.

Già làng Đinh Chương: Báu vật sống của người Bana Kriêm! - 3

Già làng Đinh Chương đến đâu cũng được bà con dân bản yêu mến. (ảnh Xuân Dũng).

Đầu tháng 9 vừa qua, trong Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Bình Định lần thứ nhất, Nghệ nhân Đinh Chương và cô con gái cùng đoàn nghệ nhân, diễn viên của huyện Vĩnh Thạnh tham gia ngày hội. Qua đó, cùng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Không chỉ giỏi múa, hát, kể hơmon, Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương còn là bậc thầy về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Bana. Từ đàn T’rưng, đàn Blơng khơng, đàn Goong, đàn Hơ đong, Đing Dút đến sáo Tà lía, sáo Ola… ông đều thông tỏ.

Nghe ông thổi Tà lía, là loại sáo có ba lỗ, thanh âm như muốn kết nối lòng người với núi rừng bao la. Tôi như bị mê hoặc. Nhìn cái cách mà ông say sưa chơi nhạc, có cảm giác như nhạc cụ là một linh vật sống, đang trò chuyện và cộng hưởng cùng nghệ nhân. Nghe tôi nhận xét vậy, ông cười: “Trong máu tôi có điệu múa, lời ca Bana Kriêm, sinh ra đã thế rồi!”.

Già làng Đinh Chương: Báu vật sống của người Bana Kriêm! - 4
Nghệ nhân Định Chương vừa chế tác nhạc cụ và chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc Bana.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh, chia sẻ: “Nghệ nhân Đinh Chương là một báu vật sống của người Bana Kriêm. Nay dù tuổi cao nhưng ông vẫn vẹn nguyên nhiệt tình với văn hóa của đồng bào mình. Ông là một già làng uy tín vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, tiếp tục truyền dạy các bài hát, điệu múa, chế tác nhạc cụ giữ nét văn hóa Bana Kriêm. Đến đâu, ông cũng được bà con dân bản yêu mến, kính trọng”.

Doãn Công