Gia đình nhớ mãi những kỷ niệm về nhạc sỹ Hoàng Hà
(Dân trí) - Cuộc đời ông là triền miên những lo toan và hy sinh cho công việc, gia đình. Cuộc đời ông là triền miên lăn lộn vượt qua cái nghèo để chắt chiu những giai điệu và lời ca lạc quan nhất.
Còn trong các con, cháu của ông, dẫu đau thương nhưng họ rất đỗi tự hào khi kể về ông, người nghệ sĩ nghèo nhưng có một cuộc đời liêm khiết, chính trực, nồng nàn.
Con trai trưởng của nhạ sĩ Hoàng Hà, nhạc sĩ – NSƯT Hoàng Lương kể rằng, cha anh sinh ra trong một gia đình dân nghèo thành thị tại Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cha của nhạc sĩ Hoàng Hà là một họa sĩ công chức nhỏ, đã qua đời ở tuổi 37. Mẹ ông, một phụ nữ tảo tần và dũng cảm từ trước năm 1945 đã là cơ sở cách mạng bí mật của các lãnh đạo tiền bối như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trân... Bản thân ông, đi học hết lớp 4 đã phải đi làm công nhân nhà máy in Viễn Đông của Pháp để giúp gia đình. Chính tại nơi đây, ông đã được giác ngộ cách mạng. Thời kỳ Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia tự vệ vũ trang làng Yên Phụ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng ngay từ khi thực dân Pháp lộ dã tâm cướp đất nước ta thêm một lần nữa, cuối năm 1945, ông đã thoát ly gia đình đi công tác. Ông được kết nạp Đảng năm 18 tuổi (1947). Sau đó một năm, mẹ ông cũng thoát ly đi kháng chiến và được kết nạp Đảng.
Ông và mẹ hoạt động xung quanh vùng địch hậu Phúc Yên – Vĩnh Yên – Phú Thọ. Bản thân ông, với nhiệm vụ là “Tuyên truyền văn hóa văn nghệ cách mạng trong địch hậu”, ông vẽ tranh, sáng tác bài hát và tự hát, sáng tác kịch nói và tự đóng kịch, viết báo, biên tập cho báo, in đá, phát hành báo rồi cả kế toán, làm tất cả những gì cách mạng giao để tuyên truyền, giác ngộ trong nhân dân.
Hòa bình lặp lại, ông đươc giao phụ trách đoàn văn công tỉnh Vĩnh Phúc và làm những công việc Thơ – Văn – Nhạc – Họa của Ty văn hóa thời đó. Trong những đợt học tập, ông tình cờ được gặp cố Giáo sư, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người phát hiện ra tố chất âm nhạc trong ông. Trong điều kiện thiếu thốn, Giáo sư đã dạy âm nhạc cho ông chỉ bằng những bức thư và động viên ông theo học âm nhạc chuyên nghiệp.
Ông lập gia đình năm 1957. Người bạn đời của ông là một công nhân mồ côi cả cha lẫn mẹ vì bom đạn của thực dân Pháp. Chưa được bao lâu gần gũi, thì ông bà đã phải sống những chuỗi ngày xa cách vì ở hai nơi. Ông theo học khoa sáng tác của Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) và được điều về công tác tại Ban Văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam năm 1965, giữa lúc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cũng năm này, bà mới chuyển công tác được về Hà Nội cạnh ông và lại tiếp tục những ngày đi sơ tán, chia các con đi hai nơi theo hai cơ quan.
Cuộc sống kham khổ thời kháng chiến và nơi sơ tán đã tạo nên ông như một con người toàn năng: vừa là nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên ca nhạc, diễn viên kịch, vừa là phóng viên, biên tập, vừa am hiểu kỹ thuật, lại có đôi lần là diễn viên điện ảnh. Cuộc đời và sự hiểu biết, đức tính lao động cần cù của ông luôn là tấm gương sáng cho các con ông.
Năm 1967, ông được giao công tác biên tập và thu thanh bộ băng ghi âm đầu tiên về ngâm thơ và hát ca trù. Sau này ông mới biết đó là bộ nhạc thực hiện phục vụ Bác Hồ nghe khi Người sắp đi xa.
Năm 1971, ông được cử đi công tác giảng dạy âm nhạc cho các bạn Lào. Từ công tác này, ông trở thành “thầy giáo bất đắc dĩ”. Với phong cách nhiệt tình và tận tụy, ông lại có thêm nhiều học trò nay là những nhạc sĩ nổi tiếng.
Thực hiện sáng kiến của nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi đó là Trưởng Ban Văn nghệ, ông đã chỉ đạo khôi phục đội Hợp xướng Sơn Ca, sáng lập dàn nhạc Tuổi Xanh, lăn lộn thực hiện các chuyến công tác phục vụ cho Hội diễn ca hát thiếu nhi “Hoa phượng đỏ”. Nhiều nhạc sĩ, diễn viên, nghệ sĩ ưu tú đã trưởng thành từ đó và có vị trí xã hội cao ngày nay.
Năm 1986, ông nhận quyết định công tác tại Sở văn hóa đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu) rồi chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho đến khi nghỉ hưu.
Quê gốc Hà Nội ngàn năm nhưng ra đi, nằm lại đất Bà Rịa – Vũng Tàu. Cuộc đời ông giống như bốn chữ son trong Nhà thờ họ: “Hoàng Hà chi thủy” (nghĩa là: nước trong sóng cháy chảy ra biển không bao giờ quay lại). Gia tài của ông để lại không có gì, chỉ có những giai điệu và lời ca sống mãi với thời gian. Với “Đất nước trọn niềm vui”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Chú bộ đội”, “Hoa lá chào xuân”, Giao hưởng hợp xướng “Côn Đảo”… Đó chỉ là tiêu biểu trong hơn nửa nghìn tác phẩm cả ca khúc, nhạc không lời, nhạc múa, nhạc phim, nhạc hiệu ông đã viết, nay không còn là của riêng ông mà của mọi người.
Cuộc đời ông là triền miên những lo toan và hy sinh cho công việc, gia đình. Cuộc đời ông là triền miên lăn lộn vượt qua cái nghèo để chắt chiu những giai điệu và lời ca lạc quan nhất. Sự nghiệp của ông có phần đóng góp không nhỏ của người mẹ già và người bạn đời lặng lẽ, luôn lo toan chu toàn cho các con cháu của ông.
Vĩnh biệt một cuộc đời liêm khiết, chính trực và nồng nàn.