1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Đồng tiền đã làm "biến dạng" văn hóa ứng xử trong quảng cáo?

(Dân trí) - Những số tiền ngất ngưởng được tính bằng giây (s) của các TVC (Television commercial) quảng cáo trên truyền hình, có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy sốc.

Quảng cáo sữa phản cảm khiến cư dân mạng khó chịu
 
 
Thời gian qua, dư luận bày tỏ sự phẫn nộ trước nhiều đoạn quảng cáo trên truyền hình. Cốt lõi của vấn đề nằm ở trình độ của những người làm quảng cáo, hay, "ngẫm thay muôn sự tại tiền"?
 
Lỗi tại trình độ...?

Có một điều khá dễ nhận thấy là ở Việt Nam, các nhãn hàng thường luôn chứng tỏ “mình là nhất” thông qua những quảng cáo được phóng đại thái quá. Ví dụ như quảng cáo kẹo cao su giúp người dùng đạt độ tỉnh táo cao tới mức có thể đi xe máy trên dây hay quảng cáo bột giặt có thể tẩy sạch mọi vết bẩn một cách phi thực tế. Những quảng cáo “gây ấn tượng mạnh” như vậy đã không thể gây được thiện cảm với khán giả truyền hình.
 
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sỹ Nhân học Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu Trưởng ĐH KH Xã Hội & Nhân Văn - ĐH Quốc Gia HCM cho biết: “Mỗi công ty có quan điểm và chiến lược riêng: có công ty chú ý đến tính độc đáo, sáng tạo, có công ty chú ý đến tính lợi nhuận. Các công ty đã có thương hiệu họ chỉ chú ý đến giới thiệu tính độc đáo, cái mới của những sản phẩm trong khi đa số các công ty hiện nay chú trọng đến việc chứng minh sản phẩm mình là tối ưu không chú ý đến các yếu tố khác. Chính việc này nhiều khi lại tạo hiệu ứng ngược, ví dụ quảng cáo nước diệt khuẩn với hình ảnh bà nội trợ sẵn sàng miết tay vào thành bồn cầu để kiếm chứng độ sạch”.

Tuy vậy, sử dụng hiệu ứng ngược cũng từng là một “chiêu thức” được nhiều hãng sử dụng và rất thành công. Ví như màn quảng cáo “khủng bố” của một hãng sản xuất máy lọc nước khiến khán giả “điên đầu”. Trong quảng cáo của mình, hãng này chỉ có duy nhất một câu slogan được phát liên tục và âm thanh ồn ào khó chịu. Tuy bị phản ứng, nhưng thương hiệu của hãng sản xuất máy lọc nước kia nhanh chóng được biết đến và ghi nhớ. Mục đích “được nhớ tên” của hãng đã thành công rực rỡ.

Dưới góc độ là nhà nhân học - xã hội học, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan phân tích: “Tôi thấy các quảng cáo mà xã hội cho là phản cảm là kết quả trình độ của đội ngũ làm quảng cáo. Họ chưa có cái nhìn toàn diện, chưa lường được hiệu ứng ngược của xã hội; Hoặc họ dùng hiệu ứng ngược để mọi người nhớ đến cái tên của sản phẩm; Hoặc quá chú trọng đến sản phẩm chứ chưa chú trọng đến lợi ích người tiêu dùng, họ chưa nhận ra được lợi ích người tiêu dùng mới là lợi ích bền vững nhất".
 
Tiến sĩ Nhân học Ngô Thị Phương Lan
Tiến sĩ Nhân học Ngô Thị Phương Lan
 
 
Hay, "ngẫm thay muôn sự tại tiền"...?
 
Chi phí quảng cáo trên truyền hình xưa nay luôn là đề tài "hot" với công chúng, bởi đó luôn là những con số ngất ngưởng. Muốn phát sóng vào giờ vàng, giá quảng cáo cũng phải mua được... vàng ròng.
 
Gần đây, giới làm quảng cáo xôn xao bởi các nhãn hàng đã phải bỏ tới 260 triệu đồng cho một lần quảng cáo (30s) trên truyền hình trong cuộc thi The Voice Kid 2013. Giá tiền cao chót vót này đã vượt qua “kỷ lục” 220 triệu tại chung kết The voice 2012 dù cuộc thi năm nay vẫn còn nằm ở những vòng ngoài. Điều đáng nói là, người ta “Gia Cát Dự” rằng kỷ lục mới này sẽ nhanh chóng bị phá vỡ, thậm chí là chỉ ngay trong năm nay.

Tháng 6/2013 để xuất hiện 30s trong chương trình này, các nhãn hàng phải bỏ số tiền là 150 triệu nhưng chỉ 2 tháng sau, con số đã tăng gần gấp đôi (260 triệu). Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện tại, không phải nhãn hàng nào cũng đủ sức “đu” theo mức giá tăng liên tục này nhưng hãng nào cũng hiểu, không quảng cáo đồng nghĩa với việc bị “lãng quên”. Vậy nên các hãng buộc phải lựa chọn phương thức “rút gọn” các TVC (Television commercial) quảng cáo để mua gói rẻ nhất có thời lượng 10 giây hoặc gói 15s và đây là thời điểm mà “nỗi oan của Thuý Hằng” xuất hiện. Quảng cáo sữa bị chỉ trích phản cảm vì đã bị cắt đi một nửa thời lượng, chỉ với vài giây cắt đi, nhãn hàng đã tiết kiệm được số tiền không nhỏ.

Trong tháng 8, bảng giá dành cho gói 10s xuất hiện trên The Voice Kid là 130 triệu đồng, xấp xỉ gần bằng số tiền có thể mua gói xuất hiện 30s tại thời điểm tháng 6/2013. “Các hãng buộc phải cân đối ngân sách và lựa chọn gói phù hợp trong bối cảnh kinh tế khó khăn này. Đó là lựa chọn khả dĩ nhất của họ và đó cũng là lựa chọn thông minh”- Lan Anh, nhân viên một công ty chuyên “booking quảng cáo” chia sẻ. Thời gian gần đây, khách hàng của cô thường rất “nhát tay” và phòng dựng của công ty cô cũng thường nhận được yêu cầu phải dựng một TVC quảng cáo với nhiều phiên bản khác nhau về thời lượng.

“Các TVC quảng cáo có thời lượng rất ngắn mà vẫn phải đảm bảo đủ nội dung nên các phân đoạn trong quảng cáo buộc phải không dư thừa. Do đó khi cắt một quảng cáo 30s xuống còn 15s, đó là cả một cực hình đối với người dựng bởi anh ta sẽ không biết phải cắt thế nào để vẫn đảm bảo được nội dung”- Lan Anh có cái nhìn rất thông cảm về “tai nạn” trong quảng cáo sữa của người mẫu Thuý Hằng.
 
Với số tiền ngất ngưởng tính theo từng giây, những TVC quảng cáo đã bị "biến dạng" vì biên tập cắt, dựng quá đà. Chỉ có câu hỏi đặt ra, văn hóa ứng xử cũng có thể mua được bằng tiền?

Giá quảng cáo luôn cao chót vót
Giá quảng cáo luôn cao chót vót

 
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí, những TVC quảng cáo muốn phát sóng ngay sau khung giờ Thời sự buổi 19h còn phải đấu giá. Chiến thắng sẽ thuộc về những người mạnh tay chi.
 
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, về góc độ xã hội các quảng cáo có tác động đến khán giả mạnh mẽ vì tần suất lặp đi lặp lại của quảng cáo nhiều, những thông điệp quảng cáo chuyển tải sẽ thấm dần vào khán giả. Mỗi quảng cáo lý tưởng nên có ý kiến phản biện độc lập của các chuyên gia về văn hóa, xã hội cho phù hợp.
 
Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan cũng cho rằng, truyền hình và đơn vị kiểm duyệt cần lưu ý về trách nhiệm với khán giả, không nên vì lợi nhuận từ quảng cáo mà "bỏ qua" khán giả. Hãy đặt mình vào vị trí khán giả để biết, họ nghĩ gì và cảm thấy ra sao mỗi khi ngồi trước màn hình xem tràn lan những chương trình quảng cáo.
 
 
Phan Anh