Hà Tĩnh:

Gặp đôi vợ chồng 46 năm bảo tồn trò Kiều

(Dân trí) - Với tình cảm đặc biệt dành cho Đại thi hào Nguyễn Du và lòng say mê với trò Kiều, suốt 46 năm qua, hai vợ chồng ông cứ thầm lặng truyền dạy, bảo tồn, lưu giữ trò Kiều- loại hình nghệ thuật được chuyển tác từ Truyện Kiều cho đến ngày hôm nay.

Đó là câu chuyện của vợ chồng ông Nguyễn Huýnh (68 tuổi) và bà Lê Thị Hạp (67 tuổi, ở làng Cam Lâm, nay là thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Duyên nợ với trò Kiều

Ông Huýnh kể lại về cơ duyên đến với trò Kiều
Ông Huýnh kể lại về cơ duyên đến với trò Kiều

Vào những ngày đầu năm, chúng tôi đã may mắn được gặp vợ chồng ông Huýnh tại căn nhà riêng.

Cuộc sống của gia đình ông cũng như đại đa số người dân thôn Lâm Hoa dựa vào nghề đi biển.

Mặc dù đang tất bật, bận bịu chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm nhưng khi biết chúng tôi đang muốn tìm hiểu về trò Kiều thì ông phấn chấn lắm.

Ông Huýnh kể, vốn sinh ra trong một gia đình có nhiều thế hệ làm nghề đi biển, năm lên 8 tuổi, ông bắt đầu tìm hiểu, học hỏi và tiếp cận về trò Kiều.

“Lúc 8 tuổi tôi đã được bố cho xem trò Kiều. Lớn lên tôi lại được bố dẫn đi khắp các đình làng trong xã, huyện xem và tham gia diễn xuất vai phụ trong trò Kiều. Sau đó được các thầy cô trong nhà trường truyền dạy thêm, từ đó niềm đam mê trò Kiều đã ngấm dần trong tôi”, ông Huýnh kể về cái duyên đến với trò Kiều của mình.

Tháng 10/1967, ông lên đường nhập ngũ rồi tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và bị thương ở đỉnh đầu (hiện hưởng chế độ thương binh 1/4). Năm 1969 ông trở về địa phương và xây dựng gia đình với bà Hạp - là một cô giáo dạy học trên địa bàn vừa làm y tá xã.

Và điều đặc biệt của 2 con người này đó là cả hai đều đam mê trò Kiều.

“Có lẽ nhờ trò Kiều mà chúng tôi tìm thấy nhau và nên nghĩa vợ chồng”, ông Huýnh cười phá lên.

Khi nói về trò Kiều, công cuộc bảo tồn, lưu giữ trên gương mặt ông chất chứa nhiều nỗi niềm, cảm xúc lẫn lộn.

Ông kể, trước đây, ở địa bàn huyện Nghi Xuân trò Kiều phát triển rất mạnh, thu hút nhiều người dân đam mê và xem nó như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa, lao động sản xuất.

Ông Huýnh nhớ lại: “Trò Kiều có mặt mọi nơi mọi lúc, người ta hát Kiều, diễn trò Kiều lúc đi làm đồng, khi ngồi khâu nón, dệt vải, đan rổ rá, đi biển.... Mọi niềm vui, nỗi buồn, tâm tư tình cảm đều có thể được biểu hiện thông qua những câu Kiều”.

“Không chỉ các cụ ông, cụ bà mà thanh niên nam nữ ở trong vùng ai cũng thuộc lòng mấy câu Kiều, ra đường họ còn vận dụng để thay cho cách nói chuyện, chào hỏi thông thường, thành ra cả làng đâu đâu cũng rộn rã hát trò Kiều”, ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, sau đó một thời gian dài do chịu ảnh hưởng của chiến tranh, sự tác động của các thể loại âm nhạc hiện đại tràn ngập thị trường, khiến trò Kiều ở huyện Nghi Xuân ngày càng bị rời rạc, xáo trộn và mai một dần.

Ông Huýnh cho biết: “Từ chỗ 6 xã có phong trào trò Kiều đã giảm xuống chỉ còn vỏn vẹn hai xã là Tiên Điền và Xuân Liên”.

Bằng mọi cách bảo tồn nét đẹp văn hóa

Trước sự mai một, “vang bóng” của trò Kiều trong đời sống sinh hoạt, hai vợ chồng ông luôn trăn trở và ấp ủ dự định phải bảo tồn nét đẹp văn hóa này bằng mọi cách.

Cứ đến ngày hội diễn trò Kiều là ông Huýnh lại tất bật tập luyện, chuẩn bị băng rôn cho hội diễn
Cứ đến ngày hội diễn trò Kiều là ông Huýnh lại tất bật tập luyện, chuẩn bị băng rôn cho hội diễn

Nói là thực hiện ngay, hai vợ chồng ông bắt đầu tìm đến các cụ ông, cụ bà cao tuổi vốn có tâm huyết, am hiểu về trò Kiều ở xã Xuân Liên, Tiên Điền rồi cùng nhau ngày đêm nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung hoàn thiện kịch bản và bắt đầu tiến hành khôi phục lại CLB trò Kiều.

“Lúc đó, CLB có 18 người tham gia, chủ yếu là các cụ lớn tuổi, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, do tôi làm chủ nhiệm CLB vừa đảm nhận vai Kim Trọng, vừa trực tiếp làm tổng đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, hóa trang, làm đạo cụ, sáng tác kịch bản, dàn dựng câu chuyện, chọn diễn viên…”, bà Hạp cho biết.

Khó khăn chồng chất khó khăn, lượng người tham gia công tác bảo tồn trò Kiều quá ít, hơn nữa kinh phí cũng là một vấn đề khiến hai vợ chồng ông hết sức đau đầu.

“Mỗi lần có dịp đi biểu diễn xa ở trên huyện, tỉnh hoặc ở các địa bàn lân cận thì kinh phí hoàn toàn phải bỏ tiền túi hoặc là do các thành viên trong CLB tự kêu gọi vận động”, ông chia sẻ.

Nhưng với tình yêu và sự tâm huyết, hai vợ chồng ông chưa bao giờ nhụt ý chí.

Hai vợ chồng không ngừng tuyên truyền cho mọi người dân và các thế hệ trẻ sau này biết và yêu hơn về trò Kiều.

Và cứ như thế, suốt 46 năm qua, người dân huyện Nghi Xuân đã quá quen thuộc với hình ảnh của hai vợ chồng ông, trong công cuộc bảo tồn và lưu giữ trò Kiều.

Hai vợ chồng ông Huýnh bà Hạp
Hai vợ chồng ông Huýnh bà Hạp

Và thành quả sau chặng đường 46 năm đó là đến nay CLB trò Kiều xã Xuân Liên đã được duy trì, phát triển ổn định, thu hút thêm 14 thành viên (6 nữ, 8 nam), trong đó có nhiều bạn trẻ.

Mỗi tuần CLB trò Kiều tập trung về tại nhà ông Huýnh sinh hoạt, tập luyện 1 đến 2 buổi.

Ông Huýnh vui sướng: “Năm 1970 là vợ chồng tôi thực hiện việc bảo tồn, lưu giữ và thành lập CLB trò Kiều. Những thành quả đạt được ngày hôm nay sẽ là động lực cho vợ chồng chúng tôi để tiếp tục công cuộc bảo tồn, lưu giữ trò Kiều”

Ghi nhận những đóng góp của ông Huýnh đối với trò Kiều, năm 2012 Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao tặng cho ông Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian, kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận sự cống hiến xuất sắc về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể ca trù, trò Kiều…

Trò Kiều là loại hình nghệ thuật được chuyển tác từ Truyện Kiều, bao gồm hát, diễn xuất và làm trò, trong đó lời ca được pha trộn giữa ca Huế, tuồng, chèo, ngâm Kiều, lẩy Kiều…với dân ca Nghệ Tĩnh, ca Trù…Mỗi nhân vật, mỗi trường đoạn sẽ “ứng” với các làn điệu cụ thể. Ví như cảnh bi lụy, chia ly thì sử dụng cải lương, ca Huế; cảnh diễn tả sự dũng mãnh của Từ Hải thì dùng hát bội...

Trò Kiều dựa vào nội dung của Truyện Kiều với đầy đủ các nhân vật chính, ngoài ra còn có thêm nhân vật mang tính dẫn chuyện, mua vui là Chanh. Không gian và thời gian của trò Kiều dùng lối ước lệ, vũ đạo để ứng chỉ sự chuyển biến trong “hoạt động sống” của nhân vật... Tác giả chuyển thể Truyện Kiều sang trò Kiều là người huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, Nghệ An xưa kia.

Xuân Sinh