Chuyện ứng xử thiếu văn hóa trong quảng cáo truyền hình
(Dân trí) - Sau quảng cáo dầu gội vô lễ của hoa hậu Mai Phương Thúy, lại có thêm một quảng cáo sữa khiến cộng đồng mạng phản ứng bởi sự vô duyên đến phản cảm. Quảng cáo có sự tham gia của người mẫu Thúy Hằng.
Trong quảng cáo của một hãng sữa đang phát trên truyền hình, nhân vật nữ chính thổ lộ rằng: “Bác sĩ nói mẹ có nguy cơ loãng xương, nên mình... uống sữa A hàng ngày để phòng ngừa loãng xương”. Đoạn quảng cáo kia bị phản ứng là bởi người con “quá vô duyên, bất hiếu” khi bỏ mặc người “có nguy cơ loãng xương” là người mẹ, chỉ lo lắng cho bản thân mình.
Điều đáng nói là chỉ cần bỏ ra một đêm theo dõi trên truyền hình cũng có thể nhận thấy những quảng cáo phản cảm kiểu này là không hề ít. Có quảng cáo nước tẩy rửa kể về hai bà nội trợ, một bà chứng minh sự hiệu quả của nước tẩy rửa mình đang dùng bằng cách sẵn sàng miết tay vào thành bồn cầu để kiểm chứng độ sạch. Hay quảng cáo sữa với hình ảnh một ông chồng vô trách nhiệm, vì mải mê uống sữa mà bỏ mặc vợ mình gặp rắc rối... Đình đám nhất là việc Mai Phương Thuý bị “buộc tội” vô lễ trong một quảng cáo dầu gội.
Chia sẻ về quảng cáo sữa do mình đóng đang bị phản ứng, người mẫu Thuý Hằng cho biết, khán giả đã hiểu lầm ý nghĩa của quảng cáo do lỗi cắt dựng. “Trong bản đầy đủ có cảnh hai mẹ con cùng uống sữa, đồng thời có câu thoại rằng: “Hai mẹ con mình cùng uống sữa.” Tuy nhiên trong bản cắt ngắn 15s lại cắt không khéo dẫn đến việc khán giả phản ứng”.
Người mẫu Thuý Hằng cũng cho biết thêm rằng trong hợp đồng đã ký, bên hãng sữa cũng đồng thời ký chung với mẹ cô như là một phần trong quảng cáo. “Tất cả các cảnh quay của tôi mẹ đều có mặt, tôi thấy kịch bản lẫn nội dung không có vấn đề gì cho tới khi nó bị cắt ngắn đi một nửa. Đó là lỗi do cắt dựng lại không khéo mà thôi”.
Tuy đây là quảng cáo do Thuý Hằng đóng nhưng phản ứng của cư dân mạng cũng khiến Thuý Hạnh gặp khá nhiều rắc rối. Lý do là bởi hai chị em quá giống nhau khiến khán giả không phân biệt được ai là người đóng trong TVC quảng cáo đó (không biết Thúy Hằng hay Thúy Hạnh). Trước sự phản ứng của khán giả, Thuý Hạnh phải lên facebook cá nhân than vãn rằng giờ “cái gì cũng là Thuý Hạnh làm.”
Sự thật có thể đúng như lời “kêu oan” của người mẫu Thuý Hằng nhưng cần phải nói thêm rằng hiện trạng quảng cáo phản cảm trên truyền hình đã bị báo chí phản ánh từ rất lâu. Còn nhớ, cách đây khoảng 2 năm, quảng cáo “khủng bố” của một hãng sản xuất máy lọc nước cũng khiến khán giả “điên đầu”. Trong quảng cáo của mình, hãng này chỉ có duy nhất một câu slogan được phát liên tục và âm thanh ồn ào khó chịu. Hay tình trạng quảng cáo băng vệ sinh, hay những sản phẩm “nhạy cảm” khác được phát vào giờ các gia đình ăn cơm... cũng chưa được dẹp bỏ triệt để.
Quảng cáo là cách gần nhất để các nhãn hàng tiếp cận với khách hàng của mình, tuy nhiên “văn hoá” quảng cáo ở Việt Nam dường như chưa được chú ý một cách đúng mức. Có một sự thật là phong cách làm quảng cáo của Việt Nam và thế giới cũng có những sự khác biệt nhất định. Ví dụ như các nhãn hàng của Việt Nam thường chuộng các quảng cáo “trực tiếp” nói đến sản phẩm, còn các nhãn hàng quốc tế thường chú trọng đến các quảng cáo mang tính ý tưởng đột phá. Đó là lý do vì sao một số quảng cáo của nước ngoài được đầu tư với con số triệu đô và được thực hiện như một tác phẩm nghệ thuật thực sự.