1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Oscar 2020 - Phim hay nhất:

“Ford v Ferrari”: Khi cuộc đua chính là cuộc đời và người đàn ông khóc sau vô-lăng...

(Dân trí) - “Ford v Ferrari” những tưởng là bộ phim chuyên dành cho những ai đam mê siêu xe và tốc độ, nhưng không phải, bộ phim nhận được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar sẽ khiến bạn phải bất ngờ. Bạn sẽ bị hấp dẫn đến mức không thể rời mắt khỏi màn hình.

“Ford v Ferrari”: Khi cuộc đua chính là cuộc đời và người đàn ông khóc sau vô-lăng... - 1

“Ford v Ferrari” (hay còn có tên “Le Mans ‘66” khi ra rạp tại một số nước Châu Âu) là một phim điện ảnh về đề tài đua xe tốc độ

“Ford v Ferrari” (hay còn có tên “Le Mans ‘66” khi ra rạp tại một số nước Châu Âu) là một phim điện ảnh về đề tài đua xe tốc độ của đạo diễn James Mangold. Phim có sự tham gia diễn xuất chính của hai tài tử Matt Damon và Christian Bale.

Chuyện phim xoay quanh một nhóm kỹ sư và nhà thiết kế xe đua người Mỹ trong sứ mệnh thực hiện chiếc xe đua Ford GT40, một mẫu xe đua mới với tham vọng cạnh tranh và giành giật vị trí thống trị với đội đua của Ferrari tại cuộc đua “24 Hours of Le Mans” diễn ra hồi năm 1966 ở Pháp.

Đội đua của Ford được dẫn đầu bởi cựu tay đua kiêm chuyên gia thiết kế xe đua Carroll Shelby (nam diễn viên Matt Damon) và Ken Miles, một cựu quân nhân kiêm tay đua chuyên nghiệp (nam diễn viên Christian Bale).

Đội này phải chịu áp lực lớn từ hai vị chủ tịch Henry Ford II và Lee Iacocca trong việc phải đưa Ford trở thành cái tên có thứ hạng trên đường đua, nhằm giúp gây dựng hình ảnh của Ford trong mắt lớp thanh niên trẻ, với hy vọng tăng doanh số bán xe cho nhóm đối tượng khách hàng này.

Trong giai đoạn đầu, hai tài tử Tom Cruise và Brad Pitt đã được mời đảm nhận hai vai nam chính nhưng kế hoạch không thành công. Đạo diễn Mangold sau đó đã mời Matt Damon và Christian Bale tham gia dự án. Phim được quay tại bang California, Mỹ, trong vòng hơn hai tháng.

“Ford v Ferrari”: Khi cuộc đua chính là cuộc đời và người đàn ông khóc sau vô-lăng... - 2

“Ford v Ferrari” có kinh phí đầu tư sản xuất gần 98 triệu USD, đã thu về từ phòng vé hơn 220 triệu USD

“Ford v Ferrari” có kinh phí đầu tư sản xuất gần 98 triệu USD, đã thu về từ phòng vé hơn 220 triệu USD, đồng thời nhận được vô số lời khen ngợi từ giới phê bình. “Ford v Ferrari” được đánh giá cao về mặt diễn xuất và những cảnh quay đẹp, đặc biệt là những cảnh trên đường đua.

Phim đã lọt vào danh sách bình chọn top 10 phim hay nhất năm 2019 của nhiều chuyên trang điện ảnh và nhận được 4 đề cử tại giải Oscar, trong đó, có đề cử quan trọng nhất ở hạng mục Phim hay nhất. “Ford v Ferrari” chính là phim điện ảnh đầu tiên làm về đề tài đua xe tốc độ được đề cử ở hạng mục này.

Tài tử Christian Bale cũng đã nhận được nhiều đề cử tại các giải thưởng điện ảnh uy tín khác cho vai diễn của mình - vai tay đua Ken Miles, một cựu quân nhân kiêm thợ sửa xe. Miles là một nhân vật ẩn chứa nhiều tài năng nhưng lại rơi vào cảnh chật vật khi vừa muốn theo đuổi đam mê trên đường đua, vừa phải lo lắng chuyện “cơm áo” cho gia đình.

Matt Damon và Christian Bale đã có một màn diễn xuất ấn tượng trong “Ford v Ferrari”, một bộ phim khắc họa lại kỷ nguyên vàng của những cuộc đua xe hơi quyết liệt và đẳng cấp.

“Ford v Ferrari” những tưởng là bộ phim chuyên dành cho những ai đam mê siêu xe và tốc độ, nhưng không phải, bộ phim nhận được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar sẽ khiến bạn phải bất ngờ, bởi bạn sẽ bị hút hồn theo dõi từng cảnh quay, từng diễn biến.

Ở đó, cuộc đua cũng giống cuộc đời, có khóc cười, thành bại, cả đam mê và số phận đặt trong đó. Bộ phim với diễn tiến nhanh, dựa trên câu chuyện có thực, đồng thời đảm bảo thấm đẫm chất nghệ thuật điện ảnh, sẽ cho người xem thấy lại một câu chuyện hay trong “biên niên sử” đường đua.

“Ford v Ferrari”: Khi cuộc đua chính là cuộc đời và người đàn ông khóc sau vô-lăng... - 3

Người xem sẽ được thấy những cung bậc cảm xúc, những con người, sự việc có thật và cả những biến tấu vượt thoát thực tế

Người xem sẽ được thấy những cung bậc cảm xúc, những con người, sự việc có thật và cả những biến tấu vượt thoát thực tế, để ngay cả những người hoàn toàn thờ ơ với thể loại phim về siêu xe - tốc độ cũng sẽ bị hấp dẫn không thể rời mắt khỏi màn ảnh.

Bộ phim được nâng tầm một phần lớn chính nhờ diễn xuất của Christian Bale và Matt Damon. Thêm vào đó, diễn xuất của những diễn viên phụ như Tracy Letts (vai CEO của hãng Ford - ông Henry Ford II) và Jon Bernthal (vai đồng chủ tịch của hãng Ford - ông Lee Iacocca) đã khiến nghệ thuật diễn xuất trong phim càng thuyết phục các nhà phê bình.

Ngoài ra, những cảnh phim liên quan tới xe hơi, như cảnh trong gara, nhà xưởng hay trên đường đua đều được dàn dựng rất ấn tượng. Nếu những cảnh quay hành động ấn tượng nhất trong phim điện ảnh từ trước tới nay không thể thiếu những cảnh xe hơi rượt đuổi nhau, thì “Ford v Ferrari” xứng đáng nằm trong số những bộ phim siêu xe - tốc độ có cảnh quay đẹp nhất về xe đua và... đua xe.

Nhưng lý do để “Ford v Ferrari” được đề cử là Phim hay nhất tại Oscar còn bởi phim vượt ra ngoài những giới hạn của đề tài siêu xe - tốc độ, để đạt tới đẳng cấp cân bằng của thẩm mỹ điện ảnh và doanh thu phòng vé.

Hai nhân vật Carroll Shelby và Ken Miles, những tay đua chuyên nghiệp kiêm chuyên gia thiết kế xe đua, qua diễn xuất của Matt Damon và Christian Bale được khắc họa đúng chất là những tâm hồn tự do phóng khoáng, đam mê mạo hiểm, luôn sẵn sàng đặt cược bản thân vào đam mê.

Shelby và Miles là những con người “ương gàn” không khuất phục, nhưng vẫn phải học cách ghìm mình lại để được sống với đam mê, bởi sau cùng đua xe là bộ môn ngốn tiền, ngốn nhân lực, vật lực... Không ai có thể tiến xa nếu không học được cách hợp tác và chỉ có một mình.

“Ford v Ferrari”: Khi cuộc đua chính là cuộc đời và người đàn ông khóc sau vô-lăng... - 4

Sự đối đầu được thể hiện ngay từ tên phim - “Ford v Ferrari” (Ford đấu Ferrari)

Sự đối đầu được thể hiện ngay từ tên phim - “Ford v Ferrari” (Ford đấu Ferrari). Tên phim là cuộc đấu giữa hai hãng xe để giành vị trí thống trị trên đường đua. Nhưng cuộc đấu thực sự được khắc họa trong phim là giữa những nhà quản lý cấp cao tại hãng Ford và những con người phóng túng như Shelby và Miles trong đội thiết kế xe đua.

Các sếp trong hội đồng cấp cao và đội thiết kế xe đua ở cùng một phe, nhưng không cùng một “nhóm”. Những con người khao khát đua xe và yêu xe đua như Shelby và Miles phải gánh trên vai đủ mọi áp lực, phải “gánh cả hội đồng” với đủ mọi yêu cầu hạch sách và phải có được thành tích thuyết phục trên đường đua để tiếp tục được rót tiền và thiết kế những mẫu xe họ mơ ước.

Hai nhân vật Shelby và Miles trong “Ford v Ferrari” được xây dựng để trở thành hai người đàn ông thú vị, theo hình mẫu cổ điển, thuộc dạng nhân vật “mặn mà”, tỉnh lạnh, nam tính. Nỗ lực thực hiện chiếc xe đua hoàn hảo của họ là một thách thức của niềm đam mê đầy ám ảnh, được đặt ra xuyên suốt chuyện phim.

Tình bạn “lúc đắng lúc ngọt” giữa họ là điểm hấp dẫn tiếp theo trong phim. Shelby là một người đàn ông Mỹ cứng rắn và không dễ khuất phục; Miles là một người đàn ông Anh bề ngoài cứng cỏi nhưng bên trong lại khá mềm mỏng và dễ thoái lui. Tình bạn đối lập kiểu này luôn rất hiệu quả khi được khai thác trong phim.

Chuyện phim có diễn tiến nhanh và vì vậy mà cần tạo nên sự dễ thở trong cách tạo hình và xây dựng nhân vật. Matt Damon và Christian Bale luôn có vẻ bông lơn, xem nhẹ mọi chuyện, cách trò chuyện - hành động của họ nhanh nhẹn, gọn gàng, dứt khoát.

Dù Damon và Bale đều là những tài tử có thể tạo nên sức hút lớn về mặt diện mạo, nhưng trong bộ phim này, cả hai đều không thể hiện sức hút nam tính “ngồn ngộn” trên màn ảnh. Miles là mẫu đàn ông rất mực yêu vợ, vì gia đình. Shelby thậm chí còn không được khai thác về khía cạnh đời sống riêng tư.

Trong phim, người ta chỉ thấy vài câu bông đùa tình tứ giữa Miles và vợ, không có bất cứ mối quan hệ nam nữ nào khác được khắc họa. Tham vọng trên đường đua đã choán hết sức nóng của chuyện phim và làm nên sức hấp dẫn cho nhân vật.

“Ford v Ferrari”: Khi cuộc đua chính là cuộc đời và người đàn ông khóc sau vô-lăng... - 5

Sự đam mê, tận tụy hết mình với công việc và niềm đam mê chính là sức hút lớn nhất trong phim

Sự đam mê, tận tụy hết mình với công việc và niềm đam mê chính là sức hút lớn nhất trong phim. Và công việc, đam mê ấy bao gồm cả thăng hoa và tuyệt vọng, cả sự can thiệp đầy áp lực của các sếp và sự gắn bó chân tình giữa các cộng sự.

Có thể hơi quá khi gọi “Ford v Ferrari” là siêu phẩm điện ảnh, nhưng quả thực bộ phim có hơi hướng của một siêu phẩm, là một phim điện ảnh đích thực với chuyện phim mới mẻ, độc đáo, một dạng phim được thực hiện chắc chắn, cẩn trọng về mọi khía cạnh, để đem lại sự thỏa mãn cho người xem. Những bộ phim chất lượng như vậy đang ngày càng vắng bóng ngoài rạp chiếu.

Thực tế, đạo diễn James Mangold không xa lạ gì với thể loại siêu anh hùng, ông từng dàn dựng những phim như “Logan” (Logan: Người sói - 2017) hay “The Wolverine” (Người sói Wolverine - 2013). Nhưng người ta sẽ phải nhớ tới ông dài lâu với “Ford v Ferrari”.

Sau cùng, bạn có thể nghĩ mình không quan tâm tới xe đua và đua xe, không thích xem “Ford v Ferrari” dài hai tiếng rưỡi, nhưng nếu thử, bạn sẽ bất ngờ trước một thế giới hấp dẫn được mở ra trong phim, một thế giới đẹp đẽ mà có thể bạn chưa biết đến.

Ở đó, có những người sống chết vì đam mê, đặt cược sinh mệnh để được cháy hết mình với thứ đam mê khiến họ bị ám ảnh cả cuộc đời cho tới lúc chết. Họ là những người đàn ông khao khát được đua xe và thiết kế nên những chiếc xe đua hoàn hảo.

Bạn sẽ nhớ mãi giọt nước mắt của Ken Miles sau vô-lăng, khi anh đang trên đường đua, bởi anh biết mình buộc phải từ bỏ ngôi vị quán quân dù đã ở rất gần chiến thắng, Miles phải chấp nhận chạy chậm lại theo ý đồ riêng mà hãng bày ra, anh phải từ bỏ giấc mơ chiến thắng, bởi sau cùng, trong cuộc đời Miles, anh chỉ cần được đua, được sống chết vì đam mê. Đó mới là hạnh phúc, thắng thua để sau. Có những người đàn ông đam mê như thế…  

“Ford v Ferrari”: Khi cuộc đua chính là cuộc đời và người đàn ông khóc sau vô-lăng...

Bích Ngọc