Bí mật đằng sau biệt thự, mùi và… cảnh “nóng” trong “Ký sinh trùng”

(Dân trí) - Trong “Parasite”, ngôi nhà là “diễn viên không lời” ấn tượng nhất, mùi là yếu tố vô hình ám ảnh nhất, cảnh “nóng” là tình tiết có tính bước ngoặt cần thiết nhất.

Biệt thự - “Diễn viên không lời” ấn tượng nhất

Bí mật đằng sau biệt thự, mùi và… cảnh “nóng” trong “Ký sinh trùng” - 1

Ngôi sao thực sự trong bộ phim “Parasite” chính là ngôi nhà

Ngôi sao thực sự trong bộ phim “Parasite” theo đánh giá của bài bình phim trên tờ The Guardian (Anh) chính là ngôi nhà. Theo tìm hiểu, 4 bối cảnh đã được dựng lên rất cẩn thận, cầu kỳ, tỉ mỉ để tạo nên những khuôn hình đặc tả nội thất căn biệt thự sang trọng trong phim - một công trình sử dụng nhiều gỗ và kính.

Các diễn viên trong “Parasite” đều hoàn tất phần vai của mình một cách hoàn hảo, nhưng ngôi nhà trong phim cũng có một màn diễn xuất vô cùng ấn tượng, đó là một căn biệt thự với lối kiến trúc hiện đại, xa hoa và đẹp đẽ, máy quay lia đến đâu đều cho thấy nội thất trong nhà được sắp đặt hoàn hảo đến đó. Đây là biệt thự của gia đình Park giàu có.

Trong phim, biệt thự này vốn được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng, còn trong thực tế, đạo diễn Bong đã cho thực hiện 4 bối cảnh được sắp đặt, dàn dựng công phu, đồng thời đòi hỏi nhiều công sức trong khâu biên tập hình ảnh. Biệt thự ấy trông ra một sân vườn rộng rãi, trồng cỏ xanh mướt.

Căn biệt thự này hoàn toàn đối lập khi đem so sánh với không gian sống của gia đình nhà Kim. “Parasite” cũng như nhiều bộ phim mang yếu tố giật gân, trong đó, một ngôi nhà thoạt tiên xuất hiện đẹp đẽ, hoàn hảo bỗng trở thành một nơi ẩn chứa những bí mật rợn người. Những phim có chi tiết ngôi nhà kiểu này thường là phim kinh dị.

Bí mật đằng sau biệt thự, mùi và… cảnh “nóng” trong “Ký sinh trùng” - 2

Ngôi nhà trong phim có một vị trí đặc biệt trong tổng thể nội dung

Mặc dù “Parasite” không phải một phim kinh dị thực sự, nhưng ngôi nhà trong phim có một vị trí đặc biệt trong tổng thể nội dung, với những bí mật đen tối ẩn giấu dưới tầng sâu. Bí mật ấy sẽ từ từ mở ra khi những mảng không gian tối tăm nằm trong chính căn biệt thự hào nhoáng được hé lộ, để rồi từ tầng sâu, những bước ngoặt của nội dung phim bắt đầu xảy ra.

Đẳng cấp của “Parasite” đến từ những ý nghĩa ẩn dụ mà ngôi nhà trong phim chứa đựng, đó là sự phân biệt đẳng cấp âm thầm nhưng khắc nghiệt và cay đắng, được thể hiện ngay trong chính nội tại căn biệt thự đẹp đẽ hoàn hảo đó.

Căn biệt thự trong “Parasite” là một công trình biểu trưng cho sự giàu có xa hoa, nhưng đồng thời nó cũng ẩn giấu chiều sâu khủng khiếp của những bí mật và sự khốn cùng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong căn nhà ấy, người chủ gia đình - ông Park - luôn được khắc họa trong tư thế bước lên cầu thang dẫn lên tầng trên; còn những bậc thang đi xuống luôn gắn liền với những người giúp việc cho gia đình nhà Park. Sự khác biệt trong vị thế giữa các nhân vật còn thể hiện ở chính những nấc thang mà họ bước đi.

Đạo diễn Bong đã đặt vào ngôi nhà trong “Parasite” nhiều ý nghĩa biểu tượng, với những hình ảnh ẩn dụ sâu sắc, và nhờ thế mà đưa bộ phim lên một đẳng cấp khác. Xem xong bộ phim, khán giả sẽ không chỉ nhớ tới những nhân vật và tình tiết, mà hẳn còn rất nhớ tới bối cảnh căn biệt thự - “nhân vật chính không lời” của bộ phim.

Mùi - Yếu tố vô hình ám ảnh nhất

Bí mật đằng sau biệt thự, mùi và… cảnh “nóng” trong “Ký sinh trùng” - 3

Bên cạnh thị giác và thính giác, “Parasite” đã đưa yếu tố... khứu giác

Bên cạnh thị giác và thính giác, “Parasite” đã đưa yếu tố... khứu giác vào làm tâm điểm trong chuyện phim đặc tả cuộc xung đột giàu nghèo. Bộ phim đề cao yếu tố hình ảnh (thị giác) và âm thanh (thính giác), nhưng chính yếu tố mà người xem không thể nào cảm nhận trực tiếp được - mùi (khứu giác) - mới là điều khiến họ phải cố gắng hình dung và nhớ tới nhiều nhất sau khi xem xong bộ phim.

Bạn không thể nào tránh khỏi những ý nghĩ về... mùi được đề cập trong phim. Mùi ở đây không chỉ là biểu trưng cho đẳng cấp xã hội, mà còn như một yếu tố đe dọa lột trần gốc gác nhân thân của một người, cùng những bí mật u tối đang được người đó ẩn giấu. Đạo diễn Bong Joon-ho đã khiến một yếu tố mơ hồ trở thành một chi tiết đắt giá trong phim.

Chuyện phim xoay quanh gia đình nhà Kim sống trong căn hộ tầng “bán hầm” u tối, ẩm thấp. Sau này, ngay cả khi gia đình nhà Kim đã “gặp thời”, đã nhận được những công việc rất lý tưởng thì những lời nói dối của họ về bằng cấp, về kinh nghiệm công việc vẫn đối diện với nguy cơ bị lột trần chỉ bởi... mùi của họ.

Bỗng nhiên một yếu tố nằm ngoài khả năng cảm nhận trực tiếp của người xem - mùi - lại trở thành tâm điểm diễn biến xoay quanh số phận các thành viên trong gia đình nhà Kim.

Bí mật đằng sau biệt thự, mùi và… cảnh “nóng” trong “Ký sinh trùng” - 4

Trong “Parasite”, sự bất bình đẳng xã hội không thể hiện quá đơn giản thông qua tiền bạc hay vật chất đơn thuần

Trong “Parasite”, sự bất bình đẳng xã hội không thể hiện quá đơn giản thông qua tiền bạc hay vật chất đơn thuần, từ “nghèo” thậm chí còn không được sử dụng trong lời thoại tiếng Hàn của các nhân vật. Vậy nhưng cái nghèo của nhà Kim được lột tả rất rõ ràng, thấm thía nhất chính là qua… mùi của họ.

Chi tiết về mùi lần đầu tiên xuất hiện trong phim là khi cậu bé nhà Park nhận xét rằng mùi của bác lái xe và bác quản gia rất giống nhau. Tới khi chính ông Park cũng bắt đầu để ý tới mùi của người lái xe, thì người xem cũng bắt đầu cố “ngửi” ra cái mùi đang được đặc tả trong phim.

Yếu tố mùi này khiến các thành viên nhà Kim nhận ra rằng dù họ có hóa thân thành ai, mặc quần áo thế nào, kiếm đồng lương ra sao... thì họ cũng không bao giờ có thể khỏa lấp đi cái mùi đặc trưng trên người mình.

Khi nhà bị ngập nước, ông Kim đã không ngần ngại lội qua dòng nước ngập bẩn thỉu, hoàn toàn không nề hà mùi hôi của dòng nước ấy, để lội xuống tầng hầm cứu một ít đồ dùng ít ỏi của gia đình.

Còn ông Park vốn vẫn bị ám ảnh bởi thứ mùi mà ông ta cho là rất khó chịu, thì ngay cả khi đang phải đối diện với hoàn cảnh nguy nan khẩn cấp, tình huống đe dọa tới an nguy tính mạng của các thành viên trong gia đình, ông ta vẫn phải dừng lại một nhịp vì… “cái mùi đó”. Yếu tố mùi được đặc tả đầy ám ảnh trong các tình huống của phim.

Bí mật đằng sau biệt thự, mùi và… cảnh “nóng” trong “Ký sinh trùng” - 5

Mùi thực sự phản ánh đời sống của chúng ta

Đạo diễn Bong chia sẻ: “Mùi thực sự phản ánh đời sống của chúng ta. Nó cho thấy bạn đang phải vật lộn như thế nào trong cuộc sống, bạn đang làm công việc gì. Khi ta ngửi thấy mùi của người khác, ta thường không nói ra, bởi sợ điều đó là thô lỗ. Chính qua yếu tố mùi mà căng thẳng gia tăng trong phim, tạo nên những tầng lớp dẫn tới bi kịch sau cùng”.

Trong “Parasite”, mùi gắn với những xúc cảm u tối: giận dữ, ngờ vực, khó chịu, lo lắng... Đạo diễn Bong rất chú ý yếu tố hình ảnh trong phim, nhưng mùi vẫn nắm vai trò trung tâm. Mùi đánh thức ký ức và đạo diễn Bong thấu hiểu điều đó. Khi làm phim “Okja”, ông đã dành thời gian tìm hiểu ở những lò giết mổ gia súc, mùi ở đó khiến ông không quên nổi, sau đó, ông đã phải tạm thời ăn chay.

Khi làm phim “The Host”, ông đã nhớ lại trải nghiệm của mình khi còn là sinh viên, từng tham gia một sự vụ khiến ông phải nếm trải hơi cay: “Đó là những thứ mùi kinh hoàng không miêu tả được và đôi khi tôi vẫn gặp lại trong những giấc mơ. Có những mùi rất tàn khốc và khủng hoảng. Có những mùi rất ngọt ngào và quyến rũ. Mùi là một lĩnh vực rất hấp dẫn”.

Cảnh “nóng” - Tình tiết quan trọng nhất

Bí mật đằng sau biệt thự, mùi và… cảnh “nóng” trong “Ký sinh trùng” - 6

Cảnh “nóng” trong phim “Parasite” là một trong những tình tiết gây bàn luận nhiều nhất, đạo diễn Bong hiểu rõ điều đó và khẳng định cảnh “nóng” trên ghế sofa của vợ chồng nhà Park là một cảnh quan trọng.

Kể từ khi phim mới ra rạp, đã có những ý kiến khác nhau về cảnh “nóng” này, đặc biệt tại Hàn Quốc, có những người xem còn cho rằng đây là cảnh không cần thiết, làm giảm đi tính chất nghệ thuật sâu sắc của bộ phim.

Đạo diễn Bong đã lên tiếng giải thích ý đồ nghệ thuật của mình: “Cảnh ‘nóng’ trên ghế sofa là cảnh quan trọng và cần thiết hàng đầu, nó xuất hiện từ khi tôi mới bắt đầu viết kịch bản cho phim. Đây là một cảnh có tính bước ngoặt đối với gia đình nhà Kim, đặc biệt là với người cha - ông Kim Ki-taek.

“Hãy hình dung xem tình huống đó khó chịu tới mức nào đối với người cha. Chỉ cần một người cha vô tình xem phải cảnh ‘nóng’ trên phim khi đang có con cái ngồi bên đã đủ để người cha cảm thấy rất khó xử. Vì vậy, tình huống này đối với ông Ki-taek là một cú chấn động bước ngoặt. Đó chính là khi ông Ki-taek bắt đầu thay đổi cảm nhận về nhà Park”.

Bí mật đằng sau biệt thự, mùi và… cảnh “nóng” trong “Ký sinh trùng” - 7

Chỉ cần một người cha vô tình xem phải cảnh ‘nóng’ trên phim khi đang có con cái ngồi bên đã đủ để người cha cảm thấy rất khó xử

Hơn thế, đạo diễn Bong cũng biết rằng cảnh “nóng” này sẽ khiến người xem cảm thấy căng thẳng, thậm chí khó chịu, điều đó là cần thiết và diễn ra theo đúng ý đồ của ông: “Cảnh này không có gì hấp dẫn như người xem vẫn thường hình dung về cảnh ‘nóng’.

“Tôi muốn người xem cũng phải căng thẳng gần như gia đình nhà Kim, tôi muốn họ cũng mong cảnh này kết thúc nhanh, giống hệt tâm trạng người cha khốn khổ đang nằm dưới gầm bàn vậy. Tôi muốn họ đồng cảm với ông Ki-taek. Đó là một cảm giác thực sự ngột ngạt, khổ sở”.

Những khoảnh khắc đáng nhớ của đoàn làm phim "Parasite" tại lễ trao giải Oscar

Bích Ngọc

Theo The Guardian/Vulture

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm